Không nên quá 'sợ' dịch

Miên Thảo 23/10/2021 07:21

Do dịch Covid-19, học sinh, sinh viên hầu hết các địa phương trên cả nước không được đến trường, thay vào đó là học trực tuyến. Đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì đến trường học trực tiếp với thầy cô, bè bạn mới là cách lâu dài và bền vững để bảo đảm chất lượng dạy và học, cũng như sự phát triển toàn diện của học sinh. Thầy cô giáo, học sinh, sinh viên rất mong được đến trường. Và đó cũng là mong muốn của các bậc phụ huynh.

Tới nay, dịch Covid-19 với biến thể Delta về cơ bản cũng đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Dương, Long An, Đồng Nai... là tâm điểm của đợt dịch lần thứ 4 (tính từ ngày 27/4) với số ca mắc rất cao, số người nhập viện điều trị cũng như số người tử vong cao, thì cũng đã kiểm soát được nguồn lây trong cộng đồng.

Với chủ trương vừa phòng, chống dịch vừa mở cửa phát triển sản xuất, ngay cả các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới thì cũng đã quyết định khôi phục nhiều mặt hoạt động của đời sống xã hội. Các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở dịch vụ đã dần hoạt động trở lại.

Trong khi đó, nhà trường tại nhiều địa phương vẫn tiếp tục “đóng cửa”, vẫn áp dụng triệt để cách dạy trực tuyến. Vì lo sợ dịch bệnh tấn công trường học khi học sinh, sinh viên đến trường.

Tuy nhiên, một số địa phương căn cứ vào kết quả kiểm soát dịch bệnh cũng đã cho học sinh “vùng xanh” đến trường. Nhiều hơn thế là các địa phương đã lên kế hoạch sớm mở cửa trường học.

Tính tới ngày 22/10, lại có thêm một số tỉnh, thành công bố kế hoạch dạy học trực tiếp. UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên đến trường từ ngày 1/11; đồng thời, tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 học thêm 1 hình thức trên đài phát thanh và truyền hình của địa phương.

Bình Dương, địa phương vẫn còn nhiều ca mắc mới, thì Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng các phương án dạy học “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh theo cấp độ dịch. Theo đó, nếu học sinh chưa được tiêm vaccine sẽ học trực tiếp như sau: Các địa phương thuộc cấp độ 1 sẽ tổ chức học trực tiếp cho khối lớp 12 vào ngày 1/11; ngày 15/11 khối 10,11; ngày 29/1 là các khối 6, 7, 8, 9.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch, nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội đã thông thoáng thì việc mở cửa trường học cũng cần được coi như giải pháp đồng bộ. Không nên vì quá “sợ” dịch mà hạn chế quyền được đến trường của học sinh, sinh viên.

Mong muốn của trường học cũng chính là ước mơ của nhiều người, dù rằng an toàn cho học trò là trên hết, nhất là khi các em chưa được tiêm vaccine thì khả năng được bảo vệ là thấp. Trong trường hợp này khi mở cửa trường học phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng các biện pháp phòng dịch, trong đó khẩu trang, sát khuẩn như một yêu cầu bắt buộc. Phòng, chống dịch không thể chủ quan, lơ là. Một là phần lớn học sinh chưa được tiêm vaccine. Hai là môi trường học đường tập trung đông, khó có khả năng giãn cách. Và ba là do đặc điểm lứa tuổi, việc tự bảo vệ của học sinh cũng chưa cao. Từ đó nếu có ca nhiễm mới xuất hiện, thì việc xử lý là khó khăn.

Vì thế, việc mở cửa trường học để học sinh, sinh viên được đến trường rất cần sự quan tâm đầy đủ của chính quyền địa phương, của ngành giáo dục từng địa phương. Nhưng, dẫu thế thì cũng không nên quá “sợ” dịch, không dám chịu trách nhiệm nên vẫn duy trì cách học trực tuyến, làm cho người học tiếp tục phải chịu thiệt thòi, xã hội tiếp tục căng thẳng. Không ít địa phương đã là “vùng an toàn” khi nhiều ngày không có ca nhiễm mới, lại càng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng vẫn đóng cửa trường.

Trong câu chuyện này, quá “tả” hoặc quá “hữu” cũng đều không ổn mà rất cần sự tỉnh táo, sáng suốt nhìn nhận để đưa ra quyết định đúng đắn. Và thật đáng buồn khi ai đó “nhân danh” trách nhiệm đã đẩy sự thiệt thòi về phía học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không nên quá 'sợ' dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO