Kiểm soát dịch bệnh để phát triển kinh tế

Thế Tuấn 09/02/2021 06:30

Công bố chỉ số môi trường kinh doanh mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho thấy cái nhìn lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, ghi nhận ở mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát dịch Covid-19 đầu năm 2020. Theo đó, có 57% thành viên tham gia khảo sát dự đoán sự “ổn định và cải thiện” sẽ được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2021.

Hình ảnh Việt Nam chống dịch Covid-19 được Reuters giới thiệu và cho rằng điều đó là nền tảng để kinh tế Việt Nam hồi phục và phát triển.

Theo EuroCham, hoàn toàn có thể tin vào sự hồi phục và tăng tốc phát triển của kinh tế Việt Nam trong năm 2021, cho dù nguy cơ đến từ dịch Covid-19 vẫn còn. Các doanh nghiệp châu Âu đã duy trì mức tăng trưởng tích cực khi Việt Nam đối phó thành công với đại dịch và kết hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Niềm tin đến từ EVFTA

Với câu hỏi về triển vọng kinh tế Việt Nam trong quý 1/2021, có 57% thành viên EuroCham tham gia khảo sát dự đoán sự “ổn định và cải thiện” sẽ được duy trì. Con số này tăng 18% so với khảo sát hồi quý 4/2020.

Một con số cũng rất đáng chú ý khi mà 1/3 số doanh nghiệp (DN) thuộc EuroCham cho biết số lượng nhân viên của họ sẽ tăng lên trong quý tiếp theo, và 57% dự đoán sẽ duy trì mức tương tự. Trong khi đó, 30% người tham gia khảo sát cho rằng 43% các đơn đặt hàng và doanh thu sẽ tăng trưởng.

Đặc biệt, EuroCham đặt niềm tin vào Hiệp định EVFTA (chính thức có hiệu lực từ ngày 8/1/2020), rằng “cú bắt tay toàn diện” này sẽ tác động rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của DN thuộc EU. Khảo sát cho biết có 70% DN đã được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, có 33% DN cũng cho rằng “thủ tục hành chính” sẽ là thách thức chính để họ tối ưu lợi thế Hiệp định EVFTA .

Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho rằng, kết quả khảo sát mới nhất là một bức tranh tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam và định hướng triển vọng cho cả năm 2021. Niềm tin của cộng đồng DN châu Âu vào nền kinh tế ngày càng được củng cố trong một năm qua là minh chứng cho việc Chính phủ Việt Nam xử lý thành công đại dịch Covid-19 và hợp tác xúc tiến Hiệp định EVFTA, tạo ra một nền tảng cho tăng trưởng kinh tế - xã hội 5 năm tới của Việt Nam.

“Lãnh đạo các DN châu Âu tin tưởng sự tăng trưởng thương mại và đầu tư mà EVFTA sẽ mang lại. Đồng thời kỳ vọng một số vấn đề rào cản được giải quyết để đảm bảo việc thực hiện Hiệp định diễn ra suôn sẻ và thành công” - Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho biết.

Hãng AFP đưa hình ảnh và bài viết ca ngợi các biện pháp mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế.

HSBC: Kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,6% trong năm 2021

Cũng không riêng gì khối DN châu Âu, nhìn chung thế giới đều tin rằng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp tục có những đột phá. Không dừng lại ở con số 6,5%, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao tới 6,8%, thậm chí tới trên 7% trong năm 2021.

Báo cáo Dự báo kinh tế châu Á của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC nhìn nhận, với tốc độ tăng trưởng GDP 2,91% trong năm 2020, kinh tế Việt Nam dù đạt mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đây vẫn được là thành công lớn đưa Việt Nam vào nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.

“Các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy đà phục hồi kinh tế Việt Nam đang diễn ra, đặc biệt là với các đơn hàng xuất khẩu điện thoại do chu kỳ điện thoại thông minh kéo dài.Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và bất chấp làn sóng dịch bệnh làm giảm tốc độ phục hồi nhưng doanh số bán lẻ vẫn tiếp tục đà tăng một cách mạnh mẽ” - HSBC đưa ra nhận xét và cho rằng trong năm 2021 Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI bền bỉ và nhiều hiệp định thương mại được ký kết. Vì thế, HSBC đưa ra dự đoán kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,6% trong năm 2021.

Tuy nhiên, theo HSBC, kinh tế Việt Nam vẫn có những rủi ro trong quá trình phục hồi. Cụ thể là lĩnh vực du lịch vẫn còn nhiều trở ngại, trong đó có thể các dịch vụ liên quan đến du lịch như chỗ ở và vận chuyển nằm trong tình thế “mắc kẹt”.

Còn tại báo cáo “Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam”, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Các phân tích và dự báo của WB được đưa ra dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, đặc biệt khi vaccine Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả.

WB cho rằng, bài học quan trọng rút ra qua xử lý thành công khủng hoảng Covid-19 là để đối phó với cú sốc bên ngoài thì phải chuẩn bị từ trước, hành động sớm và kiên quyết. Tiếp đó, việc tạo điều kiện thử nghiệm cách làm mới, sáng tạo cũng góp phần thay đổi hành vi của các cá nhân, tập thể và đây được coi là nền tảng cho các chiến lược ứng phó với những nguy cơ về y tế và khí hậu, từ đó tác động tích cực tới nền kinh tế.

Liên quan đến các dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) của Anh mới đây cũng công bố báo cáo về triển vọng phát triển của 193 nền kinh tế tới năm 2035. Đáng chú ý, dữ liệu của CEBR là kinh tế Việt Nam có thể sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào 2035.

Cụ thể trong giai đoạn 2021-2025, CEBR dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 7%, giảm nhiệt xuống còn 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Đây là hai nền kinh tế được CEBR dự báo có thứ hạng lần lượt là 21 và 25.

Ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam nhận định, triển vọng của Việt Nam là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Các hoạt động chế tạo và chế biến sẽ khởi sắc hơn nữa khi nền kinh tế Hoa Kỳ và EU khôi phục, trở thành động lực gia tăng nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Quá trình hồi phục còn được tăng cường nhờ các hiệp định khu vực mới được thông qua và sự cộng hưởng dự kiến được hình thành giữa các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát dịch bệnh để phát triển kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO