Kịch nói với mục tiêu 'bom tấn'

Minh Quân 28/02/2017 08:35

Nhằm kéo khán giả trẻ trở lại với sân khấu kịch, đặc biệt là thể loại chính kịch, từ ngày 1 đến 10/3 Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn 10 đêm liên tiếp vở kịch “Kiều” tại sân khấu số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Đặc biệt, “Kiều” cũng là vở kịch nói đầu tiên đặt mục tiêu trở thành “bom tấn” của lĩnh vực sân khấu với cách thức dàn dựng mới mẻ.

Cảnh trong vở “Kiều”.

Làm mới tác phẩm kinh điển

Theo đó, vở “Kiều” do NSND Anh Tú làm đạo diễn với sự tham gia của diễn viên trẻ tài năng của Nhà hát như: Diễm Hương trong vai Kiều, Tô Dũng trong vai Kim Trọng, NSƯT Xuân Bắc trong vai Hồ Tôn Hiến, Tạ Tuấn Minh trong vai Từ Hải, Phương Nga trong vai Hoạn Thư, Thế Nguyên trong vai Thúc Sinh, Phú Đôn trong vai Gã bán tơ...

Ở lần lên sân khấu này vở “Kiều” sẽ có nhiều lát cắt mới về nghệ thuật, nhưng vẫn giữ nguyên được những giá trị của tác phẩm là phản ánh giá trị hiện thực.

Nội dung vở diễn sẽ phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ.

Ngoài ra, cũng giống như tác phẩm Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, vở “Kiều” là bài ca ca ngợi vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng…

Đây cũng lần đầu tiên NSND Anh Tú kết hợp với nhà văn Nguyễn Hiếu, họa sĩ NSƯT Lê Sơn và nhạc sĩ Giáng Son nhằm tạo nên một sắc thái riêng cho vở diễn.

Theo nhà văn Nguyễn Hiếu, việc viết kịch bản cho “Kiều” thực sự là cơ duyên, nhưng cũng là hành trình đầy “vật vã”. Đó là sự vật vã để thấm Kiều, để thấu hiểu các nhân vật và xây dựng một kịch bản đặc sắc “lọt vào mắt xanh” của NSND Anh Tú, người tự nhận mình “khó tính, khó chiều”.

Thế những nhưng cũng phải qua 3 lần làm đề cương, 4 lần viết kịch bản, Nguyễn Hiếu và Anh Tú mới đi đến sự thống nhất, hòa hợp. Và chính sự thấm “Kiều”, sự thống nhất, hòa hợp đó đã giúp khán giả tiếp cận gần hơn với “Kiều” trong phiên bản sân khấu kịch nói.

“Có lẽ “Kiều” là cái đẹp, sự dằn vặt của “Kiều” là khi cái đẹp được nâng lên, đặt xuống, và cũng hợp lý thôi bởi lịch sử trái đất bắt đầu từ sự biểu dương và duy trì cái đẹp”, nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ.

Bên cạnh những thử nghiệm mới về hình thức biểu diễn, vở diễn vẫn được giữ nguyên cốt truyện như ở kiệt tác của Nguyễn Du.

Theo NSND Anh Tú, “Truyện Kiều” không chỉ là câu chuyện về thân phận người phụ nữ trong bối cảnh xã hội phong kiến. Tác phẩm còn mang tính dự báo về những cuộc đấu tranh, phản kháng trong xã hội. Đây là vấn đề mang tính thời sự, vẹn nguyên giá trị cho đến tận ngày hôm nay.

Những bất công vẫn còn và việc đấu tranh với những điều xấu xa vẫn đang tiếp diễn hàng ngày. Do đó, đạo diễn đã quyết liệt khi dàn dựng những màn phản kháng của Thúy Kiều.

Đơn cử như cảnh Tú Bà hất tung bát nước và Thúy Kiều cũng không ngần ngại đá phắt chiếc ghế với thái độ, tinh thần phản kháng mạnh mẽ. Qua đó đã thể hiện góc nhìn nhân văn, cảm thông với nỗi đau các nhân vật, đặc biệt là phụ nữ, kể cả khi đó là nhân vật phản diện.

Giải bài toán khán giả trẻ

Theo ông Nguyễn Thế Vinh- Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, mục tiêu lớn hơn của vở diễn là kéo được khán giả trẻ đến thưởng thức.

Theo đó, bên cạnh sự tham gia của dàn diễn viên trẻ tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam, vở diễn còn là những thử nghiệm khi để các diễn viên tiếp cận vai diễn mới.

Đơn cử, như vai diễn Hồ Tôn Hiến mà do nghệ sĩ Xuân Bắc đảm nhận dù chỉ xuất hiện trên sân khấu trong 6 phút, vai diễn có tên tuổi xuất hiện “ngắn” nhất từ trước tới nay mà anh thủ vai nhưng đã chuẩn bị rất kỹ càng và chắt chiu những lời thoại đắt nhất. NSƯT Xuân Bắc chia sẻ, trong phiên bản “Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi đã thấm nhuần tư tưởng thể hiện vai Hồ Tôn Hiến- một gian hùng, vì nghĩa lớn mà tiêu diệt Từ Hải (mỗi người thờ một chủ), nhưng cũng rất nể trọng Từ Hải.

Dù là vai ác nhưng cũng có vẻ đẹp trong đó, tôi tìm kiếm vẻ đẹp đó và góp phần nhỏ nói lên tư tưởng của vở. Không những vậy, với vai trò Phó giám đốc chịu trách nhiệm tổ chức biểu diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc còn cho hay: “Chúng tôi dùng mọi biện pháp có thể để kéo khán giả đến với sân khấu và tự tin rằng những ai đã đến xem các chương trình của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ còn tiếp tục trở lại với chúng tôi nhiều hơn. Ngay cả việc khán giả ở xa trung tâm hàng chục cây số, nhà hát cũng thu xếp để giao vé đến tận tay có khi bằng cả việc thuê xe ôm tốn kém”.

Không những vậy, với mục tiêu lôi kéo khán giả trẻ, vở diễn cũng đã có những cách làm cũng rất trẻ. Bỏ qua những mô típ sân khấu cũ trong “Kiều” cũng là lần đầu tiên một sân khấu được thiết kế tối giản nhưng đầy hình tượng.

Ở đó, sân khấu trình diễn “Kiều” sẽ xóa bỏ những giới hạn, những bục bệ đã quá quen thuộc với sân khấu hơn 30 năm qua. Tại đó, sân khấu được thả các cánh sen.

Hình ảnh hoa sen được sử dụng với hàm ý như cuộc đời một con người lúc hé mở ban đầu, lúc sung mãn, lúc cao trào, lúc tàn khô, héo úa… nhưng vượt lên tất cả chính là sự dâng hiến những cái đẹp, cái tinh túy nhất cho tình yêu, cho cuộc đời.

Ngoài ra, vở kịch sẽ áp dụng kịch hát, thơ trong nhiều đoạn, đặc biệt vở “Kiều” sẽ đưa nhạc thể loại Pop Ballad (do nhạc sĩ Giáng Son sáng tác) vào thử nghiệm trong một số phân đoạn.

Có thể thấy, vở “Kiều” với sự tìm tòi sáng tạo không ngừng nghỉ của ê kíp biên kịch, đạo diễn, thiết kế sân khấu, đội ngũ diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành “bom tấn” của làng sân khấu năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kịch nói với mục tiêu 'bom tấn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO