Không phân loại rác thải sẽ bị phạt

Hoàng Chiến 13/07/2022 06:31

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ ngày 25/8. Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định 45 là việc xử phạt hành chính với hành vi không phân loại rác.

Tỉnh đoàn Bình Thuận hướng dẫn các hộ gia đình quy trình phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ ngày 25/8 tới.

Vẫn lơ mơ quy định

Cụ thể, khoản 1 Điều 26 Nghị định này quy định, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Trước đó, quy định hiện hành tại Nghị định 155/2016 không có quy định về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.

Đây được đánh giá là một trong những điểm mới nổi bật, có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và hành động của người dân đối với việc bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP còn quy định một số mức phạt khác liên quan đến hành vi thu gom, thải rác trái quy định về bảo vệ môi trường như: Phạt tiền từ 100.000 - 150.000 đồng nếu vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng nếu vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng…

Bên cạnh đó, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng; phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng nếu vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố...

Quy định là vậy, chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết tại một số điểm tập kết rác thải trên địa bàn TP Hà Nội, việc phân loại rác vẫn chưa được thực hiện. Rác thải sinh hoạt vẫn được thu gom chung, tập kết tập trung theo cách truyền thống. Đáng nói, khi được hỏi, nhiều người dân vẫn chưa hề nắm được thông tin về quy định mới này.

Vừa mang 2 túi rác đến điểm tập kết tại đầu ngõ 76 Duy Tân, bà Trần Thúy Hà (59 tuổi, phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho biết: “Mấy ngày hôm nay tôi cũng nghe thấy hàng xóm nói chuyện về việc xử phạt nếu không phân loại rác. Tuy nhiên cụ thể thế nào thì tôi cũng không nắm rõ, cũng không thấy có thông báo, hướng dẫn phân loại rác ra sao”.

Bà Hà cho biết, nếu quy định này được áp dụng rộng rãi sẽ là một trong những đột phá cho thành phố trong việc xử lí rác thải, giảm áp lực cho các nhà máy vì rác thải đã được phân loại ở “đầu nguồn”. Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 tháng nữa Nghị định này bắt đầu có hiệu lực, nếu không tổ chức tuyên tuyền và hướng dẫn chi tiết, sẽ rất khó có thể thay đổi nhận thức, hành động và thói quen của người dân vốn đã tồn tại từ lâu nay, bà Hà đánh giá.

Còn chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (32 tuổi, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Thông tin về xử phạt hành vi không phân loại rác tôi đã nắm được mấy ngày nay vì đọc báo thấy. Xử phạt là cần thiết để người dân có ý thức phân loại rác ngay tại mỗi hộ gia đình. Thế nhưng tôi cũng băn khoăn khi thời gian Nghị định chính thức có hiệu lực chỉ còn hơn 1 tháng, nhưng các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương lại chưa có động thái tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân. Nếu việc này không làm sớm thì công tác triển khai thực hiện từ ngày 25/8 có thể sẽ gặp nhiều khó khăn vì dân không nắm rõ”.

Công nhân vệ sinh môi trường hết sức vất vả khi thu gom rác.

Tránh để “luật nằm trên giấy”

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Hương - Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên cho biết, phân loại rác dù đã được đề cập từ lâu nhưng việc thực hiện gần như không có. Người dân không có thói quen phân loại rác mà chỉ tập trung rác thải mang đến điểm tập kết. Do đó, công việc phân loại rác chủ yếu do các nhân viên vệ sinh môi trường thực hiện. Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn, lại vất vả nên hầu hết rác thải sẽ được chuyển thẳng đến các nhà máy xử lý trong thành phố.

“Việc xử lý rác thải không được phân loại cũng gây rất nhiều khó khăn cho các công nhân vệ sinh môi trường. Nếu người dân phân loại rác ngay từ những hộ gia đình thì việc xử lý rác của các công nhân vệ sinh môi trường như chúng tôi có thể sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Hiện nay quy định thì đã có nhưng chúng tôi cũng chưa được phổ biến về cách thức thực hiện ra sao nên cũng chưa hình dung ra sẽ phải làm những gì” - bà Hương cho hay.

Làm công việc vệ sinh môi trường 3 năm nay, anh Trần Văn Hùng chia sẻ: “Rất nhiều hộ gia đình cũng đã có ý thức trong việc phân loại rác, tuy nhiên con số này không nhiều. Hầu hết mọi người chỉ tập trung rác lại và chờ lực lượng vệ sinh môi trường đến thu gom nên công việc của chúng tôi rất vất vả. Thời gian gần đây các nhà máy xử lý rác còn thường xuyên quá tải nên công nhân của công ty môi trường nào cũng kiệt sức vì đợi chờ, khối lượng công việc lớn…”

Anh Hùng cũng bày tỏ mong muốn khi Nghị định 45 chính thức có hiệu lực, người dân sẽ thay đổi thói quen phân loại rác, góp phần bảo vệ môi trường cũng như giảm tải áp lực cho công nhân vệ sinh.

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nhấn mạnh, đây là vấn đề mới, mặc dù liên quan đến luật nhưng lại rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân tự giác thực hiện. Xử phạt thì dễ nhưng để việc phân loại rác thực sự trở thành thói quen, ăn sâu vào máu người dân mới là mục tiêu lớn mà chúng ta hướng đến.

Do vậy, theo chuyên gia về môi trường, thời gian hơn 1 tháng sắp tới, cả hệ thống phải vào cuộc, đặc biệt là các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh quyết liệt công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ và có ý thức thay đổi. Nếu không luật sẽ chỉ nằm trên giấy, việc xử phạt cũng không có nhiều ý nghĩa về mặt tổng thể, cộng đồng.

“1 tháng sắp tới là thời điểm quan trọng để rà soát, chuẩn bị về công tác quản lý, tạo điều kiện cho người dân sẵn sàng bắt tay vào thực hiện. Phải đến từng nhà gõ cửa, tuyên truyền, hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể như cách chúng ta đã làm với Covid-19. Có như thế thì việc triển khai thực hiện trong tháng 8 mới thực sự có hiệu quả. Bởi đây là một vấn đề lớn, chủ chương đã là rất tốt, giờ chỉ còn cách thực hiện ra sao mà thôi. Nếu cứ chỉ xử phạt thông thường, dễ dẫn đến “nhờn luật” mà mục tiêu thì không đạt được” - bà An khẳng định.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa:

Cần chế tài cho việc vận chuyển rác phân loại

Với Nghị định này, tôi hoàn toàn ủng hộ việc phạt tiền cá nhân, gia đình nếu không phân loại rác. Mặc dù trên thế giới, việc phân loại rác thải đã có từ lâu và nó trở thành nghĩa vụ của mỗi công dân, doanh nghiệp. Nhưng tại Việt Nam, việc áp dụng còn gặp nhiều khó khăn bởi người dân sẽ phải tập dần thói quen phân loại rác.

Muốn tập thói quen phân loại rác thì mức xử phạt đầu tiên nên chỉ ở mức cảnh cáo hoặc để tuyên truyền giáo dục.

Nghị định 45/2022 quy định xử phạt về việc không phân loại rác ở thời điểm này cũng là tất yếu. Bởi những năm trước đây, khi các Nghị định từ những năm 2000 còn hiệu lực về việc người dân phải có nghĩa vụ vứt rác đúng nơi quy định, lúc đó mức xử phạt rất nhẹ, chỉ từ cảnh cáo vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Đến giờ, khi người dân được tập cho một thói quen để vứt rác đúng nơi quy định thì việc phân loại rác là rất cần thiết, tiếp tục hình thành những thói quen, hành động mới của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh việc phân loại rác thải tại nhà, ở những nơi tập kết rác cũng phải có hướng dẫn/dụng cụ phân loại để người dân dễ dàng phân loại rác, tránh tình trạng phân loại rác tại nguồn nhưng lúc tập kết di chuyển đến cơ sở xử lý lại gộp chung vào với nhau. Khi đó việc phân loại cũng không còn ý nghĩa nữa.

Vì vậy cũng cần có các chế tài cho việc di chuyển, vận chuyển rác phân loại, cần những yêu cầu ra sao và sẽ phải xử phạt như thế nào trong những trường hợp để rác thải phân loại lẫn lộn với nhau.

Ngoài ra, cũng cần có lộ trình cụ thể để triển khai Nghị định 45 này, thay vì đến ngày 25/8 triển khai với mức phạt rất lớn, đôi khi có thể gây ra tác dụng phụ, các cơ quan quản lý nên có phương án tuyên truyền, triển khai rộng rãi đến từng người dân, địa phương để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng:

Phải tuyên truyền đến từng người dân

Phân loại rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề cần thiết, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường. Tuy nhiên, việc phân loại rác thải vẫn chưa thực sự được người dân quan tâm và thực hiện. Bởi mọi người vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng, hiệu quả của việc phân loại rác.

Bên cạnh đó, mặc dù đã thực hiện phân loại nhưng khi xe thu gom rác tới rác lại được thu gom chung làm việc phân loại rác thải chưa được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt là về chế tài xử phạt, Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã có những mức phạt rất cao về việc phân loại rác, tuy nhiên lại không có quy định cụ thể về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. Theo tôi trước khi làm điều ấy, chiến dịch tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết đến người dân là vô cùng quan trọng và cần thiết. Do đó, những quy định mới này không chỉ cần được phổ biển rộng rãi trên các phương tiện truyền thông mà nên được phổ biến trực tiếp ở từng thôn, ngõ, xóm để từng người dân có thể nắm rõ được các quy định mới.

Có như vậy, khi quy định có hiệu lực, người dân sẽ có ý thức thực hiện, tránh tình trạng khi xử phạt người dân không biết tại sao hay có thái độ chống đối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không phân loại rác thải sẽ bị phạt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO