Kinh tế chia sẻ: Không còn độc tôn quyền lực

Minh Phương 19/11/2020 09:00

Mặc dù chưa phát triển mạnh mẽ như ở các nước trên thế giới, song kinh tế chia sẻ ở Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, với loại hình kinh doanh mới này, giới chuyên gia cho rằng, rất cần một hành lang pháp lý để tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động.

Xuất hiện muộn, song các dịch vụ taxi công nghệ được xã hội đón nhận.

Cùng với sự nổi lên của các DN và tổ chức nước ngoài lớn như Uber, Grab, Airbnb… cụm từ “kinh tế chia sẻ” đang được nhắc tới ngày càng nhiều trong xã hội. Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện như dịch vụ vận tải trực tuyến (Uber, Grab, GoViet dichung…), hay dịch vụ chia sẻ phòng Airbnd.

Điểm nổi bật của kinh tế chia sẻ, đó là quyền lợi người tiêu dùng được đặt lên cao hơn cả. Loại hình kinh tế chia sẻ mới xuất hiện ở Việt Nam song đã gây được những ấn tượng cho cả người kinh doanh cũng như các “thượng đế”.

Đơn cử như loại hình kinh doanh vận tải, trước đây người tiêu dùng đi các hãng taxi truyền thống, họ phải trả với số tiền khá cao, trong khi nhiều hãng taxi còn mù mờ về quãng đường, không minh bạch về số tiền phải chi trả cho một chuyến đi.

Với sự xuất hiện của Uber, Grab, những điểm mập mờ về tài chính, quãng đường đều được triệt tiêu. Người tiêu dùng nắm rất rõ họ sẽ đi một quãng đường chính xác là bao nhiêu và số tiền họ phải trả, đều được thông tin một cách rõ ràng, minh bạch nhờ công nghệ.

Theo ông Khổng Phan Đức - Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Vietinbank, điểm chính yếu của kinh tế chia sẻ là sự thay thế quyền lực độc tôn của người chủ DN kinh doanh sang thành quyền lực phân bổ hài hòa giữa các nhóm vận hành nền tảng kỹ thuật số, nhóm sở hữu nguồn lực sản xuất, nhóm lao động kỹ năng, nhóm nắm giữ mạng lưới phân phối và khách hàng… trong cùng một mô hình kinh doanh.

Sự xuất hiện của nền tảng kinh doanh vận tải – xe công nghệ - như Uber, Grab hay các thành viên sau này đang phổ biến ở Việt Nam như GoViet, Be, Vato, Mai linh, MyGo… đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức kinh doanh truyền thống của ngành vận tải công cộng. Hoạt động kinh doanh taxi giờ đây không còn được vận hành bởi một DN duy nhất, mà là một nhóm các DN, hợp tác xã, hộ cá thể cùng hợp tác với nhau, cùng chia sẻ nguồn lực và năng lực tự có của mình để cung cấp các dịch vụ mang lại lợi ích chung cho cộng đồng và chính bản thân DN. “Không còn một ai độc tôn quyền lực ra lệnh cho các nhóm quyền lực còn lại. Đó là điểm nổi bật của kinh tế chia sẻ” – ông Khổng Phan Đức nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm lợi thế, về mặt quản lý nhà nước, các loại dịch vụ kinh tế chia sẻ lại không có một quy định chung mà chỉ là những chính sách thể hiện cụ thể ở từng lĩnh vực. Việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc dẫn đến lúng túng trong việc xác định bản chất giao dịch để áp thuế do hoạt động này vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Luật Công nghệ thông tin cũng chưa có quy định đối với các cá nhân hay tổ chức nước ngoài có hợp tác, kinh doanh không có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Thực tế này đã đẩy các DN và các nhà phát triển công nghệ vào tình thế khó khăn khi muốn triển khai. Trong khi các quy định hiện hành không đủ để điều chỉnh các phương thức kinh doanh mới mẻ này, thì thời gian để ban hành các quy định pháp luật tương ứng lại rất dài. Đơn cử như mô hình của Grab, đã hơn 3 năm kể từ khi vào Việt Nam, nhưng đến nay DN cung cấp dịch vụ công nghệ này vẫn bị áp vào mô hình kinh doanh truyền thống – doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc DN tiếp tục hoạt động mà không có hành lang pháp lý rõ ràng sẽ khiến Nhà nước thất thu thuế, môi trường kinh doanh gặp rào cản và người tiêu dùng không được bảo vệ… Chính bởi vậy, theo ông Khổng Phan Đức, việc xây dựng ngay một khung pháp lý rõ ràng về nền tảng kinh doanh của nền kinh tế chia sẻ, tài chính chia sẻ là rất cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế chia sẻ: Không còn độc tôn quyền lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO