Không thể chủ quan

Bắc Phong 26/09/2020 14:00

Tại Công điện 1300/CĐ-TTg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nhiều hàng quán thiếu cảnh giác với dịch Covid-19. Ảnh: Khánh Hòa.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, với nước ta, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực, nhất là từ người nhập cảnh nhưng không chấp hành nghiêm quy định về cách ly, giám sát y tế; từ người nhập cảnh trái phép; nguồn bệnh từ các đợt dịch trước nhưng chưa được phát hiện; từ hàng hóa nhập khẩu…

Đáng chú ý, nhiều nơi, ngay cả trong một số cơ quan nhà nước cũng đã xuất hiện tâm lý chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Trong 4 nhóm đối tượng nguy cơ làm phát sinh nguồn dịch mới, thì nhóm nhập cảnh đứng hàng đầu. Đó chính là nguồn lây lan dịch từ bên ngoài vào, trong khi trong nước về cơ bản đã kiểm soát được dịch, 23 ngày qua đã không xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Như vậy, Việt Nam vẫn phải chịu nhiều áp lực có thể bùng phát dịch trở lại khi mà tình hình dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại nhiều quốc gia. Ở thời điểm hiện tại, thế giới đã có 32,5 triệu người mắc Covid-19. Trong vòng 10 ngày qua, trung bình 1 ngày có tới 250 ngàn người nhiễm mới. Ở thời điểm này, Mỹ, Ấn Độ, Brazil là những quốc gia có số người nhiễm cao nhất.

Tại châu Âu, mức độ căng thẳng tái diễn kể từ sau khi những biện pháp mạnh chống dịch được nới lỏng. Các nước như Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp… đều đã lại phải có phương án chống dịch trong tình hình mới. Đặc biệt, người châu Âu thêm lo khi mùa Đông đã gần kề. Khi đó, nền nhiệt xuống thấp chính là môi trường thích hợp để virus phát triển. Châu Âu đang lo phải đương đầu với dịch kép, đó là đại dịch Covid-19 và dịch cúm mùa.

Trong tình thế đó, việc lây nhiễm từ bên ngoài vào nước ta cần phải được đặc biệt chú ý.

Không phải vô lý trước những lo lắng khi mở cửa trở lại các chuyến bay thương mại, thì rất có thể cũng mang theo virus corona chủng mới vào đất nước. Và cũng chính vì thế mà Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc ngăn chặn phòng, chống. Nhiều biện pháp phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ được áp dụng, để không cho virus gây bệnh Covid-19 xâm nhập vào đất nước ta.

Lo lắng không phải không có lý và kiểm soát chặt chẽ không bao giờ là thừa. Tuy nhiên, kiểm soát chặt chẽ không phải là “bế quan tỏa cảng”, mà phải xác định tiến về phía trước trong trạng thái bình thường mới.

Chặn dịch từ bên ngoài nhưng cũng không thể quên việc chặn dịch từ bên trong. Thời gian qua, với rất nhiều quyết tâm, rất nhiều biện pháp mạnh mẽ, chúng ta đã phát hiện dịch sớm, khoanh vùng dập dịch, hạn chế tới mức thấp nhất lây lan ra cộng đồng. Việc truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, điều trị được tiến hành đồng thời, không coi nhẹ khâu nào.

Cũng chính vì thế mà trong đợt dịch thứ nhất, chúng ta đã đạt kết quả to lớn mặc dù phải tiến hành phong tỏa một số địa phương, một số cơ sở y tế và thực hiện giãn cách xã hội. Đợt đầu chống dịch, chúng ta đã có tới 99 ngày không có người lây nhiễm trong cộng đồng.

Đợt hai, bắt đầu từ tâm dịch Đà Nẵng, cả nước lại đồng lòng chống dịch như chống giặc. Tới nay, đã qua 23 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, bệnh nhân Covid-19 cuối cùng ở Đà Nẵng cũng đã xuất viện.

Trong cả hai giai đoạn chống Covid-19, số ca nhiễm cũng như số ca tử vong ở ta rất thấp. Đó là điều kỳ diệu được cả thế giới công nhận. Nếu như không có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ thì thử hỏi có được kết quả như vậy? Chắc chắn là không!

Nói điều đó để rất muốn cảnh báo một điều: Khi bên ngoài dịch vẫn nặng nề, ta lại dần mở cửa thì nhất thiết không được chủ quan. Cũng thật đáng lo khi không ít nơi, không ít người cho rằng Việt Nam ta chống dịch rất giỏi nên không có gì phải lo lắng. Từ đó, những biện pháp phòng dịch cứ lỏng lẻo dần.

Ngay tại Hà Nội, những ngày này khá nhiều người ra đường không đeo khẩu trang. Hầu hết hàng quán đều không có nước sát khuẩn tay, bàn ghế kê sát nhau với thực khách “kề vai sát cánh”. Chủ quán, người bán hàng cũng không đeo khẩu trang. Khi quán bar, karaoke mở lại, không khí lập tức tấp nập ồn ã. Các quán karaoke ở trung tâm thành phố người ra người vào tấp nập, hát như “ăn vã”, hát như để bù lại những ngày hàng quán đóng cửa. Còn tại khu vực phố cổ, đêm xuống đã lại nhộn nhịp như thể chưa từng có dịch bệnh. Dập dìu người là người nhưng cũng hiếm thấy ai đeo khẩu trang.

Không thể chủ quan - đó không chỉ là cảnh báo mà phải là ý thức thường xuyên của từng người trong mùa dịch, nhất là khi những nguy cơ vẫn còn đó. Thêm nữa, cũng cần nói thêm rằng, mùa đông năm nay đến sớm. Giữa tháng 9, đang ở tiết Thu, có ngày nhiệt độ tại Sa Pa xuống tới 11 độ C. Còn ở Hà Nội, trong 2 ngày 23 và 24/9, trời se lạnh khi nhiệt độ không quá 25 độ C. Đây chính là môi trường thích hợp để virus phát triển. Đó cũng là điều rất đáng ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể chủ quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO