Kiều bào hiến kế để hàng Việt ‘cất cánh’

QUỐC ĐỊNH 22/10/2021 07:03

Làm gì để hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng với hàng hoá các nước tại thị trường nước ngoài? Đó là những trăn trở của các doanh nhân kiều bào có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh ở nước ngoài.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài” diễn ra mới đây, ông Trần Nghị, kiều bào Phần Lan nêu ra những khó khăn của việc xuất khẩu như thủ tục phức tạp, logistic tăng giá mạnh…

Nếu triển khai theo phương thức truyền thống nhỏ lẻ như trước đây thì các doanh nghiệp (DN) chịu không nổi các chi phí. Ông Nghị cho biết, ở Phần Lan hàng hoá châu Á đa số toàn hàng Thái. Còn các mặt hàng Việt Nam rất ít, tìm kỹ chỉ thấy một vài loại nhỏ như mỳ Vifon hoặc bún khô.

Cũng theo ông Nghị, ở Đông Âu có nhiều DN Việt mạnh, như ở Ba Lan, Czech, Ukraina; còn Bắc Âu, Tây Âu vắng bóng DN Việt. Nhiều DN Trung Quốc, Ấn Độ đang đầu tư rất nhiều vào Phần Lan, họ coi Bắc Âu là bàn đạp vào các nước châu Âu khác vì Bắc Âu có công nghệ cao và điều kiện kinh doanh thuận lợi. DN Việt Nam tại đây nhiều khi còn lớn hơn DN Trung Quốc nhưng chưa làm được điều đó.

“Do vậy, ngoài các DN lớn xuất khẩu sang châu Âu, các DN nhỏ và vừa nên hợp lại thành hội đồng ngành hàng, vừa mạnh hơn, vừa có sự trợ giúp của Chính phủ. Bên cạnh đó, DN Việt cần quan tâm đầu tư công nghệ để tăng tính cạnh tranh”, ông Nghị đề xuất.

Cũng cùng quan điểm, ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các hội DN Việt Nam ở châu Âu chia sẻ, để hỗ trợ một DN trong nước sản xuất, chế biến chè để xuất sang thị trường EU, doanh nhân kiều bào phải mất rất nhiều thời gian đi kiểm soát vùng nguyên liệu, đánh giá chất lượng mẫu mã, khẩu vị, quy cách đóng gói, xây dựng thương hiệu. Đơn cử như một trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch phải mất từ 6 đến 8 tháng, trải qua 4 lần kiểm nghiệm, trong khi mùa vụ lại rất ngắn. Chỉ tính riêng chí phí đóng hàng đông lạnh chuyển đi lại đã rất tốn kém.

Vấn đề gốc rễ cần giải quyết hiện nay của DN trong nước là sự bất cập về tư duy kinh doanh. Do nhiều hạn chế về nguồn lực, nên nhiều DN nhỏ và vừa chỉ muốn “đánh nhanh, thắng nhanh”, làm sao để bán hàng được nhanh nhất. Đại diện Hiệp hội DN Việt Nam tại EU khuyến nghị các DN trong nước “hãy để người làm nhanh nhất, hiệu quả nhất mang hàng của mình đi bán”.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Huê, người Việt Nam tại châu Âu hiện sở hữu chuỗi cung ứng hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm mạnh mẽ thông qua các trung tâm thương mại được xây dựng ở nhiều quốc gia như Trung tâm Văn hóa thương mại và khách sạn Hà Nội - Maxcơva (Nga), Trung tâm Thương mại Đồng Xuân (Đức), Chợ Praha (Séc)... Tuy nhiên, việc tận dụng các trung tâm thương mại của người Việt tại châu Âu để tiêu thụ và phân phối sản phẩm hàng hóa từ trong nước vẫn chưa xứng với tiềm năng. “Thời gian tới, cần đẩy mạnh sự kết nối giữa DN kiều bào và DN trong nước” - theo ông Huê.

Còn ông Mai Xuân Hùng, Trợ lý Hiệp hội doanh nhân Thái - Việt cho biết, ngay cả ở thị trường láng giềng là Thái Lan, hàng hoá Việt Nam xuất sang nước này khá khiêm tốn, trong khi hàng Thái vào Việt Nam rất nhiều. Năm 2020 Hiệp hội thành lập một trung tâm triển lãm hàng Việt Nam có tên VT Namneung đặt tại Udon Thani (Đông Bắc Thái Lan), do thuận lợi về logistic từ Việt Nam sang Lào rồi sang Thái. Hơn nữa có tới 70 nghìn kiều bào sống tại đông bắc Thái Lan nên nhu cầu tiêu dùng lớn. Nhưng khó khăn là hàng Việt sang Thái Lan theo đường tiểu ngạch triển lãm thì được, nhưng đưa chính ngạch với số lượng lớn lại rất khó, bởi các DN gặp nhiều vấn đề về thuế, chất lượng sản phẩm.

Ông Hùng bày tỏ mong muốn Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương… sẽ giúp kết nối các DN Việt muốn đưa sản phẩm sang Thái.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để hàng Việt tiến sâu, bám chắc tại thị trường quốc tế thì cần mạng lưới DN người Việt Nam ở nước ngoài và tăng cường hợp tác từ trong nước. Ông Phú mong muốn người Việt Nam ở trong và ngoài nước ủng hộ chương trình Thương hiệu quốc gia, để mỗi cá nhân là một đại diện quảng bá thương hiệu Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng hỗ trợ, kết nối các thương hiệu Việt Nam với đơn vị nhập khẩu sở tại và cung cấp thông tin, nhận định, đánh giá xu hướng của thị trường để thúc đẩy quá trình đưa các sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiều bào hiến kế để hàng Việt ‘cất cánh’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO