Kiểm soát chặt ‘vùng đỏ’, không chủ quan ‘vùng xanh’

Đức Trân - Phạm Sỹ 07/09/2021 07:26

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội. “Vùng đỏ” được siết chặt, nhưng với “vùng xanh” thì cũng không thể chủ quan.

Không để “chặt ngoài, lỏng trong”

Tại một số địa phương khu vực có mật độ dân cư cao, nhiều ngõ, ngách nhỏ, nhiều nhà chung cư cũ, các chợ dân sinh, các khu vực phong tỏa có nơi còn biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác tổ chức chưa thực sự quyết tâm, chặt chẽ trong việc thực hiện giãn cách xã hội, có nơi còn hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”.

Chính sự lơ là này dẫn tới việc xuất hiện một số ổ dịch phát sinh trong đợt giãn cách xã hội lần 3 với số lượng ca mắc lớn như ổ dịch tại ngõ 228 và 330 Nguyễn Trãi, ổ dịch tại phường Giáp Bát…

Để đảm bảo công tác vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tiếp theo, UBND TP Hà Nội đã tăng cường đồng bộ nhiều biện pháp mạnh. Đặc biệt là việc kiểm soát những di biến động của người dân, kiểm soát, phong tỏa “triệt để” phương tiện, người dân từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài giữa các vùng, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo.

Trước đó, để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp, Hà Nội quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã lây lan âm thầm trong cộng đồng, nhiều người không có triệu chứng chưa được phát hiện vẫn đi lại bình thường.

“Việc dịch lan rộng tại Hà Nội như vừa qua chứng tỏ nhiều người đã không thực hiện triệt để quy tắc 5K; thậm chí ở những nơi giãn cách rồi nhưng trong khu giãn cách cũng không thực hiện nghiêm túc thì khó có thể hạn chế lây lan dịch. Điều này dẫn tới đã giãn cách hơn 1 tháng nhưng số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn phát sinh. Đặc biệt là các khu đông dân cư, chật chội. Khi nhận thức kém thì dịch sẽ lây lan mạnh” - ông Nga nhận định.

Vì thế, theo ông Nga, một điều rất cần phải lưu ý là người dân trong những “vùng xanh” không được chủ quan. Không thể mang suy nghĩ vùng xanh thì sẽ mãi là “vùng xanh”, sẽ không chuyển màu mà không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Bởi lẽ, với tốc độ lây lan của chủng mới Delta thì có thể chỉ sau 1 buổi tối, “vùng xanh” sẽ thành “vùng đỏ”.

Bên cạnh đó, theo ông Nga, với những người có triệu chứng, không nên xét nghiệm diện rộng đối với những vùng này vì sẽ dẫn đến nguy cơ lây lân lan.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Quyết liệt hơn nữa trong tiêm vaccine phòng Covid-19

Theo số liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng vaccine Covid-19, Hà Nội đã tiêm hơn 3 triệu liều vaccine Covid-19. Hiện TP Hà Nội có 52,67% người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một liều vaccine

Mới nhất, Bộ Y tế đã phân bổ cho Hà Nội 962.160 liều vaccine phòng Covid-19. Ngay sau đó, căn cứ trên số lượng vaccine, Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ cho các quận, huyện, thị xã.

Trong đợt tiêm chủng này, có thêm 3 đối tượng ưu tiên. Cụ thể: Người mắc bệnh mãn tính; Người trên 65 tuổi; Phụ nữ đang mang thai ≥ 13 tuần sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.

Nói với Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc giãn cách xã hội về bản chất là để làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, chỉ vậy thôi thì chưa đủ. Nếu tốc độ tiêm vaccine không đáp ứng thì mọi cố gắng trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội đều sẽ trở thành vô nghĩa.

“Hà Nội cần phải rất quyết liệt trong vấn đề tiêm vaccine phòng Covid-19. Có liều nào cần phải tiêm ngay liều đó chứ không chờ lập kế hoạch, bởi lẽ chúng ta đang tranh thủ thời gian. Nhanh được ngày nào thì sớm đẩy lùi được dịch bệnh ngày đó. Tiêm sớm cho người dân được ngày nào thì bảo vệ được khỏi dịch bệnh sớm ngày ấy, vì dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Dịch bệnh không chờ chúng ta”- ông Hùng nhấn mạnh và cho rằng, cần phải xem xét lại việc ưu tiên tiêm vaccine tại những vùng đang cách ly, phong tỏa do có dịch.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, vaccine không phải là thuốc chữa bệnh, sau khi tiêm vaccine thì 2 tuần sau mới có tác dụng phòng bệnh nên không nhiều ý nghĩa khẩn cấp đối với người dân nơi phong tỏa. Đồng thời, khi dịch bệnh tại những khu này đang diễn ra thì lại tổ chức đông người để tiêm vaccine lại vô tình làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Theo PGS Hùng, trước hết cần tập trung tiêm dứt điểm cho người già và người có bệnh lý nền sau đó tiến hành tiêm cho người dân trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát chặt ‘vùng đỏ’, không chủ quan ‘vùng xanh’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO