Không đồng tình bỏ quy định khoảng cách 5% giữa các bậc lương

N. Phượng 12/04/2018 15:07

Ngày 12/4, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức giao ban báo chí quý I/2018. Tại buổi giao ban, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình với cả 2 phương án bỏ quy định khoảng cách giữa các bậc lương.

Không đồng tình bỏ quy định khoảng cách 5% giữa các bậc lương

Quang cảnh hội nghị.

Hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế một số điều Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động. Trong đó đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 7, Chương III, theo 2 phương án: phương án 1: bỏ quy định khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5% và để số bậc của thang, bảng lương do doanh nghiệp quyết định hoặc phương án 2: giảm từ 5% xuống 3%, tiến tới bỏ hẳn quy định này.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Tổng LĐLĐ Việt Nam không đồng tình với cả 2 phương án: bỏ quy định khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5% hoặc giảm từ 5% hiện nay xuống còn 3%, bởi nếu thông qua quy định này, sẽ gặp phải phản ứng từ phía người lao động.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, chỉ đạo chung của Thủ tướng về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35, căn cứ vào Nghị quyết này, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra điều chỉnh Nghị định 49. Lý do thứ hai là việc trả lương phải tiến tới thoả thuận của các bên, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước.

Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1: bỏ quy định khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5% và để "số bậc của thang, bảng lương do DN quyết định" hoặc phương án 2: giảm từ 5% xuống 3%, tiến tới bỏ hẳn quy định này. Tổng LĐLĐ Việt Nam không đồng tình với quan điểm nêu ở cả 2 phương án này.

Chia sẻ lý do không đồng tình, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, mục tiêu hiện nay là phải xây dựng quan hệ lao động hài hòa; ổn định, tiến bộ. Muốn vậy phải đảm bảo được quyền lợi của NLĐ. Về kinh tế, trong 3 tháng đầu năm 2018 cho thấy doanh nghiệp đã vượt qua và giảm bớt những khó khăn. Những tín hiệu về tăng trưởng cho thấy doanh nghiệp đủ khả năng để chia sẻ với những khó khăn của người lao động. Ngoài ra, thu nhập người lao động còn thấp, lương tối thiểu chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.

Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng không nên coi đây là giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên bằng việc cắt giảm những thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, chứ không phải bằng việc cắt giảm quyền lợi người lao động, thay vào đó nên động viên họ bằng cuộc sống tốt hơn, chia sẻ khó khăn nhiều hơn, để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không đồng tình bỏ quy định khoảng cách 5% giữa các bậc lương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO