Kiểm soát lạm phát khi giá điện tăng

Thúy Hằng 09/05/2023 06:37

Theo tính toán, giá điện tăng 3% có thể khiến giá thành sản xuất thép “đội” thêm khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45%, giấy tăng 0,4%... Đây sẽ là áp lực đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Chưa kể nỗi lo nhiều mặt hàng sẽ “té nước theo mưa”.

Nhiều người lo ngại, việc giá điện tăng sẽ khiến hàng hóa thiết yếu thiết lập mặt bằng giá cả mới. Ảnh: Quang Vinh.

Cập nhật về kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/ 2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra khuyến cáo: Dự kiến tăng giá điện và tiền lương khu vực công trong những tháng tới và việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thể dẫn đến áp lực gia tăng mới đối với lạm phát.

Doanh nghiệp lại thêm nỗi lo

Ngày 4/5 giá điện đã chính thức được điều chỉnh tăng. Biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt được chia 6 bậc tính giá: bậc 1: từ kWh 0-50 kWh/ tháng, giá bán lẻ điện là 1.728 đồng/kWh; Bậc 2 từ kWh 50-100 kWh/ tháng giá bán là 1.786 đồng/kWh; bậc 3 từ kWh thứ 101- 200 kWh/ tháng giá điện là 2.074 đồng/kWh; bậc 4 từ kWh thứ 201-300 kWh/ tháng, giá bán là 2.612 đồng/kWh; bậc 5 từ kWh thứ 301- 400 kWh/ tháng giá bán là 2.919 đồng/kWh; Bậc 6 dành cho hộ dùng từ 401 kWh điện một tháng trở lên, giá bán là 3.015 đồng/kWh. Dù Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) nói rằng, mức điều chỉnh giá điện này không tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng không quá mạnh đến đời sống người dân nói chung, nhưng thực tế lại khác.

Ông Nguyễn Công Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty cơ khí ở TP Hồ Chí Minh nói rằng, 2 tháng trước công ty có ký được một hợp đồng trị giá 15 triệu USD với đối tác nước ngoài. Giá trị rất lớn nhưng ban lãnh đạo công ty đang tính đàm phán bỏ bớt một số hạng mục hợp đồng, hạ giá trị hợp đồng xuống để đảm bảo được mức lãi. Theo ông Tuấn, hiện công ty đang có khoảng 100 công nhân, hàng tháng chi phí và tiền lương đã lên tới hơn 2,3 tỷ đồng. Đó là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh hoạt động sản xuất công ty có phần chững lại, lợi nhuận các đơn hàng xuất khẩu hẹp dần. Khi giá điện tăng, chi phí cố định của công ty cũng tăng. Bản thân công ty đang rất cần vốn để đầu tư ngắn hạn, chỉ cần một chi phí đội lên là ban lãnh đạo công ty phải tính toán lại thời gian vận hành máy móc để tiết kiệm điện.

Chia sẻ với báo giới, ông Phan Văn Tứ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai), cho hay, nguy cơ tăng giá điện đang là nỗi lo với các doanh nghiệp (DN) sản xuất. Một năm, DN này chi khoảng 2 tỷ đồng tiền điện, có tháng cao điểm là 300 triệu đồng. Trong bối cảnh thị trường đầu ra khó khăn, giờ có thêm bất kỳ tác động nào làm tăng chi phí sản xuất sẽ đẩy DN vào cảnh khó khăn hơn. Trong đó có việc tăng giá điện.

“DN đang tìm mọi cách để duy trì vượt qua khó khăn, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nếu giá điện tăng, chúng tôi cũng không thể tính ngay vào giá thành sản xuất, tăng giá sản phẩm đầu ra, bởi tìm đơn hàng đã khó mà còn tăng giá thì khách hàng sẽ khó chấp nhận” - ông Tứ chia sẻ.

Nhiều người cho biết, DN đang gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, thiếu đơn hàng. Vì vậy, giá điện tăng sẽ khiến DN thêm gánh nặng.

Theo ước tính của Công ty chứng khoán Mirae Asset, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với DN sản xuất thép, mức này cũng tương đương với DN thuộc ngành hóa chất. Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những DN lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán.

Với DN sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN.

Chi phí điện tăng 3% làm cho giá bán hàng tăng thêm, thì tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành có thể giảm tối đa tương ứng có thể sẽ là: Lợi nhuận ngành thép giảm 15%, ngành giấy giảm 2%, ngành xi măng giảm 13%, ngành hóa chất giảm 1%. Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy sự sụt giảm đáng kể của lợi nhuận khi chi phí điện tăng thêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN.

Mùa hè, giá điện tăng đưa đến nhiều lo ngại. Ảnh: Quang Vinh.

Giá điện tăng, trà đá cũng tăng

Tháng 5 hầu như các vùng miền trên cả nước cũng đã bắt đầu đối diện với những đợt nắng nóng gay gắt. Đến khu trọ ở Đình Thôn (Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới thấy nỗi ám ảnh của người ở trọ khi nghe tin điện tăng giá.

Anh Hoàng Văn Thắng (36 tuổi) quê Nam Định, ở ghép phòng trọ 12m2 cùng với 2 người bạn khác cho biết: Nhà trọ toàn lợp tôn nên mùa hè thì nắng nóng, mùa đông thì lạnh. Như 2 ngày cuối tuần vừa rồi, phòng trọ anh ở 3 người có 3 cái quạt đều bật số to nhất, kèm với đó là để sẵn chậu nước trong phòng nhưng vẫn nóng như nung. Giá điện hiện nay mà chủ nhà đang tính là 5.000 đồng/kwh, mỗi tháng phòng trọ anh trả đến 570.000 đồng.

“Hôm nay chưa đến ngày thu tiền nhà, nên chủ nhà cũng chưa có thông báo gì về giá điện mới. Chủ nhà mà điều chỉnh tăng thì tiền điện mùa hè lên tới cả triệu đồng. Quá khó khăn với người thuê như tôi” - anh Thắng nói.

Chị Thu Hải cũng ở trọ khu vực Đình Thôn thì e ngại rằng việc giá điện tăng sẽ khiến hàng hóa thiết yếu "tát nước theo mưa", thiết lập mặt bằng giá cả mới. “Chúng tôi ở trọ toàn mua hàng ở cửa hàng tạp hóa, ở chợ cóc, hàng ven đường nên chủ hàng phát giá sao thì mua vậy. Chẳng hạn như tháng trước mua nước giặt sufl loại 3,5kg chỉ 110.000 đồng/bịch thì nay là 115.000 - 120.000 đồng/bịch rồi" - chị Hải nói thêm.

Đồng tình, anh Phạm Danh Thắng (Mỹ Đình, Hà Nội) cho rằng, điện tăng là hàng hóa nhích tăng ngay. Hiện ở khu vực Mỹ Đình, cốc trà đá cũng 3.000 đồng lên 4.000 đồng/cốc... Khi thắc mắc, người bán vẫn giải thích vì giá cả đắt đỏ, hàng gì cũng lên thì cốc nước cũng lên giá.

Liệu có kiểm soát được lạm phát?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,84%. Với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 là 4,5% thì dư địa điều hành còn chưa đến 1%.

Dù đã có nhiều thành công trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng với diễn biến giá điện tăng, không thể chủ quan. Từ nay đến cuối năm, theo Bộ Tài chính, còn nhiều yếu tố đan xen làm tăng/giảm áp lực lên mặt bằng giá. Theo đó, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, như: Giá dịch vụ giáo dục khi kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí dự kiến sẽ tăng trong năm học mới 2023 - 2024 theo lộ trình.

Tổng cục Thống kê ước tính, nhóm dịch vụ giáo dục sẽ làm CPI năm 2023 tăng khoảng 0,82 - 1,09%. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc nhóm dịch vụ sự nghiệp công thực hiện lộ trình thị trường, năm 2023, ước điều chỉnh giá dịch vụ y tế tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,16 - 0,25%. Bên cạnh đó, giá điện, giá sách giáo khoa, giá dịch vụ vận chuyển hàng không... dự kiến có thể điều chỉnh theo lộ trình, gây áp lực lên mặt bằng giá những tháng còn lại của năm.

Điện được dùng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế, vì vậy tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước và giảm chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

Các chuyên gia cho biết, tăng giá điện sẽ gây áp lực lên lạm phát. Do vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế.

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng - Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính):

Tháng 7, khi tăng lương, việc tăng giá điện có thể có tác động

Mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% vẫn đang thực hiện được, trong tầm kiểm soát theo đúng lộ trình nên ảnh hưởng từ tăng giá điện là không đáng lo, dù một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện sẽ bị ảnh hưởng. Vào tháng 7 tới, cùng với việc thực hiện tăng lương cơ sở thì việc tăng giá điện có thể có tác động, nhưng chỉ số lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường hiện nay không lớn.

Khi nào thì điện được tăng giá?

Theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành. Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành. Khi các thông số đầu vào theo quy định có biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm. Khi các thông số đầu vào theo quy định có biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát lạm phát khi giá điện tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO