Không được cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc ca

29/03/2022 07:45

Ngày 28/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, góp ý kiến một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Tham dự hội nghị có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Quy định chặt chẽ việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca

Liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng, nhằm vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.

Thẩm tra vấn đề trên, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với sự cần thiết bổ sung quy định này. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng nên sửa đổi theo hướng, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Theo đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang), về pháp lý và kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy trong hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay đã có văn bản liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nhưng chủ yếu là quy định xử lý hành vi xâm phạm. Còn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì có thể áp dụng quy định chung. Tuy nhiên Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là biểu tượng quốc gia, được quy định trong Hiến pháp thì cần có quy định riêng, đối xử đặc biệt hơn.

“Theo báo cáo của Chính phủ, nhiều nước có quy định riêng về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Xuất phát từ thực tiễn, thời gian vừa qua có một số vụ việc đặc biệt liên quan đến Quốc kỳ trên không gian mạng, Facebook, Youtube tắt tiếng khi phát Quốc ca gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh, cũng như thể diện quốc gia” - ông Nam cho hay và nhấn mạnh, cần có thêm quy định về hành vi, chế tài, bản quyền có tính pháp lý quan trọng cần thiết nhằm bảo đảm vừa giữ gìn tính pháp lý, tính tôn nghiêm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, đáp ứng yêu cầu phổ biến trong nhân dân, hội nhập quốc tế, thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng, vụ việc vừa qua, qua rà soát thấy lỗ hổng pháp lý khá lớn khi chưa có văn bản nào quy định về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Do đó sửa luật lần này cần xử lý vấn đề trên. Tuy nhiên nên giao cho Chính phủ quy định vì hiện chưa giao ai được quy định hướng dẫn sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Đã là liệt sĩ thì không nên tính năm tại ngũ

Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Qua thảo luận, nhiều đại biểu tán thành việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào trong luật. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để tôn vinh những thanh niên xung phong đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và xây dựng đất nước. Do đó cần có hình thức “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để ghi nhận những cống hiến đối với họ. Tuy nhiên, theo ông Thành chỉ nên tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho những cá nhân tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đưa ra phân tích: Ở nước ta hiện nay số lượng thanh niên xung phong đủ tiêu chuẩn được đề nghị khen thưởng khoảng 670.000 người. Việc xét tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với lực lượng thanh niên xung phong nhằm ghi nhận những thành tích và hy sinh đóng góp trong việc tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Đây là việc cần thiết mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của dân tộc ta”.

Tán thành việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” tại dự thảo luật, đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) dẫn chứng: “Tại Thái Nguyên nhiều thanh niên xung phong đã hy sinh khi làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam. Hầu hết những anh, chị hy sinh khi ở độ tuổi 18, 20. Trong số đó có nhiều thanh niên xung phong mới tham gia được 6 tháng nhập ngũ”.

Từ đó bà Hảo cho rằng, không nên quy định quá cao về thời gian tại ngũ đối với thanh niên xung phong tham gia thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, nhất là những thanh niên xung phong đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và đã được công nhận là liệt sĩ. Vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét, cân nhắc vấn đề này” - bà Hảo nói.

Về thời gian xét khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, đại biểu Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cũng đề nghị, nên cân nhắc và không nên quy định thời gian, nhất là những thanh niên xung phong đã phục vụ ở biên giới chiến tranh bảo vệ biên giới. “Những đồng chí đã hy sinh, được Nhà nước công nhận là liệt sĩ thì không nên tính thời gian tại ngũ. Đã là liệt sĩ thì không nên tính tháng, tính năm. Chính sách đối với liệt sĩ là chính sách vô cùng cao quý dành cho người hy sinh trọn vẹn sự sống của mình cho Tổ quốc”- ông Kim nói.

“Về pháp lý và kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy trong hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay đã có văn bản liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nhưng chủ yếu là quy định xử lý hành vi xâm phạm. Còn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì có thể áp dụng quy định chung. Tuy nhiên Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là biểu tượng quốc gia, được quy định trong Hiến pháp thì cần có quy định riêng, đối xử đặc biệt hơn”- Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không được cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc ca

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO