Kiểm tra, đánh giá cuối kỳ: Trao quyền chủ động cho địa phương

Hàn Minh 21/12/2021 07:05

Thời điểm kiểm tra cuối kỳ của học sinh (HS) phổ thông đang đến gần. Phương án nào để vừa có được bài kiểm tra phản ánh đúng chất lượng học tập, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả thầy và trò là vấn đề được người dân quan tâm.

“Xoay” như chong chóng…

Có con đang học lớp 2 Trường Tiểu học Hai Bà Trưng (Hà Nội), chị Vũ Mai Hoa cho biết, cả tuần trước các phụ huynh trong lớp đều lo lắng với việc con sẽ đến trường để thi cuối học kỳ trực tiếp theo văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT. Chính cô giáo chủ nhiệm là người đã trấn an các bậc phụ huynh rằng cụ thể phải chờ hướng dẫn của phòng, của trường rồi mới có thông báo chính thức về hình thức kiểm tra cuối kỳ của học sinh nên các bố mẹ trước mắt cứ yên tâm đồng hành cùng con học bài, ôn tập các kiến thức đã học.

Mới đây, mọi sự chú ý đổ dồn về hai khối 1 và 2 khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành văn bản quy định về hình thức kiểm tra đánh giá cuối học kỳ I năm học 2021-2022 với HS tiểu học. Theo Bộ, 2 khối này sẽ đến trường kiểm tra trực tiếp để đảm bảo đánh giá chính xác việc học tập thời gian qua. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao lại là 2 khối lớp nhỏ nhất này kiểm tra trực tiếp mà lớp 3, 4, 5 lại kiểm tra trực tuyến?

Theo văn bản của Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn phòng dịch. Cụ thể là họp cha mẹ HS để thống nhất cách thực hiện, có kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ, chia nhỏ lớp bảo đảm giãn cách để tổ chức ôn tập cho HS... Tuy nhiên theo nhiều phụ huynh và giáo viên tiểu học, việc này chỉ phù hợp khi HS đã trở lại trường học tập trong bối cảnh an toàn về dịch. HS nhỏ tuổi, nhất là lớp 1 ở nhiều địa bàn như Hà Nội, TP HCM chưa từng học trực tiếp lớp 1 bao giờ nên nếu giờ mở cửa trường học cho các con, cần thời gian để làm quen, ổn định nề nếp, tiến hành ôn tập sau đó mới có thể kiểm tra. Vậy ai sẽ đảm bảo an toàn cho các em?

Mặc dù văn bản của Bộ cũng nêu “trường hợp bất khả kháng” HS không đến trường được để làm bài kiểm tra trực tiếp thì các trường cần báo cáo cơ quan quản lý để có phương án làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Nhưng thế nào là “trường hợp bất khả kháng” hiện cũng không được nêu rõ.

Rất mừng sau đó Bộ GDĐT lại tiếp tục có văn bản hướng dẫn về việc này. Theo đó, tùy điều kiện thực tế từng địa phương, các sở GDĐT hướng dẫn trường học tổ chức kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Ngoài ra, địa phương có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian thực hiện kiểm tra phù hợp với kế hoạch năm học trong bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn.

Địa phương chủ động

Trên thực tế, hai năm học vừa qua, thầy trò nhiều nơi đã làm quen và thích ứng dần với hình thức dạy học trực tuyến. Hàng ngày, hàng tuần các em vẫn được giao phiếu bài tập, làm bài kiểm tra gián tiếp sau đó phụ huynh chụp ảnh gửi cô giáo nhận xét, sửa chữa. Nhiều trường hiện đại hơn thì cả cô và trò đã dần làm quen với việc HS làm bài tập, bài kiểm tra trắc nghiệm trên phần mềm trực tuyến nên nếu kiểm tra định kỳ bằng hình thức này, có lẽ cũng không ai còn bỡ ngỡ nữa. Nếu ngay lập tức thay đổi hình thức kiểm tra thì chính HS sẽ là người ngỡ ngàng nhất, kết quả phản ánh cũng chưa chắc là thực chất. Vì vậy, đa số ý kiến đồng tình với việc học trực tuyến thì kiểm tra trực tuyến, học trực tiếp kiểm tra trực tiếp.

Bên cạnh đó, nội dung thi nên là học gì, thi nấy để giảm bớt áp lực, căng thẳng cho cả thầy và trò bởi với việc học trực tuyến một thời gian dài đã rất áp lực. Ngay cả những nơi được học trực tiếp thì tâm trạng nơm nớp lo lắng nhỡ có F0 của nhiều phụ huynh, HS và giáo viên cũng sẽ tồn tại, ít nhiều ảnh hưởng đến việc học và thi so với mọi năm.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh kiểm tra định kỳ là một hoạt động trong các hoạt động học tập của HS nhằm xác định HS đã hoàn thành hay chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, linh hoạt các hình thức kiểm tra học kỳ nhưng không thể linh hoạt về thời điểm kiểm tra mà cần có lịch cố định sau khi HS học xong một phần nội dung chương trình, từ đó có đánh giá để rút kinh nghiệm việc dạy và học của thầy và trò những thời gian sau tốt hơn.

Hiệu trưởng một trường Tiểu học của huyện Thanh Trì cho rằng, từ đầu năm đến nay Bộ đã nhiều lần có chỉ đạo về việc kiểm tra đánh giá định kỳ với khối tiểu học với các yêu cầu trái ngược nhau khiến thầy và trò đều lúng túng. Từ không kiểm tra, đánh giá HS hồi đầu năm học đến kiểm tra trực tiếp, và hiện tại là kết hợp cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Vị này mong muốn Bộ nên giao quyền chủ động cho các địa phương, các Sở, phòng quyết định hình thức kiểm tra, đánh giá HS tiểu học bởi mỗi địa bàn có cấp độ dịch khác nhau và thống nhất kỹ càng phương án để đến khi công bố, không gặp phải những ý kiến trái chiều, băn khoăn của phụ huynh.

Thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội cho biết sắp tới, sở sẽ có hướng dẫn để các trường kết hợp với cha mẹ HS có hình thức kiểm tra nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng, không gây căng thẳng cho HS.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, sở sẽ yêu cầu các trường thăm dò ý kiến phụ huynh về việc tổ chức kiểm tra học kỳ 1. Về cơ bản, HS đang học trực tiếp sẽ được tổ chức ôn tập kiểm tra trực tiếp, đang học trực tuyến sẽ ôn tập để kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm tra, đánh giá cuối kỳ: Trao quyền chủ động cho địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO