Không thể ‘chìm xuồng’

Nam Việt 17/12/2020 07:15

Ngày 14/12, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc cấp và sử dụng bằng giả tại Trường Đại học Đông Đô.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương truy bắt đối tượng Trần Khắc Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT nhà trường); xác minh, làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc này. Nếu có dấu hiệu của tội phạm phải khởi tố điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

Cơ quan Công an tống đạt quyết định khởi tố đối với các bị can tại Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: S.T..

Trước đó, ngày 20/8/2019, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 272/ANĐT-P5 truy nã bị can Trần Khắc Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường ĐH Đông Đô với tội danh giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự.

Sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô, ngay khi bị phanh phui đã khiến dư luận dậy sóng; do nhiều người được cấp bằng giả của trường này là cán bộ công chức, trong đó có không ít người dùng bằng giả để bảo vệ luận án tiến sĩ, nâng ngạch thanh tra viên…

Theo kết luận điều tra, dù chưa được Bộ GDĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng 2, ngôn ngữ Tiếng Anh, nhưng Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Đô đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các quyết định, ồ ạt tuyển sinh. Trường này ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo với 15 cơ sở đào tạo, trong đó có 12 cơ sở đã tuyển sinh được hơn 3.500 học viên, thu về số tiền hơn 24 tỉ đồng.

Đáng chú ý, theo cơ quan điều tra, đã phát hiện tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện cấp bằng, trong đó đã có 60 người đã sử dụng loại bằng này; 55 trường hợp sử dụng để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, một trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, một trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ...

Như vậy là đã rất rõ ràng. Điều đáng nói là đã rõ sai phạm nhưng việc xử lý thì lại rất chậm, cả đối với người sử dụng bằng bất hợp pháp, nơi cấp bằng là Trường ĐH Đông Đô, cá nhân Chủ tịch HĐQT nhà trường, và kể cả với những đối tượng liên quan tại Bộ GDĐT (nếu có). Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT khẳng định đối với trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện đầu vào hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, sẽ bị buộc dừng học hoặc thu hồi, hủy bằng tiến sĩ đã cấp. Ông Sơn cũng cho biết, vụ việc xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô là bài học cho toàn ngành. Ngay sau khi phát hiện vụ việc (vào tháng 4/2019), Bộ GDĐT đã gửi công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH và các trường cao đẳng sư phạm rà soát đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2.

Nhưng tới nay cũng không rõ kết quả rà soát ra sao.

Tuy nhiên, từ Công văn của VPCP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, có thể thấy vụ việc đã không tiến triển là bao, nhất là đối với Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Đô và những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GDĐT trong việc này. Xin được lưu ý, Công văn nêu rõ nếu có dấu hiệu của tội phạm thì phải khởi tố điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

Đó là thái độ rất kiên quyết của Thủ tướng trước sai phạm nặng nề của một trường ĐH nhưng liên quan đến nhiều người, tác hại rất xấu đến xã hội. Đáng tiếc là những gì đã diễn ra cho thấy Bộ GDĐT cũng như cơ quan điều tra khá giới hạn trong nhận thức vấn đề. Chứng cứ đã rõ ràng thì còn chờ gì mà không xử lý. Cũng không thể nói Bộ GDĐT không liên quan đến vụ này, vậy thì bộ phận nào, người nào dính líu thiết nghĩ cũng không quá khó để xác định. Vấn đề là có chịu xác định hay không.

Người xưa vẫn nói “đánh bùn sang ao” về một vụ việc cụ thể nhưng cứ loanh quanh chối tội, đổ từ chỗ này chỗ khác, người này sang người khác để rồi hòa cả làng. Còn, người hôm nay hay nói là cứ để thời gian khắc sẽ làm vụ việc “chìm xuồng”, cuối cùng cũng sẽ lại hòa cả làng. Đối tượng nào bị bêu tên thì đối tượng đó phải chịu, còn thì những người liên quan đứng phía sau bảo kê, chống lưng (không loại trừ cả việc chia chác) thì vẫn… sạch bong.

Tuy nhiên, việc VPCP phải ra Công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng thúc giục xử lý nghiêm sự việc cho thấy không thể lờ sai phạm; mà cũng không còn thời gian để những ai liên quan tìm cách “chạy tội”. Tính chất sai phạm tại Trường ĐH Đông Đô là nghiệm trọng. Dư luận rất quan tâm sau Công văn của VPCP thì cơ quan điều tra cũng như Bộ GDĐT sẽ làm gì.

Lần này thì không “chìm xuồng” được nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể ‘chìm xuồng’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO