Không thể né mãi

Bắc Phong 04/07/2020 10:00

Việc Thủ tướng Chính phủ ra “tối hậu thư” thúc đẩy thoái vốn DNNN, thì cũng phải hiểu rằng không thể né tránh được nữa.

Cần đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước để tái cơ cấu sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Đây được coi là “tối hậu thư” cho các DN khi mà tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra khá chậm chạp. Theo danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 là DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn gồm 120 DN.

Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương có nhiều DN cần thoái vốn nhất với 28 DN, trong đó có một số “tên tuổi” nổi bật như Giầy Thượng Đình, Dệt 19/5 Hà Nội, Hanel, Giầy Thụy Khuê, Cơ Điện Trần Phú... 4 DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11, nếu không hoàn thành sẽ chuyển giao vốn về SCIC (Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) trước ngày 31/12, gồm Tổng CTCP Sông Hồng, Tổng CTCP Xây dựng Hà Nội, Tổng CTCP Xây dựng số 1 và Tổng CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).

Như vậy, tổng cộng có 124 DN sẽ được thoái vốn nhà nước trong năm 2020.

Ngoài ra, có 4 DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020; không hoàn thành thoái vốn thì chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020 gồm: Tổng Công ty CP Sông Hồng (Bộ Xây dựng), Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty CP (Bộ Xây dựng), Tổng Công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP (Bộ Xây dựng); Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) thộc Bộ Xây dựng.

Quyết định của Thủ tướng nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DN nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn của từng DN; trước ngày 31/7/2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; tổ chức thực hiện việc thoái vốn theo lộ trình đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc thoái vốn nhà nước của các DNNN đã được đặt ra từ lâu. Về mặt chủ trương, ai cũng thấy là đúng đắn và cần thiết. Về mặt tinh thần, ai cũng ủng hộ. Nhưng trên thực tế, nó vẫn diễn ra chậm chạp. Vì sao lại như vậy?

Cũng cần phải nói thêm rằng thoái vốn DNNN đi liền với cổ phần hóa, cùng với tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN- nó cũng được coi là trụ cột của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung. Đã có một thời gian rất dài, nhiều DNNN trong hệ thống tuy là “con cưng” nhưng lại làm ăn bết bát, thua lỗ, thậm chí thua lỗ rất nặng và kéo dài, khiến người lao động gặp khó khăn.

Sau Hội nghị đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN đã nghiêm túc, khẩn trương thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và DN có vốn nhà nước; tình hình có khá lên, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ có tình trạng ấy là do về chính sách vẫn còn có sự chồng chéo giữa nhiều văn bản, và mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc. Tuy nhiên, một lý do “ngáng trở” nữa cũng rất quan trọng lại được cho là đến từ chính những người đứng đầu DNNN, với thói quen với “bầu sữa bao cấp”. Hoạt động sản xuất kinh doanh có thua lỗ đi chăng nữa thì cũng “không chết ai” trong khi họ nắm giữ nguồn lực lớn trong tay.

Một lý do nữa là không ít DN sở hữu nhiều đất đai, mà đây chính là “dòng vốn” rất lớn, khi tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn thì cũng có nghĩa là không còn trông chờ gì vào nguồn lực đó nữa. Do đó, họ chần chừ nấn ná trì hoãn việc xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại; từ đó không thể triển khai các công việc tiếp theo như cổ phần hóa, thoái vốn, thay đổi quản trị DN để thực sự nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN.

Cuối cùng, cũng cần thấy rằng không ít DNNN không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao.

Nhìn chung, đó đều là do quyền lợi cục bộ, nếu không muốn nói là có dấu hiệu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Chính điều đó đã khiến việc cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN bị chậm lại, ảnh hưởng tới chính hệ thống DNNN, bản thân DN đó và rộng ra hơn là tới cả nền kinh tế. Khi một nguồn lực rất lớn từ hệ thống DN này được rút ra sẽ giúp đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng khác, không để nguồn lực tài chính đó bị “ngâm” trong những DN làm ăn yếu kém.

Vì thế, việc Thủ tướng Chính phủ ra “tối hậu thư” thúc đẩy thoái vốn DNNN, thì cũng phải hiểu rằng không thể né tránh được nữa. Nhưng, thiết nghĩ, để làm gương cho những ai còn nấn ná, thì cũng nên xử lý kỷ luật một vài trường hợp; để một chủ trương lớn không thể vì bất cứ lý do gì lại bị ngáng cản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể né mãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO