Kiểm soát tệ nạn ma túy: Tăng chế tài để xử lý hiệu quả

H.Vũ 25/09/2020 08:15

Theo báo cáo của Bộ Công an, số người nghiện ma túy trong 10 năm (từ 2009-2019) đã tăng 60%. Để ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng chế tài xử lý.

Tuyên truyền phòng, chống ma túy ở Bắc Giang. Ảnh: Dương Thủy.

Chuyển đổi quan điểm tiếp cận

Điểm mới của Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) lần này là dự thảo luật đã mở rộng thêm phạm vi áp dụng so với luật hiện hành. Theo đó, luật quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy, hợp tác quốc tế về ma túy và quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

Đến nay, qua nhiều phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với sự chuyển đổi quan điểm tiếp cận. Thay vì chú trọng các giải pháp cách ly người nghiện như trong giai đoạn trước, chuyển dần sang tập trung công tác dự phòng, điều trị, giảm tác hại là cần thiết và có hiệu quả.

Xác định quan điểm trong quản lý vừa duy trì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với việc sử dụng trái phép chất ma túy vừa có biện pháp quản lý tại cộng đồng trong thời gian nhất định kết hợp các biện pháp giúp đỡ của chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy đã hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy khi trở về cộng đồng và đa dạng hóa hình thức cai nghiện, thực hiện các phương thức cai nghiện phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Tuy nhiên vấn đề được đặt ra chính là kiểm soát người nghiện ma túy. Bởi theo quy định hiện hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự. Đáng chú ý, báo cáo của Bộ Công an cho thấy, số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng.

Đơn cử như số người nghiện gia tăng, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%), xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp. Theo đánh giá của Bộ Công an, hiện công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, tác động rất lớn đến tình hình trật tự, an toàn, xã hội. Đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng, nhất là từ khi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự.

“Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần ngáo đá, không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình.

Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội, nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân”- Bộ Công an đưa ra phân tích.

Tăng nặng hình phạt

Trong khi đó, nhiều cử tri tại TP HCM cũng đề nghị sửa luật theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi mua bán chất ma túy. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP HCM) nhận định, Luật Phòng, chống ma túy hiện hành có mâu thuẫn với một số luật khác như Luật Xử lý vi phạm hành chính, thực tế triển khai ở cơ sở việc quản lý người sử dụng ma túy gặp nhiều khó khăn, vấn đề bất cập, vướng mắc. Do đó qua giám sát, đoàn sẽ chính thức kiến nghị với các cơ quan trung ương các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống ma túy trong lần sửa đổi luật lần này.

Băn khoăn khi đặt người nghiện vào vị trí người bệnh, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, người bệnh phải do tác nhân gây bệnh như virus, khí hậu, sức đề kháng kém. Còn người nghiện là bệnh xã hội nên Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi lần này cần phải cứng rắn, cương quyết hơn. Ví như vi phạm lần 1 thì xử lý hành chính, vi phạm lần 2 phải xử lý nặng hơn, còn vi phạm lần 3 thì cưỡng chế, bỏ tù cách ly khỏi xã hội chứ không thể để vi phạm mãi.

Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, luật hiện hành coi người nghiện ma túy là người bệnh. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước và gia đình lo chữa bệnh cho họ, đó là quy định mang tính nhân văn thể hiện tôn trọng quyền tự do của con người. Tuy nhiên người nghiện ma túy thường phạm tội, có hành vi trộm cướp, thậm chí hành hung cả người thân để lấy tiền. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần phải nghiêm trị.

Theo quy định hiện nay thủ tục đưa người đi cai nghiện rất rườm rà, phải tòa án mới có quyền ra quyết định đưa đi cai nghiện. Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi có đặt ra vấn đề nếu phát hiện sử dụng ma túy cơ quan chức năng cần quản lý vì chờ tòa án quyết định sẽ lâu, để ngoài xã hội sẽ vi phạm pháp luật là điều đáng tiếc. Do đó trong sửa luật lần này, cần có cơ quan quản lý người nghiện ma túy trước khi đưa đi trại cai nghiện tập trung, tránh để ngoài xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát tệ nạn ma túy: Tăng chế tài để xử lý hiệu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO