Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ với bài toán canh tác lúa thông minh

Mai Loan (từ Incheon Hàn Quốc) 08/06/2019 08:34

Sáng 8/6, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ nhất 2019 tại Incheon (Hàn Quốc) đã diễn ra tọa đàm “Hội nhập- phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững”.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ với bài toán canh tác lúa thông minh

Ông Nguyễn Thanh Mỹ phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Phiên tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ (kiều bào Canada, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài- BAOOV), GS Park Kun Ick, Chủ tịch công ty ICFOOD, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh.

Mở đầu tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ kể câu chuyện của người “khởi nghiệp” ở tuổi 60 với việc nghiên cứu chống xâm nhập mặn cho ĐBSCL và việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất lúa thông minh.

Theo ông Mỹ, nông nghiệp 4.0 là ứng dụng vật liệu nano, kết nối vạn vật, cơ sở dữ liệu số trong sản xuất. Và, điện thoại di động giờ cũng trở thành thiết bị canh tác lúa thông minh, thay cho chiếc máy cày. Một nền nông nghiệp thông minh là một nền nông nghiệp phải thông minh với khí hậu. Muốn thế nền nông nghiệp ấy phải được tái cơ cấu nhằm đảm bảo an ninh lương thực vì thách thức của ĐBSCL là xâm nhập mặn, mỗi năm có thể bị xâm nhập tới 93 km nếu không giải quyết được thách thức này thì nông nghiệp sẽ khó phát triển. Tuy nhiên, nếu coi đây là một tài nguyên mới thì sẽ có cách để ứng dụng nó. Như tại ĐBSCL nơi nào nước ngọt nông dân sẽ nuôi cá, chỗ xâm nhập mặn nuôi tôm sú; con phần nước lợ sẽ trồng lúa.

Xây dựng hệ thống quan trắc để giúp nông dân biết khi nào nước có độ xâm nhập mặn cao để quyết định nuôi tôm hay trồng lúa. Chính nhờ thế, công ty của ông Mỹ sáng chế ra phao quan trắc tại các điểm với 49 triệu đồng/ phao/ điểm quan trắc; rẻ gần 1/10 so với công ty của Nhà nước. Cứ 15 phút lại có thể kiểm tra độ mặn, thủy triều để kiểm tra độ pH, độ kiềm, oxy hòa tan, ammonium… Các dữ liệu này sẽ được cập nhật liên tục giúp người nông dân có thể truy cập, kiểm tra bằng điện thoại thông minh, thông qua công nghệ blokchain nên độ minh bạch cao.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng, bằng cách làm này nền nông nghiệp được tái cơ cấu nhằm đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế- xã hội bền vững, theo thực tế mới của biến đổi khí hậu với 3 mục tiêu: Tăng năng suất và thu nhập cho người nông dân; tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm nông nghiệp phát thải khí nhà kính.

Để tiếp tục phát triển mạng lưới này ông Mỹ cho biết có thể phát triển thương mại điện tử kèm với việc mua bán sản phẩm nông nghiệp và vật tư nông nghiệp trên app của công ty. Mạng lưới quan trắc nước mặn thông minh tại ĐBSCL hiện đã có 1000 điểm và đặt mục tiêu sẽ tiến tới 10000 điểm quan trắc xâm nhập mặn cho cả nước. BAOOV sẽ tài trợ cho Bến Tre lắp đạt 2 hệ thống này trong tháng 6; còn Công ty Bình Điền tài trợ cho Kiên Giang 8 điểm quan trắc như vậy, hiện đang lắp đặt, ông Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ với bài toán canh tác lúa thông minh - 1

Phó Giám đốc Nguyễn Phú Duyệt với gian hàng của công ty phú Đạt tại Incheon (20190607)

* Bên lề tọa đàm, anh Nguyễn Phú Duyệt, Phó giám đốc công ty Phú Đạt (Hưng Yên), lần đầu đem sản phẩm tinh chế từ nghệ và củ nghệ tươi đến giới thiệu với một thị trường khó tính như Hàn Quốc tâm sự: Mang những sản phẩm đặc trưng của Hưng Yên như củ nghệ tươi, bột nghệ, nghệ khô và tinh bột nghệ, mật ong, hạt sen, long nhãn tới Hàn Quốc để bước đầu tìm cách thâm nhập thị trường này. Vị Phó giám đốc trẻ tuổi của công ty Phú Đạt cho biết, công ty sẽ theo đuổi đến cùng slogan “sản phẩm sạch từ thiên nhiên” với mục đích bám trụ lâu dài, tiến tới các thị trường với một sản phẩm sạch, an toàn, nguyên liệu chất lượng phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tiếp theo. “Chúng tôi xác định ngay từ ban đầu là một doanh nghiệp cầu nối giữa khách hàng với người nông dân, trong cách mạng công nghiệp 4.0 người nông dân đứng ở vị trí nào. Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ giúp trả lời câu hỏi, mong muốn của Chính phủ trong bối cảnh kết nối toàn cầu”. Để nói chuyện với đối tác nước ngoài và các doanh nghiệp ở Hàn Quốc, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp, một doanh nghiệp Việt Nam mang những sản phẩm tốt nhất của mình, ở vùng nguyên liệu tốt nhất thế giới giúp khách hàng khắp năm châu có thể được sử dụng sản phẩm sạch, tốt nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ với bài toán canh tác lúa thông minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO