Kinh tế toàn cầu 2023 trước nhiều biến số

THẾ TUẤN 25/12/2022 08:02

Năm 2022 đầy sóng gió đến những ngày cuối cùng. Nhưng, khó khăn của năm cũ vẫn có thể vắt sang năm mới cùng những phức tạp có thể xuất hiện. Tại thời điểm này, giới chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều nhận định về “sức khỏe” kinh tế thế giới 2023 với nhiều thận trọng bởi có thể sẽ phải chịu tác động của nhiều biến số.

Mối lo ngại lớn và chung cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới trong năm 2023 là lạm phát dẫn tới suy thoái. Đó là sự kết hợp nghiệt ngã giữa lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ. Hiện tại các dự báo ngày càng đặt cược vào khả năng nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng với tốc độ chậm, chỉ hơn 1% trong năm tới.

Một góc khu chợ ở thành phố Nice, nước Pháp.

Lạm phát, trì trệ và nợ nần gia tăng

Mới đây, Viện Tài chính quốc tế (IIF) đã đưa ra một ước tính gây sốc khi cho rằng mức tăng trưởng toàn cầu năm 2023 là 1,2%, chỉ bằng 1/5 mức tăng 6% của năm 2021, và chưa bằng một nửa so với mức 3,2% mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo cho năm 2022. Chưa hết, bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF cho rằng, khả năng tăng trưởng toàn cầu giảm xuống dưới 2% là rất rõ ràng. Trong khi kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng dưới 2% hai lần kể từ năm 2000: âm 1,3% vào năm 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu và âm 3,3% năm 2020 do đại dịch Covid-19.

IMF cũng dự báo lạm phát toàn cầu sẽ ở mức 6,5% trong năm 2023, dù giảm so với ước tính 8,8% của năm nay, nhưng mức tăng đó vẫn cao.

Còn theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì lạm phát trung bình là 6% cho nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu G20 trong năm 2022. Tốc độ tăng đó cao hơn nhiều so với mức 1-2% ở các nền kinh tế lớn trước đại dịch.

Tờ Joong Ang Ilbo (Hàn Quốc) có bài viết nhận định, nền kinh tế thế giới đang ở dưới nhiều tầng mây u ám. Những mối nguy hiểm lớn nhất đối với nền kinh tế trong năm 2023 sẽ tập trung vào 3 biến số: Diễn biến chiến sự tại Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan; kết quả của chính sách về Covid-19 của Trung Quốc và nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ bùng nổ, nhất là ở các nước có thu nhập thấp.

Riêng về khối nợ toàn cầu 290.000 tỷ USD, tăng 28% so với mức 226.000 tỷ USD năm 2020, cho thấy nợ nần đang đẩy thế giới vào tình thế rất khó khăn. Điều đó sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng, đồng thời làm suy giảm sức chống chịu của nhiều nền kinh tế. Với người dân nói chung, thu nhập cần phải tăng lên để có thể giúp mọi người cáng đáng gánh nặng lãi suất gia tăng, hoặc lãi suất cần phải giảm xuống. Nhưng trớ trêu thay lại không thể kỳ vọng thu nhập cao hơn trong một nền kinh tế yếu kém. Khối lượng nợ lớn cùng với lãi suất cao có thể gây ra vỡ nợ dây chuyền và khủng hoảng tài chính. IMF dự đoán 60% các nước có thu nhập thấp đang rơi vào khủng hoảng nợ hoặc đang tiến gần đến đó.

“Các nước có thu nhập thấp và các nền kinh tế mới nổi cũng như một số nước phát triển hiện đang có nợ quá mức. Việc quản lý nợ kém có thể gây ra những chấn động lớn trên thị trường tài chính và tác động tiêu cực đến nền kinh tế của chúng ta”, giáo sư Sung Tae-yoon (Đại học Yonsei Hàn Quốc) cảnh báo.

Dự báo nền kinh tế Mỹ năm 2023

Ngày 22/12, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 xuống 1,4% từ mức 1,7% trước đó. Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý, Fitch Ratings cũng giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2023 từ mức 0,5% xuống còn 0,2% “bởi tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ gia tăng”.

Trên trang mạng abc.net.au của Australia mới đây có bài viết nêu nhiều yếu tố có thể sẽ định hình kinh tế thế giới năm 2023. Tác giả bài viết nhận định chỉ trong vòng 7 tháng (của năm 2022), thế giới chứng kiến mức tăng lãi suất chưa từng thấy vì vậy việc thích nghi với một thế giới mới sẽ không dễ dàng, đặc biệt là một thế giới ngập trong nợ nần.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ sẽ ra sao? Liệu Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái trong năm 2023 hay không?

Chi tiêu dùng vốn chiếm 70% sản lượng kinh tế Mỹ và cũng là một thước đo quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế. Vừa qua, Mỹ đã trải qua giai đoạn mua sắm bùng nổ nhất trong năm với doanh số bán hàng ngày Thứ Sáu Đen và Thứ Hai Công nghệ cao kỷ lục. Tuy nhiên, theo giới phân tích, doanh số cao một phần do giá cả tăng vì lạm phát. Về tổng thể doanh số bán hàng ngày Thứ Sáu Đen năm nay chỉ tăng 2,3%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 19% trước dịch vào năm 2019. Đây là một dấu hiệu cảnh báo với nền kinh tế Mỹ.

"Chúng ta đã không trải qua một cuộc suy thoái thực sự trong một thập kỷ. Tôi nghĩ một cuộc suy thoái nhẹ sẽ diến ra vào năm 2023” - ông George Ball, Chủ tịch Hãng dịch vụ tài chính Sanders Morris Harris nói.

Tại Mỹ, việc công bố nền kinh tế có suy thoái hay không thuộc thẩm quyền của Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia, tuy nhiên việc công bố này luôn chậm hơn so với diễn biến tình hình. Tiến sĩ Sam Stovall - Trưởng Bộ phận tư vấn chiến lược, Công ty CFRA, Mỹ nhận định: "Theo truyền thống, suy thoái sẽ tới cùng lúc khi sự suy giảm thu nhập trên thị trường chứng khoán bắt đầu. Vì vậy, nếu nhận thấy dấu hiệu này vào quý 4 năm 2022, có thể chúng ta sẽ thấy suy giảm kinh tế bắt đầu vào tháng 1/2023. Thật không may, có những lúc tới tận 8 tháng sau, Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia mới công bố tình hình suy thoái".

Trong khi đó, nhóm các nhà kinh tế học của hãng dịch vụ tài chính J.P.Morgan “nói chắc như đinh đóng cột” rằng kinh tế Mỹ sẽ “suy thoái nhẹ" vào nửa đầu năm 2023. J.P.Morgan dự báo tính đến quý 4/2023, nền kinh tế Mỹ sẽ giảm khoảng 0,5%, khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của quốc gia này giảm 1%. Vẫn theo nhóm chuyên gia này thì do tổng cầu giảm, nước Mỹ có thể mất 1 triệu việc làm vào giữa năm 2023.

Trung Quốc sẽ là động lực của kinh tế thế giới?

Xếp sau Mỹ, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong một báo cáo mới nhất, Ngân hàng Morgan Stanley đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 lên 5,4% so với mức dự báo trước đó là 5%. “Với khả năng phục hồi và tiềm năng của nền kinh tế, các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023”- nhận định của Morgan Stanley.

Tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương thường niên diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 15-16/12, các đại biểu tin tưởng rằng, hoạt động kinh tế của Trung Quốc vào năm 2023 sẽ chứng kiến sự phục hồi và cải thiện tổng thể, khi mà Chính phủ cam kết mở rộng hơn nữa nhu cầu trong nước và phát huy đầy đủ vai trò cơ bản của tiêu dùng và vai trò chủ chốt của đầu tư ngay từ đầu năm mới.

Trên cơ sở đánh giá tổng quát kinh tế Trung Quốc năm 2022, Tổng Giám đốc Quỹ IMF Kristalina Georgieva cho rằng, Trung Quốc có không gian tài chính để thúc đẩy nền kinh tế và chống lại áp lực suy giảm. Tình hình là khả quan vào năm 2023.

Còn theo Công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Societe Generale, có thể Trung Quốc sẽ có đến 3 quý tăng trưởng mạnh, bắt đầu từ quý II năm 2023. Từ đó tăng trưởng GDP có thể vào khoảng 5%.

Tương tự, một nghiên cứu ngắn của các chiến lược gia Christopher Swann và Vincent Heaney thuộc Ngân hàng UBS cho hay, cổ phiếu Trung Quốc đã tăng 37% kể từ đầu tháng 11 sau những tín hiệu nền kinh tế này sẽ mở cửa trở lại. 10 tháng của năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc là 168,34 tỷ USD. Dòng vốn đó sẽ “ngấm” vào nền kinh tế trong năm 2023 và sẽ trở thành một trong những động lực tăng trưởng.

Tác động của những nền kinh tế dẫn đầu vào kinh tế toàn cầu là rất lớn. Vì thế, các dự báo cho rằng nếu như năm 2023 Mỹ không rơi vào suy thoái và Trung Quốc đạt được đà tăng trưởng khá, thì có khả năng kinh tế thế giới sẽ tươi tắn hơn năm 2022.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng 3,1% trong năm nay, sau đó đà tăng sẽ giảm xuống còn 2,2% năm 2023 và 2,7% năm 2024. Đáng chú ý, tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung Eurozone (châu Âu) sẽ giảm từ 3,3% năm nay xuống còn 0,5% năm 2023, trước khi phục hồi lại ở mức 1,4% năm 2024. Theo OECD, nhiều nền kinh tế châu Âu được dự báo sẽ suy thoái trong năm 2023, trong đó vương quốc Anh, quốc gia nằm ngoài Eurozone, chịu tác động nặng nhất với mức giảm 0,4% do lãi suất cao và tình trạng lạm phát.

"Thị trường năng lượng sẽ vẫn là mối rủi ro lớn. Châu Âu đã đi một chặng đường dài để bổ sung trữ lượng khí đốt tự nhiên và hạn chế nhu cầu, nhưng như thế là chưa đủ. Giá khí đốt cao hơn, hoặc sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt hoàn toàn sẽ dẫn đến tăng trưởng yếu hơn đáng kể và lạm phát cao hơn ở châu Âu vào năm 2023 và năm 2024" - báo cáo của OECD nhận định. Còn ông Mathias Cormann - Tổng Thư ký OECD đánh giá: "Lạm phát ở nhóm các nước khu vực đồng tiền chung Eurozone sẽ chạm 9,4% năm nay. Chúng tôi tin rằng lạm phát sẽ chậm lại khi các chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu phát huy hiệu quả, làm giảm nhu cầu tiêu dùng, áp lực giá năng lượng, qua đó kéo chi phí vận tải và giao nhận hàng hóa trở lại mức bình thường. Chúng tôi dự báo lạm phát sẽ giảm xuống còn 6,6% năm 2023".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế toàn cầu 2023 trước nhiều biến số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO