Không thể báo động mãi

Thanh Tùng 24/02/2017 07:00

Mỗi khi xảy ra vụ tai nạn đường sắt (TNĐS) nghiêm trọng, chúng ta vẫn nghe câu nói quen thuộc “TNĐS từ đường ngang dân sinh đã ở mức báo động!”.

Trong vụ TNĐS đặc biệt nghiêm trọng ở vị trí km 738 + 245, khu gian Thừa Lưu – Cầu Hai, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế vào chiều 20/2, hai chữ “báo động” lại được nhắc đến.

Chỉ 2 ngày sau, vào sáng 22/2 ở vị trí km 703 + 900 (thôn Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế), bé trai 3 tuổi bị tàu cán tử vong khi đi qua đường ngang tự phát, những người chứng kiến không khỏi đau lòng.

Thực tế đang tồn tại quá nhiều đường ngang qua đường sắt được mở hợp pháp nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn, đơn cử như đường ngang dân sinh ở vị trí km 738 + 245, (khu gian Thừa Lưu – Cầu Hai, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế), xảy ra vụ TNĐS đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu SE 2 và xe ô tô tải BKS 75C 026.91 vào lúc 14h37 ngày 20/2 làm tử vong tại chỗ 3 người và nhiều người khác bị thương.

Ngày 22/2 (2 ngày sau vụ tai nạn thương tâm về người, thiệt hại lớn về tài sản nói trên), chúng tôi trở lại vị trí km 738 + 245 và không khỏi lo lắng bởi các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn ở đường ngang dân sinh nối QL 1A với khu vực mỏ đá Khe Diều và khu dân cư “xóm Mía” thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy không hề được cải thiện.

Nhiều người dân thôn Phước Hưng tỏ ra bất bình bởi nguy cơ tai nạn ở đường ngang này vẫn chực chờ, đe dọa. Các biển báo cắm không đảm bảo khoảng cách còn nguyên ở vị trí cũ.

Các bụi, lùm cây che khuất đường ngang khiến “tàu không nhìn thấy người và người không biết có tàu đi đến” vẫn không được chặt, phát cho thông thoáng.

Tương tự, nguy cơ về TNĐS vẫn rất cao tại đường ngang ở vị trí km 639 + 750 Khu gian Quảng Trị - Diên Sanh (địa bàn xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).

Vào lúc 22h ngày 10/3/2015 tàu SE 5 chạy theo hướng Bắc – Nam đã đâm vào chiếc xe tải chở đá. 3 toa tàu lật nhào và nằm chắn ngang QL 1A. Lái tàu tử vong tại chỗ. Tại thời điểm xảy ra vụ TNĐS đặc biệt nghiêm trọng này, 2 chữ “báo động” cũng từng được lãnh đạo địa phương và quan chức đường sắt có mặt tại hiện trường đề cập đến.

Dù sau vụ tai nạn, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với ngành đường sắt nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt qua địa bàn.

Cụ thể là sẽ bố trí thêm các gác chắn, đầu tư kinh phí làm cầu chui qua đường sắt ở TP Đông Hà và huyện Gio Linh nhưng nguy cơ TNĐS từ trên chiều dài 75 km đường sắt qua tỉnh này với 68 đường ngang hợp pháp, 29 đường ngang dân sinh tự mở vẫn rất cao.

Các tuyến đường sắt trên cả nước đang có khoảng 1.300 đường ngang có rào chắn, có người gác; 1.000 đường ngang có đèn tín hiệu; trên 3.000 đường ngang dân sinh không có rào chắn, đèn tín hiệu…

Có gì đó khiến chúng ta chưa thể an tâm mỗi khi xảy ra TNĐS thương tâm từ các đường ngang (hợp pháp và không hợp pháp), hai chữ “báo động” lại được nhắc đến một cách xót xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể báo động mãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO