Không để trục lợi từ bán điện giá cao

HÀ TUYÊN 02/10/2022 08:03

Thông tin từ Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2021 đã có 16.358 nhà trọ thực hiện ký cam kết thu tiền điện của người thuê nhà đúng quy định. Tuy nhiên sau hơn một năm, cam kết này dường như đã “mất hiệu lực”.

Khảo sát tại một số điểm có mật độ nhà cho thuê cao gần khu vực các trường đại học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), cho thấy đa số sinh viên, người lao động thuê trọ ở khu vực này đều phải trả tiền điện ở ngưỡng 3.500 - 4.000 đồng/kWh. Ngọc Linh, hiện đang là sinh viên năm thứ 3, thuê trọ ở đường Nguyễn Xiển cho biết, mỗi tháng phải trả tiền điện với giá 3.500 đồng/kWh. “Giá 3 chủ nhà đang thu còn rẻ hơn so với nhà trọ cũ tôi từng thuê năm 2020 ở ngõ 336 Nguyễn Trãi, chủ nhà lấy 4.000 đồng/kWh, thậm chí có lúc lên đến 4.500 đồng/kWh. Vì thế tôi phải chuyển nơi trọ với mong muốn giá điện rẻ hơn”, Ngọc Linh nói.

Tương tự, người thuê trọ ở các ngõ dọc đường Nguyễn Trãi, Triều Khúc, Phùng Khoang; hay ở quận Hai Bà Trưng - nơi tập trung của các trường đại học lớn như: Bách khoa, Kinh tế quốc dân, Xây dựng... cũng phải chịu giá điện từ 3.500 - 4.000 đồng/kWh. Giá điện này hầu hết đều do các chủ nhà trọ quy định ngay từ khi người thuê ký hợp đồng. Việc thanh toán tiền điện hàng tháng chủ yếu căn cứ trên thông báo do chủ nhà đưa ra, không có hóa đơn, chứng từ, cứ đến ngày nộp là bên thuê phải đóng đủ tiền.

Dễ thấy việc các chủ nhà trọ tự “niêm yết” giá điện khá chênh so với giá bán lẻ điện theo quy định còn xuất hiện công khai trên các nhóm cho thuê phòng trọ, tìm nhà trọ trên mạng xã hội. Một bài đăng cho thuê phòng trọ giá rẻ với đầy đủ tiện nghi trên Facebook, nhưng kèm theo đó là một bảng phí dịch vụ được các chủ nhà trọ định sẵn như: điện 4.000 đồng/số; nước 70.000 đồng/người; mạng wifi 100.000 đồng/phòng... và hàng loạt các chi phí khác. Mặc dù giá điện được công bố đắt hơn so với giá bán theo quy định nhưng người đi thuê vẫn buộc phải chấp nhận nếu cần chỗ ở. Cũng có trường hợp người thuê trọ biết chủ trọ đang làm sai quy định về thu tiền điện nhưng ngại thông báo với các cơ quan chính quyền bởi sợ gặp rắc rối.

Qua một thời gian tìm phòng trọ trên các nhóm Facebook, chị Phương Linh, nhân viên văn phòng đã tìm được phòng trọ khá ưng ý ở phố Bùi Ngọc Dương (quận Hai Bà Trưng) nhưng khi xem bảng giá dịch vụ, chị rất bức xúc vì chủ nhà quy định tiền điện ở mức 4.000 đồng/kWh. “Ngay khi biết chủ nhà quy định giá điện, tôi đã đề xuất việc tự chi trả tiền điện theo giá điện bậc 3 của Nhà nước, nhưng tôi chỉ nhận được một câu trả lời: Dùng ít điện thì hết ít tiền, giá ở đây bao năm vẫn vậy”, chị Linh than thở.

Mặc dù Bộ Công Thương đã có quy định về giá điện đối với trường hợp sinh viên và người lao động thuê trọ nhưng thực tế việc phát hiện và xử lý hành vi trục lợi từ bán điện sinh hoạt giá cao vẫn theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị điện lực đã kiểm tra và lập hồ sơ 16 trường hợp; Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp chủ nhà thu tiền điện cao hơn giá quy định. Số lượng xử phạt trên là quá ít so với số lượng nhà cho thuê ở Hà Nội đang làm sai quy định.

Mấu chốt trong việc xử phạt các trường hợp vi phạm là cơ quan chức năng cần phải có bằng chứng như: băng ghi âm, video hoặc hình ảnh rõ ràng về việc vi phạm thì mới có cơ sở để lập biên bản. Trong khi quá trình thu thập bằng chứng thường gặp nhiều khó khăn bởi các chủ trọ còn tìm mọi cách để “lách luật”. Họ chia ra các khoản nhỏ để thu thêm tiền điện như: tiền điện hành lang, điện máy bơm nước, điện thang máy...

Trước thực trạng trên, sinh viên và người lao động thuê nhà trọ mong muốn giá điện cần được điều chỉnh về đúng mức giá quy định, không thể để chính sách ưu đãi giá điện bị các chủ nhà trọ trục lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để trục lợi từ bán điện giá cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO