Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện: Một trí thức lớn

Cẩm Anh 08/06/2021 14:00

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trực Luyện - một tên tuổi lớn trong giới kiến trúc, người đóng góp vào các công trình quan trọng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, nghĩa trang A1 Điện Biên Phủ, nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo), đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Ba Vì… vừa qua đời ở tuổi 86.

Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện.

Nhắc đến tên ông là nhắc đến một Chủ tịch lâu năm của Hội Kiến trúc sư Việt Nam có đóng góp xuất sắc cho nền kiến trúc Việt Nam trong nhiều năm liền.

Giản dị, mực thước, nho nhã là cảm nhận của bất kỳ ai đã từng được gặp KTS Nguyễn Trực Luyện. Nhưng bên trong sự rất chừng mực ấy, lại là một người quyết liệt với nghề, với quan điểm kiến trúc và qui hoạch mà những năm tháng đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam ông đã từng thể hiện. Không ít người đánh giá rằng những khóa ông là Chủ tịch Hội là quãng thời gian Hội Kiến trúc sư Việt Nam thể hiện vai trò phản biện của một tổ chức nghề nghiệp mạnh mẽ nhất – quãng thời gian mà cánh báo chí thân thiết với văn phòng Hội và mọi người vẫn gọi ông là “chú Trực”, để phân biệt và kiêng tên húy cha ông – KTS bậc thầy Nguyễn Cao Luyện.

Theo đánh giá của KTS Hoàng Đạo Kính, hơn 20 năm làm từ chức vụ Tổng thư ký đến Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (từ 1983 đến 2005), công lao lớn nhất của KTS Nguyễn Trực Luyện với ngành kiến trúc Việt Nam, là ông đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng mái nhà chung của giới KTS Việt Nam. Trong hơn hai thập kỷ ấy, ông đã bền bỉ đặt nền tảng cho mô hình hoạt động của một tổ chức xã hội nghề nghiệp có ý thức trách nhiệm cộng đồng rất lớn, mang tinh thần phản biện xã hội quyết liệt, bảo vệ những tư tưởng kiến trúc hiện đại, đúng đắn, mang tinh thần văn hóa Việt Nam.

KTS Nguyễn Trực Luyện đã tham gia Đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII; Chủ tịch Hội đồng tư vấn kiến trúc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Dấu ấn đậm nét nhất của ông trong thời gian này là ông đã cùng giới kiến trúc sư lên tiếng mạnh mẽ phản biện việc xây dựng những công trình tòa nhà khách sạn Hà Nội vàng, tòa nhà “Hàm cá mập”…

Những năm cuối đời ông bán biệt thự phố Quang Trung để lên ở tầng 11 trong một tòa nhà cao tầng sang trọng ngay giữa khu phố cũ Hà Nội. Sức khỏe khiến ông, từ một người nổi tiếng luôn luôn đi tiên phong trong các ý kiến phản biện về quy hoạch, kiến trúc đã gần như ở ẩn, ông ngày càng ít đi ra ngoài. Còn nhớ khi tôi đến thăm ông trên căn hộ tầng 11, KTS Nguyễn Trực Luyện bảo ông nhìn thấy thành phố ở tầm nhìn xa hơn, rộng hơn nhưng nhiều băn khoăn trăn trở hơn. Ông bày tỏ thái độ đầy lo lắng khi qui hoạch Hà Nội chẳng những vẫn chưa rõ nét mà còn có phần bộn bề hơn.

Lần ấy chúng tôi có trò chuyện về cha ông, KTS Nguyễn Cao Luyện - kiến trúc sư thuộc thế hệ đầu tiên của nước ta, được đào tạo từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông nói về những công trình của cha mình, rất nhiều trong số ấy giờ không còn nữa. Thậm chí hình như có người còn nhận xét rằng, KTS Nguyễn Cao Luyện – một trong những thế hệ đầu tiên của nền kiến trúc nước nhà – lại là một trong những kiến trúc sư còn lại ít công trình nhất. Nhưng đối với ông Trực Luyện, đó cũng không phải là điều gì đáng buồn. Xã hội có những đổi thay, và không có gì là bất biến. Ông bảo rằng ngay những công trình còn lại của cha mình cũng hầu như không còn nguyên vẹn: “Người ta cũng đã thay đổi nhiều. Lâu tôi cũng không đến xem hiện giờ những công trình ấy thế nào”.

Như tính cách vốn có, KTS Nguyễn Trực Luyện cực kỳ kiệm lời khi nói về cha. Ông nói rằng di sản kiến trúc cụ Nguyễn Cao Luyện để lại không phải chỉ ở những công trình kiến trúc vật chất cái còn cái mất và những tác phẩm đã xuất bản mà là những di sản tinh thần cho lớp kiến trúc đi sau. Một tinh thần rất hiện đại, rất hội nhập mà cực kỳ dân tộc với những công trình “đầu tư tối thiểu, vật liệu nghèo nàn, song kiến trúc tiện lợi, chân phương và đẹp giản dị. Chúng mang dấu ấn của sự tìm tòi hướng đi” và góp phần đào tạo ra lớp kiến trúc đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Là con nhà nòi, KTS Nguyễn Trực Luyện cũng giống cha mình, không để lại quá nhiều công trình kiến trúc, tuy nhiên các công trình của ông đều mang một vóc dáng khác biệt khi tham gia thiết kế nhiều công trình quan trọng của đất nước những năm 1960-1980.

Kể từ công trình lớn đầu tiên là thiết kế cải tạo khách sạn Dân Chủ (góc phố Tràng Tiền - Nguyễn Khắc Cần ngày nay), KTS Nguyễn Trực Luyện đã thiết kế khách sạn Thái Nguyên, khu Ngoại giao đoàn (Vạn Phúc - Ba Đình) và đóng góp sức mình cho những công trình quan trọng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôn tạo nghĩa trang A1 Điện Biên Phủ, tôn tạo nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo, xây đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Ba Vì, khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học và các anh hùng của cuộc Khởi nghĩa Yên Bái…

Khu mộ Nguyễn Thái Học (Yên Bái) do KTS Nguyễn Trực Luyện thiết kế.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, những công trình ấy đều có tiếng nói riêng theo xu hướng kiến trúc nhiệt đới, thân thiện với thiên nhiên và giàu tính nhân văn.

Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Ba Vì, một vị trí có tầm nhìn rất đẹp, ông đã lựa chọn hình thức truyền thống nhưng chỉ làm cột mà không có tường, để mở, đứng ở đó có thể nhìn ra cảnh quan núi rừng xung quanh.

Nhiều người vẫn thán phục trí tuệ của ông ở một công trình không lớn là khu lăng mộ Nguyễn Thái Học và các anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ông thiết kế 17 trụ cột tròn bao quanh khu mộ, tượng trưng cho 17 vị anh hùng an nghỉ nơi đây. Các trụ nối với nhau bằng một vòng cung khuyết, biểu tượng cho chí lớn chưa trọn vẹn, trên đó khắc câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học: “Không thành công cũng thành nhân”. Cái độc đáo trong ý tưởng ở đây là cái vòng cung khuyết…

Khi thiết kế Nghĩa trang Hàng Dương, ông quyết định giữ nguyên những dấu tích cũ, ví dụ con đường thiên thu, nơi các liệt sĩ được đưa đi chôn từ pháp trường, đồng thời bổ sung một số cái mới cần thiết để tạo thành một tổng thể chặt chẽ. Ở khu vực nghĩa trang có những ngôi mộ cũ nhô lên một cách ngẫu nhiên, nhưng ông không xây lại mộ mới theo hàng lối mà để nguyên sự ngẫu nhiên đó, chỉ bổ sung thêm một trụ nhỏ bên cạnh, trên đầu gắn viên đá đỏ khắc ngôi sao, tượng trưng cho ngôi sao chiếu mệnh của mỗi số phận con người.

KTS Nguyễn Trực Luyện sinh năm 1935 ở Hà Nội. Năm 1946, khi mới 11 tuổi, ông đã theo bố lên chiến khu Việt Bắc. Năm 1952, khi đã 17 tuổi, ông mới học lớp 7. Năm 1953 thì dừng học và được cử đi phục vụ chiến dịch, làm việc trong Ban vận tải tiền phương, có nhiệm vụ theo dõi vận tải lương thực ra mặt trận. Kháng chiến thắng lợi, chàng thanh niên Nguyễn Trực Luyện về Hà Nội học xong kỳ I lớp 9 thì được cử sang Liên Xô học trung cấp ngành Phát động lực ở Trường Kỹ thuật điện Leningrad.

Ước ao được làm kiến trúc sư khiến ông nhiều lần viết thư xin Đại sứ quán cho chuyển sang học kiến trúc. Một thời gian sau người ta chấp nhận cho ông vào học ở Trường Đại học Kiến trúc Moskva. Tốt nghiệp đại học ở Moskva xong về nước, năm 1963, KTS Nguyễn Trực Luyện được phân công làm ở Vụ Thiết kế Tiêu chuẩn.

Cuối năm 1963, KTS Nguyễn Trực Luyện tham gia cuộc thi thiết kế Cung Văn hóa Lao động Thủ đô với phương án theo phong cách hiện đại, mạng lưới cột hình lục giác, mái hình gấp nếp như kiểu của Nervi.

Khoảng năm 1982 – 1983, KTS Nguyễn Trực Luyện được cử sang Liên Xô để cùng với các KTS nước bạn thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh thì ở Việt Nam diễn ra Đại hội Hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ III. Đây là Đại hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất và cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ KTS đầu tiên, những người tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, với thế hệ thứ hai, những người được đào tạo dưới chế độ XHCN. Đại hội đã bầu KTS Nguyễn Trực Luyện làm Tổng thư ký trong khi ông vắng mặt. Lúc mới về nước, ông vừa tiếp tục làm Bảo tàng Hồ Chí Minh với tư cách là Viện phó Viện Thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng, vừa làm công tác hội. Ông là Tổng thư ký Hội Kiến trúc sư Việt Nam khóa III, khóa IV; Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khóa V, khóa VI, đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X.

KTS Nguyễn Trực Luyện qua đời vì tuổi cao sức yếu vào chiều 21/5, hưởng thọ 86 tuổi. Tang lễ ông được tổ chức vào ngày 25/5 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Nói về KTS Nguyễn Trực Luyện, KTS Hoàng Đạo Kính đánh giá: “Đó là một KTS đứng đắn, ngay thẳng, mẫu mực, đặc biệt luôn có tinh thần phản biện sắc sảo và đầy trách nhiệm trong lĩnh vực chuyên môn”.

Còn đối với giới kiến trúc nước nhà, với nhiều nhà báo và những người biết đến tên tuổi ông Nguyễn Trực Luyện, thì đó không phải chỉ là một KTS tài năng, ông là một nhà văn hóa lớn, một trí thức tiêu biểu cho tinh thần tận hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện: Một trí thức lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO