Không để sai phạm kéo dài

Nam Việt 09/03/2020 07:30

Tại kỳ họp 43, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng. Nổi bật là việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng và xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và một số tổ chức, cá nhân liên quan đến các vi phạm đã được kết luận tại Kỳ họp 42 của UBKT Trung ương.

Thiết nghĩ, cũng cần nhắc lại những sai phạm của hai “địa chỉ” trên.

Với Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng là trách nhiệm liên quan trực tiếp vụ nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Vụ việc một thời làm xôn xao dư luận khi mà những cán bộ chống tham nhũng lại tham nhũng. UBKT Trung ương kết luận, Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng đã vi phạm Quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên và trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, để một số cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM và một số tổ chức, cá nhân liên quan đến các vi phạm đã được kết luận tại Kỳ họp 42 của UBKT Trung ương. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010-2015. Trong đó, quan trọng nhất là đối với ông Lê Thanh Hải (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy) và ông Lê Hoàng Quân (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM); đồng thời đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND TP HCM nhiệm kỳ 2011-2016.

Từ hai “địa chỉ” bị đề nghị kỷ luật này, có nhiều việc phải bàn, rất đáng suy nghĩ. Mà trước hết và quan trọng nhất chính là trách nhiệm của người đứng đầu (vì bất cứ lý do gì) làm cả một tổ chức sai phạm, đến mức phải bị kỷ luật. Ở đây, rõ ràng người đứng đầu (nhất là khi quyền hành rất to) đã cậy chức cậy quyền lèo lái cả một tổ chức làm sai; dung túng, chỉ đạo một số cá nhân làm sai và bản thân mình cũng làm sai. Điều đó thấy rõ trong sai phạm tại Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010-2015; cũng như Ban cán sự đảng UBND TP HCM nhiệm kỳ 2011-2016. Cả ông Lê Thanh Hải (đứng đầu Đảng bộ TP HCM) lẫn ông Lê Hoàng Quân (Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP HCM) được xác định là phải thi hành kỷ luật. Ở khía cạnh khác, cũng cần nhận ra rằng tổ chức đảng ở đây thiếu sức chiến đấu để sai phạm kéo dài.

Với vụ Vĩnh Phúc, tuy “không thật to” ở việc người trực tiếp nhận hối lộ chỉ giữ phẩm hàm bé, nhưng có những điểm mới đáng chú ý. Một số cá nhân cụ thể (cấp phòng) sai phạm, nhưng trách nhiệm vẫn được quy cho nguyên Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra và Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng. Cùng đó, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng các phòng liên quan cũng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu khi đơn vị có cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, cũng như trách nhiệm cá nhân của họ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Một vụ “cấp rất to” và một “quan be bé” thì cũng đều chung trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ. Đã hết thời thành tích thì cấp trên hưởng, sai phạm kỷ luật thì cấp dưới chịu. Ở đây là cùng chung trách nhiệm, không có chuyện trút tội cho người khác, còn mình thì vô can. Việc xử lý kỷ luật người đứng đầu trong sai phạm của cấp dưới, sai phạm ở đơn vị mình phụ trách, như người đời thường nói là “đúng người, đúng tội”, được dư luận đồng tình.

Cũng qua hai vụ kể trên có thể thấy “thêm” một điều là công cuộc chống tham nhũng, chống suy thoái, tha hóa của cán bộ đảng viên biến chất, mất chất không chỉ nhắm tới những vụ việc lớn, những sai phạm của quan chức cao cấp, mà ngay cả cấp bé cũng phải chịu kỷ luật nghiêm minh của Đảng. Nếu đảng ủy cấp trên của “sai phạm bé” chần chừ thì tổ chức đảng cấp cao hơn hẳn sẽ vào cuộc. Mà ở đây là việc UBKT Trung ương chỉ đạo xử lý vụ Vĩnh Phúc như đã nêu ở trên. Cũng thật đáng tiếc khi sai phạm của một số cá nhân (cấp phòng thuộc cấp vụ) đã rõ ràng, nhưng Bộ chủ quản đã không tiến hành xử lý rốt ráo, đến nỗi UBKT Trung ương phải “thụ lý”. Nhắc lại: Vụ việc xảy ra ngày 12/6/2019, cho đến ngày 18/6/2019 thì Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng (Nguyễn Thị Kim Anh- Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng) cùng hai thành viên trong đoàn để điều tra hành vi nhận hối lộ. Như vậy, vụ việc “bé” và đã rất rõ ràng nhưng cũng đã trôi qua gần 9 tháng, mới tính đến trách nhiệm những người đứng đầu trực tiếp đơn vị. Câu hỏi ở đây là vì sao?

Nhìn lại cả hai vụ kể trên, đều thấy rằng nó đã bị kéo quá dài. Tất nhiên, cần phải điều tra, xác minh chắc chắn trước khi xử lý. Nhưng nếu cứ kéo dài mãi thì sẽ khiến dư luận bức xúc, kể cả hoài nghi. Nay, với Kết luận của UBKT Trung ương (kỳ họp 43, từ ngày 2 đến ngày 4/3/2020), hy vọng rằng những cá nhân, những tổ chức sai phạm (trong hai vụ kể trên) sẽ phải được xử lý thích đáng, công minh, rõ ràng. Việc xử lý đó không chỉ để những đối tượng vi phạm tâm phục khẩu phục, mà còn để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để sai phạm kéo dài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO