Không thể chấp nhận

Lê Anh Đức 05/02/2020 08:00

Sau các đợt kiểm tra, xử lý quyết liệt của quản lý thị trường đối với các nhà thuốc cố tình đẩy giá khẩu trang y tế, nước sát khuẩn... lên cao để trục lợi, nhiều quầy thuốc cùng treo biển không bán khẩu trang. Thậm chí, một số người còn “ra lời kêu gọi” trên các nhóm Facebook, Zalo... phản ứng lại động thái mạnh tay của các cơ quan chức năng bằng cách không nhập mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn để bán. Theo một số luật sư, hành vi này có dấu hiệu tội phạm hình sự nếu để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Không thể chấp nhận

Nhiều cửa hàng thuốc “hết hàng” những ngày đầu chống dịch cúm virus corona.

Từ sáng 3/2, nhiều quầy hàng thuốc ở Hà Nội treo biển “không còn khẩu trang, nước sát khuẩn bán”, “tại đây không bán khẩu trang, nước rửa tay khô”, “không bán khẩu trang, miễn hỏi”... Khi khách hàng hỏi mua khẩu trang và nước sát khuẩn, hầu hết nhân viên bán hàng đều lắc đầu từ chối trả lời và chỉ tay vào biển đề trên. Tử tế hơn một chút, có người bán hàng trả lời khách rằng đã hết khẩu trang, nước sát khuẩn và chưa biết đến bao giờ mới có lại các mặt hàng trên.

Nghiêm trọng hơn, trong một group kinh doanh thuốc trên Facebook, một thành viên đăng dòng trạng thái kêu gọi các nhà thuốc “đoàn kết, không nhập khẩu trang và bán khẩu trang” vì bị lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, giám sát. Theo người này, trong khi có nhiều điểm kinh doanh thuốc khác cũng bán khẩu trang giá “cắt cổ” nhưng lại không bị quản lý thị trường “hỏi thăm”, mà chỉ “úp” một số cửa hàng. Do vậy, người này kêu gọi: “Chúng ta chung sức không nhập không bán nhé”...

Hiện, dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây ra đang diễn biến hết sức phức tạp không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tính đến ngày 4/2 đã có hơn 20.000 người nhiễm cúm do chủng virus nCoV gây ra, trong đó 427 trường hợp đã tử vong. Tại Việt Nam tới chiều 4/2, Bộ Y tế đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus nCoV thứ 10, có tới 90 trường hợp đang phải cách ly để theo dõi. Đó chính là lý do Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, phải coi “chống dịch như chống giặc”.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, hết sức nguy hiểm, thay vì chung tay với các cơ quan chức năng giúp người dân đối phó với sự lây lan của virus nCoV, thì không ít gian thương lại coi đây là cơ hội làm giàu, chỉ nhăm nhăm trục lợi thật nhiều từ hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bắt chẹt người tiêu dùng. Và khi bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra gắt gao, xử lý quyết liệt không thể “cắt cổ” người dân thì những gian thương này chống đối bằng cách không nhập và không bán mặt hàng khẩu trang.

Chưa kể đến việc hành vi trên của các nhà thuốc là vi phạm đạo đức nghề nghiệp bởi hành nghề y là để cứu người, thì việc làm của họ cũng là vi phạm pháp luật, chí ít sẽ bị xử phạt hành chính, còn nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, người có hành vi cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường, không mở cửa hàng để bán, hoặc có mở nhưng không bán, gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... sẽ bị phạt từ 5-30 triệu đồng.

Người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3 đến 6 tháng. Ngoài ra, đối với những trường hợp đầu cơ, nâng giá hàng hóa, không bán hàng hóa... gây ra hậu quả nghiêm trọng, chết người hoặc làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015. Tại Điều 196, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định: Người nào vi phạm với các hành vi nêu trên sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, phạt tù từ 3 tháng đến 15 năm.

Vẫn biết, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus nCoV gây ra đang diễn biến khó lường nên nhu cầu sử dụng khẩu trang, nước sát khuẩn... của người dân tăng cao, tạo ra thực trạng khan hiếm nhất thời. Song, Chính phủ, Bộ Y tế cùng chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã có những chỉ đạo sát sao đối với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, yêu cầu tăng cường sản xuất mặt hàng này để cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường. Do vậy, việc treo biển không có khẩu trang hoặc không bán khẩu trang của các nhà thuốc là không thể chấp nhận được.

Để tránh tâm lý hoang mang cho người dân do các nhà thuốc “hè nhau” không bán mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn, đại diện lực lượng quản lý thị trường Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục thường xuyên kiểm tra các nhà thuốc, cửa hàng bán vật tư y tế treo biển cố tình không bán khẩu trang, nước sát khuẩn... “Trường hợp phát hiện trong kho vẫn còn hàng nhưng nhà thuốc treo biển không bán là cố tình găm hàng và sẽ bị xử theo quy định pháp luật”- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể chấp nhận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO