Không để ‘nghẽn lệnh’ sàn chứng khoán

H.Hương 07/03/2021 08:29

Nói về thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, đó là những thông tin đầy bức xúc của người chơi khi nghẽn lệnh cục bộ. Hoạt động mua - bán do vậy không thể diễn ra được.

Giao dịch chứng khoán “mùa Covid”.

Lệnh treo từ sáng tới chiều

Hiện tượng nghẽn lệnh diễn ra từ trước và sau Tết Nguyên đán, ở ngưỡng thanh khoản 14.000 - 17.000 tỷ đồng gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Cụ thể từ cuối tháng 12/2020 có hiện tượng một số lệnh giao dịch của nhà đầu tư qua các Công ty chứng khoán không gửi được vào hệ thống giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM. Nhà đầu tư không thể đặt được lệnh trên bất cứ sàn nào, HNX hay HOSE.

Chị Hoàng Thu Hiền một tay chơi lâu năm trên thị trường chứng khoán đã phải nói rằng, thị trường xanh hay đỏ hay tím cũng chỉ biết vậy mà thôi. Trong các phiên giao dịch những ngày cuối tháng 2, các lệnh đặt mua sau 13 giờ 30 hoặc 14 giờ thường xuyên trong tình trạng đẩy lên sàn được.

Thời gian qua nhiều nhà đầu tư không thể đặt được lệnh trên bất cứ sàn nào, HNX hay HOSE.

Uỷ ban Chứng khoán nhà nước cho biết đã khẩn trương họp với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM và các công ty chứng khoán để đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục để đảm bảo hệ thống giao dịch thông suốt. Phía cơ quan quản lý nói cho thấy hiện tượng “nghẽn lệnh” có một số nguyên nhân, và nguyên nhân chính là do năng lực theo thiết kế của hệ thống giao dịch tại Sở Giáo dịch chứng khoán TP HCM có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày giao dịch, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, người chơi chứng khoán vẫn khẳng định, chưa thoả mãn khi nhiều công ty chứng khoán vẫn cho biết sàn HOSE đang không trả xác nhận lệnh mới từ thời điểm 14:09.

Chị Đinh Mỹ Lan Anh (Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) nói, khi thị trường mất điểm cũng không đặt được lệnh, rồi thị trường tăng điểm hay mất điểm cũng chẳng mua hay bán được gì.

“Đu đỉnh hay xuống dốc cũng chịu. Bực cả mình”, Chị Lan Anh nói.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước nói đã chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM khẩn trương nghiên cứu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, thông suốt. Theo đó, trong ngắn hạn, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đã thực hiện các giải pháp để tối ưu hóa lượng lệnh giao dịch nhập vào hệ thống, gồm: Nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô từ ngày 4/1/2021 để giảm tải lệnh lô lẻ cho hệ thống; phối hợp và yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía công ty nhằm tránh tác động xấu đến hệ thống; thực hiện rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, tăng cường trực ca vào thời gian giao dịch cao điểm.

Thế nhưng, hiện tượng nghẽn mạng vẫn chưa được giải quyết. Nhiều ý kiến đã thẳng thắn nói rằng, chơi chứng khoán đúng là chơi bài mà phần thua nằm ở người chơi khi mà thị trường chẳng minh bạch. Minh bạch ở đây nằm ở việc, lúc muốn bán thì không bán được, lúc muốn mua thì không mua được. Như mạng internet ở nhà, lúc kết nối được lúc không kết nối được!

Gạt nhà đầu tư nhỏ lẻ ra ngoài cuộc chơi tài chính?

Đáng quan tâm hơn, và nóng hơn nữa là để khắc phục tình trạng “nghẽn lệnh” thay vì nâng cấp hệ thống, cơ quan quản lý tiếp tục tính đến phương án tiếp tục tăng lô giảm tải số lượng lệnh giao dịch trên sàn.

Cụ thể, tân Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM Lê Hải Trà cho biết, đơn vị này đã tính đến giải pháp tạm thời là nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu trên HOSE từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu để giảm tải cho hệ thống. CEO HOSE cho hay, vấn đề này đã được HOSE tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả.

Theo tính toán của HoSE, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. “Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp”, ông Trà trả lời trên báo chí.

Cũng theo lãnh đạo HOSE, trong tương lai, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, sẽ có bảng giao dịch lô lẻ và nhà đầu tư có thể quay trở lại lô 100 như hiện nay.

Song nhà đầu tư cho rằng , đề xuất nâng lô là một giải pháp không công bằng. Trong nền kinh tế, mọi cá nhân đều có thể trở thành nhà đầu tư, vì vậy, người có vốn ít thì đầu tư ít, người có vốn nhiều thì đầu tư nhiều. Nếu nâng lô lên 1.000 cổ phiếu cho mỗi lần giao dịch thì không phải ai cũng có tiền để chơi chứng khoán.

Xét ở phương diện đầu tư, việc nâng lô lên 1.000 cổ phiếu (nếu có) sẽ khép chặt hơn cánh cửa chạm vào các cổ phiếu tốt của họ. Chẳng hạn như mỗi cổ phiếu SAB (Sabeco) đang giao dịch ở mức giá xấp xỉ 183.000 đồng, VNM (Vinamilk) 104.500 đồng… Khi nâng lô giao dịch, một số nhà đầu tư không đủ tiền dư hàng trăm triệu để mua các cổ phiếu này .

Phần lớn quan điểm khi trả lời PV báo Đại Đoàn kết đều khẳng định, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp. Tiền trong dân sẽ gián tiếp chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh qua kênh đầu tư này. Vì vậy, không nên cản trở dòng tiền.

Được biết trong trung hạn, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM nghiên cứu đề xuất phương án kỹ thuật đảm bảo hệ thống giao dịch hiện tại vận hành suôn sẻ, thông suốt cho đến khi hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ có cơ chế hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM sang Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để giảm tải cho hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

Chứng khoán tháng này thế nào?

Trong báo cáo mới được công bố, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định trong tháng 3, VN- Index sẽ duy trì đà tăng và đủ khả năng vượt đỉnh lịch sử 1.200, hướng tiếp về khu vực quanh 1.220. Vốn hóa tăng 5% và thanh khoản gia tăng về lại mức cao của tháng 1. Tại mức điểm này, P/E VN-Index vào khoảng 18,8, cao hơn so với mức 18 vào cuối tháng 2.

Tuy nhiên, BSC cũng đưa ra hướng cho rằng VN-Index có thể tiếp tục trạng thái tích lũy ngắn hạn theo kênh giá đi xuống và dời về quanh khu vực 1.130 điểm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường tại nhiều nước khiến tâm lý nhà đầu tư quốc tế vẫn trong trạng thái bi quan, dẫn đến việc thị trường thế giới chưa thoát khỏi xu hướng giảm ngắn hạn và trạng thái rút ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam gia tăng trở lại.

Nhìn lại một số phiên giao dịch trong tuần đầu tháng 3 được biết, thị trường không mấy hồ hởi. Chẳng hạn trong phiên giao dịch sáng ngày 4/3, lực bán tăng trên diện rộng đẩy hàng loạt mã quay đầu giảm giá, đẩy VN-Index rơi theo phương thẳng đứng, mất 26,52 điểm xuống ngưỡng 1.160,43 điểm. Sáng ngày 4/3,sàn HOSE có 80 mã tăng và 378 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 563,1 triệu đơn vị, giá trị 13.730,7 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,5 triệu đơn vị, giá trị 481,3 tỷ đồng.

Còn sàn HNX có 41 mã tăng và 116 mã giảm, HNX-Index giảm 1,23 điểm (-0,48%), xuống 252,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 107,2 triệu đơn vị, giá trị 1.621,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,45 triệu đơn vị, giá trị 7,7 tỷ đồng.

Còn phiên giao dịch ngày 3/3 thị trường ngập sắc đỏ. VN-Index chỉ còn 1.182,11 điểm với 203 mã tăng và 224 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 419 triệu đơn vị, giá trị 10.486,3 tỷ đồng

Nhìn chung thị trường tiếp tục có diễn biến thận trọng. Các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời vẫn nên quan sát diễn biến của dòng tiền trong phiên giao dịch tiếp để đánh giá lại trạng thái của thị trường.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định trong tháng 3, VN- Index sẽ duy trì đà tăng và đủ khả năng vượt đỉnh lịch sử 1.200, hướng tiếp về khu vực quanh 1.220. Vốn hóa tăng 5% và thanh khoản gia tăng về lại mức cao của tháng 1. Tại mức điểm này, P/E VN-Index vào khoảng 18,8, cao hơn so với mức 18 vào cuối tháng 2.

Tuy nhiên, BSC cũng đưa ra hướng cho rằng VN-Index có thể tiếp tục trạng thái tích lũy ngắn hạn theo kênh giá đi xuống và dời về quanh khu vực 1.130 điểm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường tại nhiều nước khiến tâm lý nhà đầu tư quốc tế vẫn trong trạng thái bi quan, dẫn đến việc thị trường thế giới chưa thoát khỏi xu hướng giảm ngắn hạn và trạng thái rút ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam gia tăng trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để ‘nghẽn lệnh’ sàn chứng khoán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO