Kiến nghị sửa Luật Đất đai, tạo điểm tựa cho nông nghiệp

M.Loan 26/11/2021 20:09

Chiều 26/11, Ban Kinh tế Trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội thảo “Cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết hiện số hộ cá thể tham gia các HTX nông nghiệp ở Việt Nam là quá thấp, khoảng 30%, trong khi các nước là hầu hết 100% nông dân tham gia HTX. Nếu tham gia HTX sẽ huy động được nguồn lực, ứng dụng KHCN và tạo ra thị trường.

“Nếu hộ nông dân tập hợp vào HTX sẽ tạo ra chuỗi giá trị, hạn chế rủi ro sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hạn chế thủ tục cho các tổ chức tín dụng rất nhiều?” - ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, hiện nay có vấn đề bà con đi mua phân bón chịu rất nhiều thiệt thòi và người nông dân rơi vào tình cảnh bị chủ vựa phân bón “kê” thêm bệnh cho cây trồng và lãi suất mua chịu không dưới 15%.

Ông Bảo dẫn ví dụ, bà con ở Hà Nam tiếp cận được vốn Agribank đã giảm được chi phí sản xuất tới 30%. Từ đó, ông Bảo kiến nghị cần có thay đổi về chính sách tín dụng và hình thành các gói bảo hiểm tín dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo nhìn nhận, điều kiện cần thiết để phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực quốc gia còn nhiều hạn chế, bất cập về quy hoạch vùng nguyên liệu trong liên kết vùng, tích tụ và tập trung ruộng đất, kết cấu hạ tầng sản xuất và thông tin...

Từ đó, ông Bảo đề nghị, cần sớm sửa đổi luật Đất đai và ban hành chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất để tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn.

"Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản" - ông Bảo nói.

Chủ tịch Liên minh các hợp tác xã Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại hội thảo.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong 10 năm qua, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân là hơn 6 triệu tỷ đồng, tương 260 tỉ USD. Tín dụng tăng trưởng 18,6%/năm và miễn giảm thuế cho khu vực này rất lớn.

Ông Phát kiến nghị đầu tư cho khu vực này cao hơn 12% và mức tăng trưởng tín dụng tối thiểu phải là 18,6%/năm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu chính sách thuế đối với khu vực này. Về chính sách bảo hiểm nông nghiệp đúng là có khó khăn do rủi ro lớn. Bộ Tài chính sẽ xây dựng chính sách thuế theo hướng mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp để chia sẻ rủi ro.

“Đầu tư ngân sách nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn có thể tăng gấp đôi so với giai đoạn trước để đáp ứng nhu cầu phát triển” - ông Hưng nói.

Kết luận hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các Bộ ngành đã đặt lên bàn nghị sự 5 việc lớn cũng là chuyên đề 5 trong tổng thể 25 chuyên đề của Ban chỉ đạo đặt ra. Đó là về liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, chính sách huy động nguồn lực, chính sách tài chính, chính sách tín dụng và chính sách khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết thêm sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19. Thu nhập bình ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị, từ 12,8 triệu đồng/người/năm 2010 lên trên 42 triệu đồng/người năm 2020, vượt mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5%/năm và đến hết năm 2020 còn 4,2%. Môi trường cảnh quan ngày càng cải thiện, xuất hiện ngày càng nhiều các làng, xã xanh - sạch - đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến nghị sửa Luật Đất đai, tạo điểm tựa cho nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO