Kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Hải Nhi 23/12/2020 09:00

Nguy cơ tái phát và lây lan các bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng trên gia súc và cúm gia cầm trong thời gian tới là rất cao. Do đó các địa phương phải chủ động triển khai kế hoạch kiểm soát, tập trung phòng dịch để giảm thiểu rủi ro.

Phun khử trùng chuồng trại gia súc.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) thông tin: Về cơ bản đến nay dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng trên gia súc và cúm gia cầm đều được kiểm soát tốt, chỉ còn một số ổ dịch xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học nhưng đã được khoanh vùng, xử lý.

Cụ thể, cả nước có 357 xã thuộc 117 huyện của 30 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày; có 13 ổ dịch lở mồm long móng xảy ra tại Quảng Nam, Kon Tum, Trà Vinh và Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày và 1 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Tiền Giang. Như vậy, 96% số xã không có dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn; 99,08% trong tổng 34 triệu con gia súc an toàn đối với bệnh lở mồm long móng và 99,06% trong tổng 520 triệu con gia cầm an toàn đối với bệnh cúm gia cầm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, nguy cơ tái phát và lây lan trên diện rộng các bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng trên gia súc và cúm gia cầm trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân là do virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Hiện nay thế giới chưa có thuốc chữa, vắcxin phòng bệnh, trong khi tổng đàn lợn có thể tăng cao trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết những tháng cuối năm diễn biến phức tạp, kết hợp việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng cao phục vụ nhu cầu cuối năm sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát và lây lan các dịch lở mồm long móng trên gia súc, cúm gia cầm.

Cùng với đó, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Ngoài các dịch bệnh cũ, từ giữa tháng 10/2020 đến nay, ở một số tỉnh phía Bắc đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên gia súc với hơn 400 con mắc bệnh, làm chết 34 con. Đây là một bệnh mới lây từ nước ngoài vào Việt Nam do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm của nhiều hộ chăn nuôi cho thấy, khả năng dịch bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện và lây lan ở nhiều địa phương thuộc địa bàn các huyện có dịch bệnh, không loại trừ khả năng dịch bệnh đã xuất hiện ở các địa phương khác nhưng chưa được phát hiện. Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Do đó, mặc dù dịch bệnh gia súc, gia cầm đang được kiểm soát tốt nhưng các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống dịch trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

“Nhất là các địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn, có địa bàn tiếp giáp biên giới và hoạt động vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm sôi động phải xác định phòng dịch hơn chống dịch vì khi xảy ra dịch sẽ rất khó khoanh vùng, khống chế, nguy cơ thiệt hại lớn về kinh tế và biến động thị trường,” ông Phùng Đức Tiến lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO