Không số hóa, khó bứt phá

Minh Phương 15/10/2020 18:17

8 tháng năm 2020, 70.000 DN rút lui khỏi thị trường, điều này cho thấy tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của DN khủng khiếp đến mức nào.

Giới chuyên gia nhận định, con số này vẫn chưa dừng lại bởi hầu hết các DN đang phải đối mặt với bài toán nan giải về nguyên liệu sản xuất, thị trường và đầu ra cho xuất khẩu hàng hóa.

Giảm chi phí đến 10 lần

Trong bối cảnh này, xúc tiến thương mại trực tuyến là một trong những giải pháp để vực dậy cộng đồng DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Việc chuyển đổi từ xúc tiến thương mại theo lối truyền thống, trực tiếp sang xúc tiến thương mại trực tuyến là giải pháp được cả cơ quan quản lý cũng như không ít DN thúc đẩy nhằm kết nối phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường.

Số hóa là giải pháp quan trọng để DN vượt qua bão dịch. Ảnh: Nguồn Internet.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), xúc tiến thương mại trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp song đem lại hiệu quả gấp nhiều lần. Ưu điểm vượt trội của kênh xúc tiến thương mại online là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và DN.

“DN có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7”, ông Nam nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, phương thức xúc tiến này tiềm ẩn không ít rủi ro khi các ứng dụng về marketing hoặc quảng cáo và bán sản phẩm có thể bị lợi dụng để bán hàng kém chất lượng, hàng hóa và dịch vụ không tương xứng với giá bán.

Ở vai trò DN, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty OSB, Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam, Chủ tịch Liên minh hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (VESA) nêu quan điểm, trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, giao dịch thương mại, tiếp cận đối tác… là giải pháp quan trọng để DN có thể thành công. Tuy nhiên, kể cả bằng giải pháp nào, sản phẩm của DN cũng cần phải đảm bảo chất lượng, giá thành tốt.

5 yếu tố để thành công

Riêng với xúc tiến thương mại trực tuyến, ông Toàn cho rằng, các DN cần có 5 yếu tố chính để thành công.

Cụ thể, theo ông Toàn, DN phải có sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng xuất khẩu với giá thành cạnh tranh; DN phải có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá chuyên nghiệp. Cùng với đó, DN cần hoạt động tích cực nhằm nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm, đặc biệt là để tiếp cận nhà nhập khẩu một cách toàn diện nhất.

Đặc biệt, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt, nên các DN cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ tốt cho công tác bán hàng từ khâu marketting, bán hàng cho tới chăm sóc khách hàng...

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã thực hiện nhiều cuộc giao thương trực tuyến, hỗ trợ và đồng hành cùng DN nông sản, thực phẩm Việt Nam, duy trì kết nối với đa dạng thị trường trọng điểm và mục tiêu, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch.

Tuy vậy, hiện vẫn còn một số loại sản phẩm nông sản của Việt Nam trên thực tế chưa có sức cạnh tranh với các sản phẩm hữu cơ các nước khác cùng khu vực, nguyên nhân chính do khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm còn nhiều hạn chế làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm. Hầu hết phải xuất khẩu dưới dạng sản phẩm sơ chế đóng trong bao bì lớn, không có thương hiệu nên giá rất thấp, người sản xuất kinh doanh chịu rất nhiều thua thiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không số hóa, khó bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO