Không thể làm méo mó tín ngưỡng

H.Vũ (thực hiện) 18/02/2019 08:00

Tới nhiều ngôi chùa mùa lễ hội đầu năm, người ta thấy tiền lẻ thường rải khắp các ban thờ, gài lên gốc cây, thậm chí là nhét vào tay tượng Phật.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Viết Chức- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Chen lấn, xô đẩy, tranh giành, lễ càng nhiều, rải càng nhiều tiền với niềm tin sẽ càng nhiều lộc là sai với triết lý của nhà Phật, sai với sự thông tuệ của thánh thần.

Không thể làm méo mó tín ngưỡng

Ông Nguyễn Viết Chức.

PV: Thưa ông mùa lễ hội 2019 đã bắt đầu, tuy nhiên ngay từ đầu mùa lễ hội đã để lại những hình ảnh không đẹp đó là thay vì bỏ tiền vào hòm công đức khi đi lễ chùa thì nhiều người lại để tiền lẻ vào nơi thờ cúng, thậm chí bỏ tiền lẻ vào tay tượng Phật với ý nghĩ cầu may. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Viết Chức: Tôi cho rằng đó là do nhận thức sai lầm của những người đi lễ chùa, cái sai đó có ảnh hưởng của thực tế đời sống khi quan niệm trần sao âm vậy, nhưng quan niệm trần sao âm vậy không phải là rải tiền như thế. Người ta không hiểu rải tiền để làm gì? Tiền đó không phải là tiền để hối lộ Phật mà là tiền “giọt dầu”, là tiền có mệnh giá nhỏ để giúp đỡ cho nhà chùa, hay nơi thờ tự, người trông nom thờ tự ngày ngày hương khói đèn nhang để thờ thánh thần. Mỗi người chỉ 1.000 đồng nhưng có hàng nghìn người thì lúc đó số tiền sẽ khác.

Việc để tiền vào hòm công đức là để góp vào trông nom nơi thờ tự, hành vi đó chấp nhận được vì chuyện tín ngưỡng là chuyện của cộng đồng, cả cộng đồng cùng góp tiền vào xây dựng đền chùa và thể hiện lòng tín ngưỡng của mình. Nhưng tiền lại rải khắp nơi, thậm chí trước đây còn có hiện tượng gài tiền vào tay Phật. Đó là một sự báng bổ thánh thần, xúc phạm thần Phật là không tốt. Nếu chúng ta tin có thánh thần thì thánh thần là thông tuệ, tài giỏi, biết hết động cơ của mình. Cho nên những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa xét về mặt tín ngưỡng là không tốt, dù vô tình hay hữu ý chúng ta đã trần tục hóa những việc ở nơi linh thiêng.

Như vậy muốn thưởng thức lễ hội, hay tín ngưỡng cũng phải có văn hóa và nhận thức đúng về nó chứ không chỉ là mê muội, thưa ông?

-Văn hóa không phải là cái gì quá cao sang mà hãy tỉnh ngộ; chúng ta cần đọc tài liệu về cúng bái, đi lễ hội phải làm những gì? Phải phân biệt đến chùa Hương thì như thế nào? Đến đền Bà Chúa kho thì như thế nào? Chứ không phải đến để xin tiền trăm, tiền tỷ. Như vậy là không đúng vì trong chùa, đền, miếu không có chức tước hay tiền bạc để xin. Chúng ta có thể cầu nguyện vì cầu nguyện khác với xin xỏ, cầu nguyện là mang tấm chân tình, thành tâm của mình để cầu nguyện những điều tốt đẹp. Dân tộc nào trên thế giới cũng có tín ngưỡng theo kiểu cầu nguyện từ phương Tây, châu Mỹ, châu Phi, châu Á song cầu nguyện khác với xin xỏ.

Ở ngoài xã hội có một thực tế là cơ chế xin cho tồn tại quá dài cho nên nhiều cán bộ, doanh nghiệp lớn vẫn hiểu có xin thì mới có cho, không xin thì ai biết mà cho. Cuối cùng đem thói quen xin - cho ngoài trần tục đưa vào nơi tín ngưỡng là hoàn toàn sai lầm.

Ông vừa đề cập đến vấn đề xin - cho ngoài đời thực được áp vào trong tín ngưỡng. Thực tế thì vì để xin nên rất nhiều người mua rất nhiều vàng lễ để đốt mong sẽ được may mắn tài lộc, và đó cũng chính là một sự lãng phí trong xã hội?

-Nhiều người quan niệm rằng đốt thật nhiều sẽ được nhiều lộc thì đó là một sai lầm. Vẫn là tư duy trần tục hóa chốn linh thiêng dẫn đến đốt nhiều vàng mã gây ra tốn kém, có những người bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu mua vàng mã để đốt là quá lãng phí vì đất nước ta còn nghèo, còn nhiều người thiếu thốn, cần giúp đỡ. Nếu quy số tiền đó để làm thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó thì tốt hơn.

Văn hóa là soi đường quốc dân đi, chỉ khi nào chúng ta nhận thức đúng về văn hóa thì xã hội mới thực sự phát triển, thưa ông?

-Đúng vậy, văn hóa soi đường quốc dân đi, văn hóa là thứ điều chỉnh mọi hành vi của con người. Nếu hành vi của chúng ta bị điều chỉnh bằng thói vụ lợi, hay trong một xã hội luôn đề cao lợi ích của cá nhân mình mà không nghĩ đến lợi ích của cộng đồng, lợi ích của người khác thì không tốt. Theo đạo Phật, theo tín ngưỡng mà anh không làm việc thiện, không vì người khác thì làm sao mà tốt được? Những chuẩn mực văn hóa, tín ngưỡng đang bị méo mó thì chúng ta phải cùng nhau, nhất là những người làm công tác quản lý văn hóa phải kiên trì vận động làm sao cho người dân tự giác, tự hiểu. Người dân tham gia lễ hội cũng phải tự điều chỉnh hành vi của mình để làm sao cho đúng với yêu cầu của lễ hội, bởi lễ hội nào ban tổ chức cũng có những quy định, quy chế. Kể cả những người tổ chức cũng không muốn làm tổn thương đến người tham gia lễ hội vì lúc đang đông vui như thế mà buộc phải xử lý một ai đó thì đó là việc cực chẳng đã. Vì thế mỗi người hãy tự trọng bản thân mình, để người khác đỡ phải xử lý, như thế lễ hội mới tốt được.

Năm nào các cơ quan quản lý, tổ chức lễ hội cũng đã có quy định và thông báo, do đó những người tham gia lễ hội hãy hiểu cho kỹ việc làm của mình khi đi chùa, đến đền, đến miếu, đến đình thì phải làm gì và thể hiện thành tâm của mình như thế nào cho đúng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục tuyên truyền để khi đến nơi linh thiêng cửa Phật phải biết nhường nhịn nhau, phải biết từ bi hỉ xả. Chứ đến mà chen lấn, xô đẩy hay tranh giành, lễ càng nhiều, rải càng nhiều tiền sẽ càng nhiều lộc đó là sai với triết lý của nhà Phật, sai với sự thông tuệ của thánh thần, vì tham sân si là trái với Đạo Phật cho nên cần thực hiện đúng quy định để làm cho lễ hội có ý nghĩa hơn với tất cả mọi người và từng người tham gia lễ hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể làm méo mó tín ngưỡng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO