Kịch bản nào để tăng trưởng kinh tế?

H.Hương 26/07/2021 08:06

Tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong giữa và cuối quý II đã làm gián đoạn quá trình sản xuất của nhiều doanh nghiệp tại những địa phương đang bùng phát dịch. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 dừng lại ở kịch bản nào vẫn là một bài toán khó.

Doanh nghiệp cần thêm hỗ trợ để khôi phục sản xuất.

Tìm kiếm các động lực tăng trưởng

Tại cuộc tọa đàm của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội diễn ra vào cuối tuần trước, cộng đồng doanh nghiệp cho hay, công tác xúc tiến thương mại vẫn chưa hiệu quả, và họ phản ánh rằng việc giảm lãi suất cho vay đang được các ngân hàng thực hiện từ giữa tháng 7/2021, mức giảm 1-2%/năm lãi suất là khá tích cực, nhưng thực tế vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp muốn nhận được chế độ giảm lãi suất phải đáp ứng nhiều điều kiện đi kèm mà ngân hàng đề ra…

Kể từ đợt dịch mới, kết quả trong tháng 6 số doanh nghiệp đóng cửa gia tăng, và thực tế sẽ còn cao hơn nữa. Sắp tới trong tháng 7, tháng 8 con số doanh nghiệp đóng cửa thậm chí còn xấu đi nữa.

Do vậy triển vọng kinh tế những tháng cuối năm sẽ như thế nào? Nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước đã có thay đổi dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021. Theo đó với kịch bản lạc quan nhất cũng dưới 6,5%.

Rõ ràng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng, chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cho rằng, kịch bản lạc quan đối với nền kinh tế là vẫn phòng, chống được dịch và duy trì hoạt động sản xuất phục vụ cho xuất khẩu. Trong đó động lực duy nhất mà nền kinh tế có được năm nay là sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo để xuất khẩu.

Hiện nay Chính phủ và các Bộ ngành đang khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức. Đồng thời chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Theo khuyến nghị, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh kiên định với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế tuy nhiên cần tính toán phù hợp với địa phương và thời điểm.

“Cần phải có phương án tối ưu câu chuyện thực hiện mục tiêu kép”, ông Lực chia sẻ.

Ngoài ra cần phải tìm kiếm động lực tăng trưởng bổ sung, thay thế như tận dụng thị trường xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên kinh tế tư nhân đặc biệt hộ gia đình…

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ sớm

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cũng kiến nghị các cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện chính sách hỗ trợ cần đồng hành cùng doanh nghiệp để việc hỗ trợ được thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tìm giải pháp phân loại nhóm doanh nghiệp để đưa ra cơ chế hỗ trợ trực tiếp, “bơm” tiền một cách phù hợp đến từng doanh nghiệp.

Ông Phú cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cũng phải chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó cho doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không nên thụ động trông chờ vào chính sách hỗ trợ mà cần chủ động tự tìm cách khắc phục, bởi số lượng doanh nghiệp lớn, cơ quan quản lý còn lo hỗ trợ cho người dân, phòng chống dịch nên các chính sách sẽ không thể triển khai nhanh như mong đợi.

Khi thực hiện giãn cách một số địa phương yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện 3 tại chỗ, chỉ những doanh nghiệp đủ nguồn lực mới duy trì, để tổ chức cho công nhân. Phần lớn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ khả năng tài chính sẽ buộc phải dừng hoạt động.

Trong khi đó những doanh nghiệp có thể dùng nguồn dự trữ của mình sống được từ đợt dịch năm ngoái đến nay giờ cũng đã cạn kiệt. Nếu không có biện pháp mạnh tay hơn để hỗ trợ từ ngân sách cả về thuế và chi trực tiếp thì con số doanh nghiệp đóng cửa, người thất nghiệp còn trầm trọng hơn trong những tháng tới.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn lực đề xuất các gói hỗ trợ của Chính phủ cần được thúc đẩy mạnh hơn.

“Chúng tôi kiến nghị gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mạnh mẽ hơn. Đó là gói hỗ trợ lãi suất có trọng tâm trọng điểm trong một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương khoảng 50 - 60 nghìn tỷ đồng, lãi suất từ 3 - 4%. Doanh nghiệp vay với lãi suất từ 4 - 5%. Thời hạn hỗ trợ 1 năm”, ông Lực nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kịch bản nào để tăng trưởng kinh tế?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO