Không thấy tham nhũng vặt

Hoài Vũ 02/08/2019 08:30

Cụm thi đua số 1, Ban Nội chính Trung ương vừa tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và Hội nghị chuyên đề “Tham nhũng vặt - nhận diện và giải pháp phòng chống” với sự tham gia của lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy 14 tỉnh phía Bắc tham dự. Một thông tin được công bố khiến không ít người cảm thấy thắc mắc khi 6 tháng đầu năm, 14 tỉnh phía Bắc chỉ phát hiện 2 vụ tham nhũng vặt, và đặc biệt có những địa phương trong 6 tháng không phát hiện được tham nhũng “vặt”.

Sự hoài nghi của người dân không phải không có cơ sở khi tham nhũng vẫn được coi là có diễn biến phức tạp và là nguồn cơn tạo nên sự bức xúc trong nhân dân. Nhưng sự thật chỉ có 2 tỉnh phát hiện ra hành vi tham nhũng “vặt” và chuyển cho cơ quan chức năng là Lào Cai và Thái Nguyên, đồng nghĩa với việc 12 tỉnh còn lại không phát hiện ra tham nhũng? “Còn hết sức khiêm tốn”- là lời được ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đưa ra trước kết quả mà công tác phòng chống tham nhũng “vặt” đem lại.

Những con số “như biết nói” trên đang phần nào phản ánh hiện thực đó là tham nhũng “vặt” đang bị “đóng băng nguội lạnh” và rất cần một sự “tan đá”. Tham nhũng được coi như nguồn cơn của sự xói mòn lòng tin trong dân và đối với tham nhũng “vặt”, tuy gọi là “vặt” nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ rất lớn. Vì thế hình ảnh tham nhũng “vặt” được ví như những tổ mối khiến con đê ngàn dặm cũng bị vỡ, bị phá hủy bởi ổ mối ấy.

Tham nhũng “vặt” được người dân cảm nhận rõ nhất qua cuộc sống hằng ngày. Vì, hằng ngày, hằng giờ, người dân có những việc cần thực hiện thông qua giao tiếp với bộ máy chính quyền các cấp, với đội ngũ công chức, viên chức vốn là những người trực tiếp hướng dẫn, giải quyết công việc của nhân dân. Cái mà người dân cảm nhận đó là vẫn còn sự nhũng nhiễu, hách dịch cửa quyền, còn cái mà doanh nghiệp cảm nhận là vẫn phải “bôi trơn” mới xong việc, những chi phí “phi chính thức” vẫn là rào cản, là nỗi sợ của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều khi doanh nghiệp không muốn lớn, vì lớn một tý là từng đoàn thanh tra, kiểm tra vào “hỏi thăm”. Những trở ngại về thủ tục hành chính, điều kiện hoạt động kinh doanh không thuận lợi, cộng với việc phải chi phí “bôi trơn” đang là những vướng mắc cơ bản khiến nhiều doanh nghiệp “tình nguyện” chuyển thành hộ kinh doanh cá thể. Đó là một sự xót xa nhưng hết sức chân thực được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI từng đề cập đến khi trả lời cho câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp không muốn lớn?

Tham nhũng “vặt” được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm nghiêm trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên. Mà hậu quả của nó gây ra chính là hệ lụy rất lớn khi niềm tin vào bộ máy công quyền ngày càng giảm sút. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng bị đe dọa thì sự vững bền của chế độ là điều đáng lo ngại. Bởi lòng tin, thái độ thiện cảm của quần chúng là yếu tố quyết định sự vững bền của chế độ như nhà văn hóa lớn của dân tộc Nguyễn Trãi đã từng đúc kết: Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân.

Vậy tại sao tham nhũng “vặt” vẫn có “đất sống”? Trước hết, đó là bởi nhận thức, tư tưởng của một số cấp lãnh đạo những nơi xảy ra hành vi này khi coi nhẹ ảnh hưởng của nó. Hay những người có hành vi tham nhũng “vặt” cũng không “đếm xỉa” đến những quy định đạo đức này. Vừa qua, tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã yêu cầu trong những tháng cuối năm 2019, cần tiếp tục đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, tập trung ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng “vặt”, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, cơ sở; kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước nói chung, các cơ quan phòng chống tham nhũng nói riêng những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.

Sự nguy hại của tham nhũng “vặt” đã được nhận diện nhưng khó có thể yên tâm khi có những tỉnh không phát hiện được tham nhũng “vặt”. Điều đó đặt ra vấn đề, để trị tham nhũng “vặt” có hiệu quả, trước tiên cần xây dựng đội ngũ làm công tác phòng, chống tham nhũng đủ năng lực, có phẩm chất trong sáng, kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Muốn vậy, rất cần tiếp thu những thông tin phản ánh của báo chí, MTTQ Việt Nam và nhân dân trong phòng chống tham nhũng. Bởi sự lắng nghe ý kiến giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, sự phản ánh của báo chí được xuất phát từ phản ánh của nhân dân để vào cuộc, xử lý thì tham nhũng “vặt” được ví như “nấm mốc mọc sau mưa” mới được ngăn chặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thấy tham nhũng vặt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO