Chuyến hồi hương đặc biệt

Việt Hà (thực hiện) 24/05/2020 08:00

Có những người trong túi chỉ còn 1,5 triệu đồng tiền Việt, có người chật vật không tìm được chỗ ở. Rồi  những mối lo về dịch bệnh, gánh nặng tài chính, thời hạn visa và lưu trú quá hạn. Cả những giằng xé ở hay về?

PV Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ Việt Nam tại 3 nước Ấn Độ, Nepal và Buhtan để hiểu hơn về một chuyến bay đặc biệt đưa hơn 300 người Việt hồi hương trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khi Ấn Độ đang thực hiện lệnh phong tỏa.

Chuyến hồi hương đặc biệt

Ông Phạm Sanh Châu.

PV: Ông có thể nói qua về tình hình cuộc sống, công việc và học tập bà con trong những ngày nóng bỏng của dịch Covid-19?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Hiện Ấn Độ nằm trong số 10 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, với gần 120 nghìn ca nhiễm và 3572 người tử vong tính đến ngày 22/5, trở thành vùng phong tỏa lớn nhất trên thế giới khi nước này thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt gần 2 tháng qua và dự báo sẽ còn kéo dài.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những người Việt Nam đang sinh sống, học tập, đi công tác, du lịch hành hương, tu thiền… ngắn hạn ở Ấn Độ. Các trường học đóng cửa, ký túc xá, nhà ăn không hoạt động. Nhiều nhà máy cho công nhân nghỉ không lương. Một số công ty gặp khó khăn do đại dịch chấm dứt hợp đồng với công nhân.

Đặc biệt, nhiều người đi du lịch ngắn hạn rơi vào tình trạng chật vật đi tìm chỗ ở do hầu hết các cơ sở lưu trú đóng cửa hoặc không nhận thêm khách mới vì lo ngại vấn đề an toàn. Những người sang Ấn Độ tu tập, hành thiền… phần lớn tuổi đã cao, nhiều người có bệnh nền. Dồn dập những mối lo về dịch bệnh, gánh nặng tài chính, thời hạn visa và lưu trú đã quá hạn. Đa số bà con đều bày tỏ mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để được về Việt Nam.

Vậy trong hoàn cảnh khó khăn này, Đại sứ quán đã có những hỗ trợ như thế nào để giúp bà con ổn định cuộc sống, tuân thủ nghiêm những quy định phòng dịch của chính quyền sở tại, thưa ông?

-Số kiều bào ở Ấn Độ không nhiều, chỉ khoảng 200 người, sống rải rác ở nhiều bang và đa số tập trung ở Delhi và thành phố miền Nam Chennai. Nhiều người trong số này đã sang Ấn Độ từ lâu, quen với cuộc sống bản địa. Nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng Ấn Độ có cuộc sống tương đối ổn định nên không bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh.Còn những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các đối tượng như tôi đã đề cập trên.

Ngay khi Ấn Độ thực hiện phong tỏa, Đại sứ quán đã thông báo và lưu ý bà con tuân thủ các hướng dẫn, quy định phòng chống dịch của chính quyền sở tại; hỗ trợ những bà con tìm chỗ lưu trú phù hợp; hướng dẫn một số người gia hạn visa, gia hạn cư trú; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những sinh viên không đủ tiền mua thực phẩm. Đồng thời, Đại sứ quán cũng làm việc với một số bệnh viện của Ấn Độ và các cơ sở xét nghiệm để nắm quy trình, thủ tục nhằm chủ động trong trường hợp có bà con bệnh. Rất may mắn là đến thời điểm này chưa có người Việt Nam nào ở Ấn Độ bị nhiễm Covid-19.

Với người Việt Nam ở Ấn Độ cũng như châu Âu, trong những ngày xảy ra đại dịch, ở hay về đều là những quyết định vô cùng khó khăn. Ông có thể chia sẻ thêm về những hoàn cảnh đặc biệt trên chuyến bay hồi hương vừa qua?

- Trong số 335/339 người Việt Nam, có khoảng 200 người là tăng ni, tăng ni sinh, người tham dự các khóa tu tập dài ngày trên đất nước Phật giáo. Với cộng đồng tăng ni sinh, phần lớn học sang học Phật pháp, triết học theo học bổng của Chính phủ Ấn Độ. Nhiều người trong số họ rời nhà đến với cửa Phật từ từ tấm bé, phấn đấu để sang đất Phật học đạo. Và trong bối cảnh dịch bệnh, trường học đóng cửa, đi về thì mất học bổng, ở lại thì khó khăn tứ bề. Bởi thế, nhiều người đã đăng ký về, rồi lại xin ra, xong đó lại tha thiết xin về. Quyết định ở hay về với họ lúc này quả là rất khó khăn,

Còn có nhóm công nhân lao động vừa bước chân đến Ấn Độ được vài tuần thì nước này thực hiện lệnh phong tỏa, nhà máy đóng cửa. Ngôn ngữ giao tiếp hạn chế, chưa kịp làm quen với cuộc sống thường nhật đã phải sống trong điều kiện “không bình thường”. Chưa bao giờ họ khao khát cuộc sống “bình thường mới” ở Việt Nam như thế.

Trong quá trình tập hợp danh sách những người Việt mắc kẹt để lên phương án xin phép tổ chức chuyến bay, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều lời đề nghị của người Ấn Độ và những người nước ngoài khác mong muốn tham gia chuyến bay. Họ là chủ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, là giáo viên trường đại học quốc tế, hoặc chồng/vợ là người Việt Nam…Nhưng do các quy định về xuất nhập cảnh của Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh, tất cả các trường hợp đều bị từ chối. Chỉ có 4 trường hợp đặc biệt, một gia đình ba người là chủ một doanh nghiệp dệt may gần 1000 công nhân Việt Nam và một bà mẹ người Nga đi cùng con nhỏ mang hai dòng máu Việt – Nga.

Chuyến hồi hương đặc biệt - 1

Một nhóm công dân Việt Nam tại Ấn Độ trước khi lên máy bay về nước.

Thưa ông, trong bối cảnh Ấn Độ đang thực hiện phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, để tổ chức thành công chuyến bay cho 300 công dân Việt Nam hồi hương theo kế hoạch có lẽ các cán bộ Đại sứ quán đã phải rất nỗ lực, đặc biệt là những tình huống phát sinh ngoài kịch bản?

-Đúng vậy. Sau khi tập hợp danh sách bà con đăng ký được về nước và được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đồng ý, chúng tôi nhanh chóng lên kịch bản chi tiết cho chuyến bay này. Dù trước đó đã có nhiều phương án nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là việc làm thế nào để bà con di chuyển về thủ đô New Delhi một cách an toàn, lên kịp chuyến nay của Vietnam Airlines.

Ấn Độ được gọi là một tiểu lục địa hơn 3,3 triệu cây số vuông, bà con mình sống rải rác ở 20 bang trong điều kiện đất nước phong tỏa, hạn chế ra đường, cấm di chuyển liên bang, các phương tiện công cộng không được phép hoạt động. Di chuyển bằng ô tô (khi xin được giấy phép di chuyển của Chính phủ) không khả thi do quãng đường xa, không đảm bảo về sức khỏe, an toàn, tài chính… Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ liên tiếp thông báo gia hạn thời gian phong tỏa khiến những kỳ vọng về phương án di chuyển về thủ đô sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ bị đổ bể.

Bước ngoặt trong công tác giải cứu xuất hiện khi có thông tin Đại sứ quán Kenya thuê máy bay của Hãng hàng không Ấn Độ Indigo để gom các công dân của mình về Mumbai trước khi lên tàu bay của Hàng không quốc gia Kenya về nước. Cuộc chạy đua thương thảo cách thức thuê, giá thuê, phương thức thanh toán, các giấy phép cần thiết… nhanh chóng được thực hiện.

Do nắm rõ thông tin về địa chỉ cư trú, chia nhóm bà con theo vùng địa lý từ trước nên Đại sứ quán ngay lập tức quyết định thuê ba chuyến bay nội địa ở ba thành phố Bangalore (miền Nam), Pune (miền Trung) và Gaya (miền Bắc)… để bà con di chuyển trên các chuyến bay từ đây đến Delhi. Những bà con ở xung quang Delhi trong bán kính 1000 cây thì di chuyển bằng đường bộ.

Dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Đại sứ quán có kế hoạch gì để tiếp tục sát cánh cùng bà con vượt qua những khó khăn này?

- Bên cạnh các hoạt động đối ngoại khác thì công tác bảo hộ công dân được xác định là trọng tâm ưu tiên công tác của Đại sứ quán trong giai đoạn hiện nay. Dù đã có hơn 339 công dân được Nhà nước tạo điều kiện cho về Việt Nam an toàn nhưng ở Ấn Độ vẫn đang còn khoảng 300 công dân đang học tập, làm việc. Chúng tôi vẫn thường xuyên động viên thăm hỏi trực tiếp từng bà con có tên trong danh sách đăng ký công dân của Đại sứ quán. Chúng tôi cũng đang rà soát lại danh sách kiều bào đang mắc kẹt ở hai địa bàn kiêm nhiệm là Nepal và Bhutan để tính các phương án hỗ trợ bà con khi tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu đi xuống ở các quốc gia này.

Điều tôi muốn nhắn nhủ với những người đang còn ở lại, rằng bà con hãy yên tâm vì Đại sứ quán thay mặt Nhà nước Việt Nam ở đây sẽ không bao giờ để những người con đất Việt ở đây bị bỏ lại phía sau.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

“Có người mẹ đi tu con cũng sang tu cùng và cả hai mẹ con đều hết tiền. Có người trong túi chỉ còn đúng 1,5 triệu đồng Việt Nam. Có người chủ chỉ hỗ trợ tối đa 50 đô Mỹ trong khi cả 3 chặng đi ôtô đến sân bay, bay về Delhi rồi bay về Việt Nam có tổng chi phí lên đến hàng ngàn đô Mỹ. Họ đắn đo suy nghĩ, căn ke từng đồng, từng hào một. Họ quyết định về rồi lại rút…Không thể ngồi yên trước tình cảnh đó của đồng bào mình, tôi đã tổ chức một cuộc quyên góp trong Đại sứ quán để giúp bà con. Một số bạn bè của tôi từ Việt Nam cũng đóng góp thêm, đủ số tiền cần để tài trợ 5 vé quốc tế, 15 vé nội địa và giảm vé cho 15 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn mà chủ yếu là các tăng ni sinh và Phật tử. ”- Đại sứ Phạm Sanh Châu

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyến hồi hương đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO