Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Hải Linh 08/07/2019 08:00

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận các huyện Bá Thước và Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa), cách thành phố Thanh Hóa 130 km về phía tây bắc. Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Pù Luông được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Vẻ đẹp những nếp nhà sàn của người Thái ở Pù Luông.

1. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập năm 1999, với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Cùng với Pù Hu, rừng ở khu vực Pù Luông đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã ở tỉnh Thanh Hóa.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có 3 kiểu rừng chính là rừng rậm trên đất thấp, núi thấp; rừng trên núi đá vôi và các thảm thực vật măng tre nứa và cây bụi. Một thống kê cho thấy, khu bảo tồn này có hơn 1.540 loài thực vật và 908 loài động vật, trong đó có nhiều loài động thực vật quý hiếm được xếp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như: thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, voọc xám, báo gấm, sơn dương, gấu đen châu Á...

Về khu hệ động vật có xương sống, một báo cáo cho biết có tổng số 84 loài thú (gồm cả 24 loài dơi), 162 loài chim, 55 loài cá, 28 loài bò sát và 13 loài ếch nhái đã được ghi nhận. Khu hệ côn trùng tại Pù Luông có ít nhất là 158 loài bướm, 96 loài thân mềm trên cạn, trong đó có 12 loài thân mềm có thể là đặc hữu cho khu vực. Khu bảo tồn này là nơi cư trú của báo gấm, beo lửa, hươu sao, gấu ngựa, voọc quần đùi trắng...

Theo các nhà khoa học, rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa. Năm loại kiểu phụ rừng chính tồn tại do kết quả của sự đa dạng độ cao và các tầng chất nền: rừng lá rộng đất thấp trên núi đá vôi (60-700 m); rừng lá rộng đất thấp trên các phiến thạch, sa thạch và đất sét (60-1.000 m); rừng lá rộng chân núi đá vôi (700-950 m); rừng lá kim chân núi đá vôi (700-850 m) và rừng lá rộng chân núi Bazan (1.000-1.650 m). Khu bảo tồn cũng tồn tại các thảm rừng thứ sinh như rừng tre nứa, cây bụi và đất nông nghiệp.

Không chỉ đa dạng về các loài động thực vật, hệ sinh thái, Pù Luông còn hấp dẫn bởi cảnh quan mang đặc trưng của vùng Tây Bắc với những ruộng bậc thang và các làng bản dân tộc thiểu số ven suối.

2. Trong những năm qua, Pù Luông đã trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu thích. Phần lớn du khách đến với Pù Luông đều ấn tượng mạnh với cảnh sắc, vẻ đẹp hoang sơ của Pù Luông, nhất là những ruộng lúa bậc thang và rừng rậm nguyên sinh.

Đến Pù Luông đừng bỏ qua khám phá đỉnh Pù Luông cao 1.700 m, là điểm trekking (đi bộ) thu hút nhiều phượt thủ. Từ trên đỉnh cao Pù Luông nhìn xuống du khách sẽ thu vào tầm mắt trọn vẹn phong cảnh ngoạn mục của thung lũng. Bên cạnh đó, các bản làng như bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường... cũng là những nơi phải ghé một lần ở Pù Luông. Ngoài ra, chợ phiên Phố Đòn họp vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần cũng là điểm dừng chân thú vị để mua sắm đồ lưu niệm từ vải thổ cẩm và đặc biệt là khám phá sản vật, đặc sản địa phương như các loại bánh rán ngọt, mặn, các loại quả, rau rừng...

Đặc biệt, Pù Luông còn gần với các điểm du lịch nổi tiếng như Làng Lác (Mai Châu), suối Cá Thần (Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa), Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Di sản văn hóa Thành nhà Hồ (Thanh Hóa),… cho nên đã tạo thành một vòng du lịch khép kín vui vẻ và trải nghiệm cho khách du lịch. Với nhiều nét đẹp, cảnh quan hoang sơ, ẩn hiện trong sương tựa như vườn treo trên cao ở những vị trí khác nhau như: điểm Son Bá Mười (xã Lũng Cao), đỉnh Pù Luông, Kho Mường, Làng Đôn với khu làng Ươi, làng Tiến Mới, khu thác Hiêu xã Cổ Lũng,… đã và đang thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và quốc tế yêu thích trekking, phượt đến thăm quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

Thời điểm thăm quan Pù Luông đẹp nhất là bắt đầu vụ lúa mới từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, những cánh đồng và khu ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt, vô cùng đẹp mắt và bình yên. Đặc biệt, tuy là mùa hè, nhưng vì thuộc vùng núi đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới và ít dân cư sinh nên không khí và thời tiết ở đây khá mát mẻ, dễ chị. Nếu muốn ngắm lúa chín thì đến Pù Luông vào tháng 9 và tháng 10.

Ngoài những cảnh đẹp nổi tiếng, du khách còn được sống và tìm hiểu những nét văn hóa của người Thái. Thời gian gần đây, nhiều bản làng nơi đây đã trở thành điểm dừng chân cho các đoàn lữ khách. Họ cùng ăn ở với đồng bào Thái, trải nghiệm tour trekking (đi bộ) xuyên bản, cùng tham gia những sinh hoạt hằng ngày với bà con. Theo anh Hà Văn Tùng, dân tộc Thái ở bản Hiêu, gia đình anh đã sửa sang, tu bổ 2 nhà sàn làm nhà nghỉ sinh thái cho du khách.

Khách đến nhà anh rất thích được cùng ở, cùng sinh hoạt với gia đình. Bên bếp lửa nhà sàn, không còn phân biệt sự khác nhau về ngôn ngữ, chủ - khách, người Việt Nam hay người nước ngoài, tất cả cùng nhau nấu nướng, thưởng thức các món ăn dân dã, thấm đậm tình người nơi đây như: cơm lam, đặc sản vịt Cổ Lũng, canh rau đắng, au trong vườn, cá tôm cua ốc dưới suối... cùng say bên hũ rượu cần và thưởng thức những điệu khặp Thái say đắm lòng người…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO