Không vội chủ quan

17/06/2020 08:05

Tính đến ngày 16/6, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, phi công người Anh (bệnh nhân 91) đã đứng được, nói được sau nhiều ngày phải nằm trên giường bệnh. Thành tích phòng chống dịch của Việt Nam là điều đáng tự hào. Dẫu thế, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rất lớn, nên dù thực hiện “mục tiêu kép” nhưng trên hết phải đảm bảo an toàn.

Khu vực phố cổ Hà Nội lại chen chúc mỗi khi đêm về. Ảnh: Quang Vinh.

Không khó để nhìn thấy tâm lý lơ là trong phòng chống dịch ở các nơi công cộng hiện nay như trường học, siêu thị, chợ dân sinh và những cuộc hội họp lớn… Đại đa số các trường học giờ đã không còn thực hiện việc đo thân nhiệt học sinh, hay đeo khẩu trang, sát khuẩn, đảm bảo giãn cách. Nhiều hội nghị, hội thảo, đám cưới, những nơi tập trung đông người đã bỏ qua việc áp dụng những yêu cầu phòng dịch. Âu cũng bởi tâm lý chủ quan, bởi đã hơn 60 ngày qua Việt Nam ghi nhận không có ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, 97% các ca mắc đã khỏi bệnh chỉ còn duy nhất trường hợp nặng là bệnh nhận 91 đã đề cập ở trên. Theo các chuyên gia y tế, việc Việt Nam đã khống chế dịch thành công là điều đáng mừng, nhưng không thể chủ quan khi nguy cơ về làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai tại các nước châu Á, nhất là tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đang có dấu hiệu phức tạp trở lại.

Đáng nói là tại Bắc Kinh, sau gần hai tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng, đùng một cái đang bước vào “thời kỳ bất thường” với hàng chục ca Covid-19 mới. Nhiều ca liên quan tới chợ hải sản tương tự Vũ Hán. Điều này khiến nhiều người đặt nghi vấn liệu các chợ hải sản có phải là “ổ virus” hay không? Tại Việt Nam, những chợ dân sinh, chợ hải sản vẫn đang hoạt động trong tình trạng buông lỏng kiểm soát. Không thể không dè chừng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.

Phân tích về vấn đề này, ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không nên chủ quan với Covid-19. Một mặt chúng ta cần ngăn chặn tốt việc dịch từ bên ngoài vào, nhưng bên trong chúng ta cũng cần để ý những ca nào có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đối với người dân vẫn cần thực hiện tốt việc đeo khẩu trang tại nơi có nguy cơ cao, thực hiện sát khuẩn, cũng như nên khai báo y tế khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở... để cơ quan y tế có thể tiến hành xét nghiệm, và điều tra xem có bị Covid-19 hay không. Ông Phu cho rằng việc tái bùng phát dịch ở Bắc Kinh là bài học cho chúng ta, do đó trong tình hình mới, phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn giám sát và phòng dịch.

Trước các đề xuất tái mở cửa thương mại và du lịch, đại diện Bộ Y tế cho rằng, có thể mở lại đường bay quốc tế nhưng quan trọng phải quản lý được con người. Theo đó, vẫn cần tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu phòng dịch, người nhập cảnh cần cách ly đủ 14 ngày, các chuyên gia đến Việt Nam làm việc cần được tổ chức lưu trú một nơi riêng biệt, đảm bảo giãn cách 2 mét khi hội họp, xét nghiệm hai ngày một lần.

Trước đó, khi dịch bệnh Covid-19 tạm lắng xuống, công tác phòng dịch của Việt Nam được bạn bè quốc tế, rồi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận, đã có nhiều câu hỏi đặt ra: Đến khi nào Việt Nam sẽ công bố hết dịch? Lãnh đạo Bộ Y tế khi đó đã khẳng định: Đến khi có đủ các điều kiện và đến khi không còn có ca nào nhiễm bệnh thì mới công bố, không nhất thiết phải công bố vì chúng ta vẫn đặt trong tình trạng luôn luôn sẵn sàng, không được chủ quan, không được lơ là để làm sao đảm bảo được công tác phòng chống dịch có hiệu quả.

Như vậy là chủ trương, giải pháp và lộ trình trong phòng chống dịch đã được đặt ra rất cụ thể. Việt Nam đã và đang ở giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế- xã hội; dựa trên nguyên tắc ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài, dập dịch bên trong, chữa trị tích cực. Do đó, để đảm bảo “mục tiêu kép” rất cần thận trọng. Kích cầu phát triển du lịch nội địa, khuyến khích người Việt du lịch trong nước… là một trong số những giải pháp. Đi kèm với đó là việc cần thiết tăng cường cho hệ thống y tế công cộng, nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là vùng giáp biên, tuyến huyện, xã, vùng sâu vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.

VI CẦM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không vội chủ quan