Kinh tế châu Á đối mặt với nhiều thử thách từ biến thể Delta

Hà Anh 25/09/2021 06:59

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, sự phục hồi của các nền kinh tế châu Á trong năm nay có thể bị giảm sút do sự bùng phát của biến thể Delta, khi nó buộc các nền kinh tế phải thích ứng với trạng thái “bình thường mới” sau Covid-19 để củng cố khả năng phục hồi.

Chật vật tăng trưởng

Trong bản báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á, ADB cho biết, tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á (nhóm 46 quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương) dự kiến ​​đạt 7,1% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 7,2% vào tháng 7 và 7,3% vào tháng 4. Mặc dù có sự sụt giảm nhẹ, nhưng ước tính tăng trưởng năm nay đã có sự thay đổi so với mức giảm 0,1% của khu vực này vào năm ngoái. Còn đối với năm 2022, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng 5,4%.

ADB cho biết, các dự báo tăng trưởng không phải là không có rủi ro trước những mối đe dọa gây ra bởi sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 mới, triển khai vaccine chậm hơn dự kiến ​​và hiệu quả vaccine suy giảm. Dù khu vực châu Á đã tiêm chủng cho gần 30% dân số vào cuối tháng 8, nhưng vẫn tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và Liên minh châu Âu, những quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn một nửa dân số của họ.

“Nền kinh tế đang phát triển châu Á vẫn dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19, khi các biến thể mới bùng phát, dẫn đến những hạn chế mới về tính di chuyển ở một số nền kinh tế”- quyền Kinh tế trưởng Joseph Zveglich của ADB cho biết.

Cũng theo ADB, khả năng phục hồi trong khu vực vẫn chưa đồng đều với mức độ tiến bộ khác nhau của các quốc gia trong việc giải quyết đại dịch. Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng 8,1% trong năm nay, tuy nhiên, dự kiến ​​sẽ chậm lại và giảm xuống 5,5% trong năm tới.

Ông Abdul Abiad, đến từ Bộ phận nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Directorof ADB đã lưu ý rằng, vấn đề nợ của nhà phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã làm chao đảo thị trường toàn cầu và nó “cần được theo dõi cẩn thận”.

Trung Quốc vẫn đang duy trì đà phục hồi ngoạn mục, tuy nhiên việc nước này siết chặt quy định trong lĩnh vực bất động sản nhằm kiểm soát giá nhà tăng vọt và tình trạng vay nợ quá mức đã đẩy nhiều doanh nghiệp địa ốc, đơn cử là gã khổng lồ Evergrande đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Ông Abiad nói: “Địa ốc là một thành phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng nếu việc vỡ nợ xảy ra, bộ đệm vốn của hệ thống ngân hàng Trung Quốc vẫn “đủ mạnh để đón nhận một cú sốc thậm chí với quy mô như của Evergrande”.

Cùng với đó, theo nhận định của các nhà phân tích, đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản có thể chậm lại trong quý III/2021 do dịch Covid-19 tái bùng phát, khiến nhiều khu vực ở nước này tiếp tục bị đặt trong tình trạng khẩn cấp trong một vài tháng tới.

Kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản thực hiện với sự tham gia của 36 tổ chức tư vấn tư nhân trong thời gian từ ngày 30/7 đến 6/8 cho thấy trong quý III/2021, GDP thực tế của Nhật Bản được dự báo sẽ tăng 2,55% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với con số dự báo 4,9% được đưa ra một tháng trước đó.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ chính sách tiền tệ ổn định, nhưng đưa ra dự báo ảm đạm hơn về xuất khẩu và sản lượng nhà máy, vì việc đóng cửa các nhà máy ở châu Á đã gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng cho một số nhà sản xuất.

Các đợt bùng phát mới của biến thể Delta đã gây thiệt hại cho các nền kinh tế Đông Nam Á, khu vực này hiện được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn 3,1% trong năm nay so với ước tính hồi tháng 7 của ADB là 4,0%, trong đó Myanmar chịu mức giảm sâu hơn 18,4% vì những xung đột chính trị trong nước.

Những điểm sáng hiếm hoi

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bloomberg, hoạt động kinh tế tại Malaysia và Ấn Độ trong năm tới dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn so với dự báo trước đó, dù hai nước này nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 trong những tháng gần đây.

Theo đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Malaysia được điều chỉnh tăng nhiều nhất trong khu vực, với 0,85%, lên mức tăng trưởng dự kiến 5,65% vào năm tới. Tiếp theo là Ấn Độ, với mức điều chỉnh tăng 0,8% điểm phần trăm, dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%.

Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng đối với hầu hết các quốc gia châu Á. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Indonesia ít thay đổi, trong khi triển vọng tăng trưởng của Thái Lan và New Zealand được điều chỉnh giảm lần lượt khoảng 0,2% và 0,45%.

Dù là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất thế giới trong tháng 8 vừa qua và đã trải qua đợt thay đổi bộ máy lãnh đạo, nhưng Malaysia không phải đối mặt với bất kỳ rủi ro kinh tế trước mắt nào.

Nhu cầu trong nước cải thiện và xuất khẩu gia tăng đã hỗ trợ cho hoạt động của nền kinh tế và GDP của nước này quý 2/2021 tăng 16,1%.

Bên cạnh đó, ADB cũng duy trì triển vọng tăng trưởng của mình đối với Ấn Độ ở mức 10,0% trong năm nay và 7,5% trong năm 2022.

Bà Madhavi Arora, nhà kinh tế hàng đầu tại Emkay Global Financial Services Ltd, cho rằng, nhu cầu hàng hóa tăng mạnh giúp Ấn Độ đạt được mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm tính đến tháng 3 vừa qua, trong bối cảnh số ca nhiễm mới hằng tuần giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng tính đến ngày 19/9.

Đến thời điểm hiện tại, những thiệt hại về kinh tế của quốc gia Nam Á này đã được khắc phục và sẽ được thúc đẩy nhờ các nhân tố như các công ty thích ứng tốt hơn, điều kiện tài chính ổn định và tăng trưởng toàn cầu được đẩy mạnh.

Ông Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực tại Liên đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế, cho biết: “Hàng triệu người đang phải vật lộn để sống sót hàng ngày. Một lực lượng lao động khổng lồ ở châu Á sống phụ thuộc vào tiền lương và họ đang bị ảnh hưởng vì suy thoái kinh tế do Covid-19”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế châu Á đối mặt với nhiều thử thách từ biến thể Delta