Kiềm chế lạm phát

Hồ Hương (thực hiện) 04/09/2016 09:00

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Đến nay, chặng đường kinh tế năm 2016 cũng đã hoàn thành được 2/3. Báo Đại Đoàn Kết thực hiện cuộc trò chuyện với ông Ngô Trí Long- nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá và GS.TSKH Nguyễn Quang Thái- Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

PV: Nhìn lại diễn biến CPI 8 tháng đầu năm cho thấy lạm phát được kiềm chế. Tuy nhiên, chúng ta liệu đã an tâm được với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ghìm lạm phát?

Ông Ngô Trí Long: Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,91%. Lạm phát cơ bản tháng 8 năm nay tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,83% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước.

Dù mức lạm phát 8 tháng đầu năm thấp và cách khá xa mục tiêu kiểm soát, song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành. Lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, vì từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, thiên tai, thời tiết mất mùa; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá… Giá cả nhập khẩu tính bằng USD tăng so với các tháng trước cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài ra, cũng phải kể đến lãi suất vay ngân hàng còn cao, tiền thuê địa điểm sản xuất kinh doanh khá lớn, các phí “bôi trơn” khá phổ biến… Những yếu tố này đã làm giảm, thậm chí triệt tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). DN muốn sống được đã phải tìm cách nâng giá bán (nâng đơn giá, giảm lượng,…). Trong khi hiệu quả đầu tư và tốc độ tăng năng suất lao động (yếu tố sâu xa, tiềm ẩn của lạm phát) thấp hơn năm trước, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và không đạt được mục tiêu.

Ông Nguyễn Quang Thái: Thời điểm này lạm phát vẫn đang trong vòng kiểm soát, nhưng từ nay đến cuối năm nếu cung tiền tăng lên thì lạm phát sẽ tăng. Ngoài ra quy luật lạm phát thường tăng vào cuối năm. Theo tôi, không thể chủ quan, phải có những phương án dự phòng. Ngân hàng Nhà nước khẳng định vẫn điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, lượng cung tiền vẫn đẩy ra như kế hoạch được đưa ra đầu năm nhưng thị trường lại có biến động, giá cả các loại hàng hóa tăng tạo áp lực lên lạm phát. Kiểm soát cung tiền là hết sức quan trọng.

PV: Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngay từ đầu năm NHNN đã đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể trong năm 2016, đó là tăng trưởng tín dụng từ 18% -20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 16-18%. Cho nên, từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành theo chỉ tiêu chính sách tiền tệ định hướng đặt ra từ đầu năm. Điều này có gây áp lực lên lạm phát?

Ông Ngô Trí Long: Tín dụng năm ngoái tăng gần 18% mà độ trễ tác động của nó sẽ khoảng 3-6 tháng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến ở mức 18-20%, nên vẫn tạo áp lực nhất định đến lạm phát, dù một phần tác động ngay trong năm nay, một phần sẽ tác động sang năm sau theo độ trễ, niềm tin người tiêu dùng cao giúp cầu nền kinh tế tăng lên.

Nguyên nhân quan trọng đẩy lạm phát năm 2016 là do yếu tố tiền tệ tác động.Tuy nhiên, không nên quá lo lắng về lạm phát 2016. Bởi, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn lạm phát là lành mạnh. Báo cáo của Tạp chí The Economist về tình hình Việt Nam 2016 cũng đã đưa ra nhận xét: Áp lực lạm phát ở Việt Nam vẫn ẩn chứa trong năm nay. Giá cả sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn một chút. Áp lực lạm phát từ phía cầu cũng sẽ mạnh hơn. Dù vậy, Economist cho rằng mức tăng của lạm phát từ nay đến 2018 sẽ ở mức độ vừa phải, chứ không tăng sốc như giai đoạn 2011-2015. Economist cũng dự báo rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái để lạm phát không tăng đột biến bằng chính sách thắt chặt tiền tệ thực hiện từ năm 2017 và 2018.

Theo tôi, để kiềm chế lạm phát dưới 5%, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung, cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường. Ngoài ra, Chính phủ cần có biện pháp phù hợp nhằm hạn chế tác động của tình trạng ô nhiễm hiện nay ở khu vực miền Trung đến hoạt động du lịch; đặc biệt nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến thu hút khách du lịch quốc tế. Bộ Tài chính thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, tăng cường thu nợ đọng thuế và triển khai thu kịp thời phần bán vốn cổ phần của Nhà nước ở một số DN...

Ông Nguyễn Quang Thái: Thực tế cho thấy, các DN xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang vay với lãi suất cao khoảng 10%/năm; trong khi DN của các nước có mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam lại đang vay với lãi suất thấp hơn nhiều ( chỉ khoảng 3,5% - 4%). Việc phải vay với mức lãi suất cao hơn từ 1,2-1,6 lần như hiện nay đang làm suy yếu các DN xuất khẩu Việt Nam. Mặt khác, đối với các DN FDI, mức lãi suất vay ở chính quốc để đầu tư vào Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức lãi suất vay của các DN của Việt Nam (Hoa Kỳ lãi suất khoảng 3,3%/năm, Nhật Bản là 1,5%, Hàn Quốc là 4,7%). Điều này tạo ra những lợi thế nhất định cho các DN FDI so với các DN của Việt Nam nếu tiêu thụ các hàng hóa cùng loại tại thị trường nội địa. NHNN cần cân nhắc hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay để hỗ trợ DN. Như vậy mới có động lực để tăng trưởng kinh tế bền vững.

PV: Mới đây, trong dự thảo đề án tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhiệm vụ tiếp tục đánh tan nợ xấu, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Các ông có nhìn nhận gì về các mục tiêu này, liệu có khả thi?

Ông Ngô Trí Long: Cải cách thể chế kinh tế có ý nghĩa quyết định. Chỉ những nỗ lực cải cách với cam kết cao thì mới đưa nền kinh tế có những thay đổi. Các kế hoạch, cũng như mục tiêu được đưa ra nhưng theo tôi cũng cần tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với tình hình kinh tế đồng thời đưa ra những chính sách để ứng phó với những diễn biến của kinh tế.

Ông Nguyễn Quang Thái: Điều chỉnh cơ cấu kinh tế phải có tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững trong thế giới toàn cầu hóa.

Theo tôi, riêng về việc cải tổ DNNN tới nay vẫn không thực hiện được như ý. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại dù có những kết quả tốt hơn nhưng các tiêu chí cụ thể nợ xấu chưa thành công mấy. Như vậy ta thấy rằng, các mục tiêu, nhiệm vụ thực ra đã có từ trước, giờ cứ thực hiện nhưng phải thực hiện một cách nghiêm túc và bài bản. Về sâu xa chúng ta cần tạo môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất giá trị sản phẩm… một cách hài hòa để kinh tế tăng trưởng. Cần có kế hoạch và chương trình cải cách đồng bộ cơ bản với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách cải cách kinh tế.

PV: Câu hỏi cuối: đó là việc siết lại đầu tư công. Tuy đã có một số động thái nhưng đây vẫn là việc khó nói và khó làm?

Ông Nguyễn Quang Thái: Vấn đề đầu tư công lại nổi lên với câu chuyện các địa phương xin xây dựng khu hành chính tập trung hoành tráng. Do ngân sách eo hẹp, nguồn lực hạn chế nên phải “liệu cơm gắp mắm”. Mỗi địa phương lại có nhu cầu riêng, việc thu hẹp đầu tư công cũng không đơn giản nếu không quyết liệt.

Ông Ngô Trí Long: Trong bối cảnh ngân sách hạn, nguồn thu ngân sách cũng khó khăn, các cơ quan chức năng, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đánh giá hết sức thận trọng, khách quan, khoa học để chọn các dự án xứng đáng đầu tư, đầu tư theo thứ tự ưu tiên về thời gian, nguồn vốn mới tạo ra cú hích, tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng quan trọng hơn, trong phân bổ nguồn vốn, phải tránh được câu chuyện xin - cho, lợi ích nhóm. Ngoài ra tôi cũng muốn nhắc lại rằng, phải tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả gây áp lực nợ công tăng cao.

Trân trọng cảm ơn các vị đã tham gia cuộc trao đổi!

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Lạm phát cả năm có thể dưới 5%

Áp lực tăng giá chắc chắn sẽ dồn mạnh vào thời gian này, bao gồm giá dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu có khả năng tăng trở lại. Ngoài ra còn các yếu tố khác như thời tiết, mưa bão, thiên tai dịch bệnh, mua sắm cuối năm của các kì lễ tết...Theo tôi, dự báo khả năng lạm phát cả năm sẽ sát so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra là dưới 5%. Tin tưởng rằng, với tư duy mới và sức bật mới, Chính phủ sẽ hành động một cách quyết liệt trong tái cơ cấu nền kinh tế. Cùng với đó bản thân DN cần tự giác đổi mới tư duy và hành động. Chỉ như vậy mới đem tới sự phát triển tốt cho sản xuất, kinh doanh, không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiềm chế lạm phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO