Kinh tế toàn cầu chật vật hồi phục

Thanh Đức 27/07/2021 07:19

Mới đây, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu do sự gia tăng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và khả năng khó tiếp cận vaccine ở các nước đang phát triển.

Máy bay của Hãng hàng không Virgin Australia đỗ tại sân bay Brisbane, Queensland, Australia chờ cơ hội “chinh phục bầu trời” khi dịch Covid-19 được không chế rộng rãi hơn. Ảnh: AP.

Chia sẻ vaccine công bằng

Theo một thông báo được đưa ra từ Bộ trưởng Tài chính G20, triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện kể từ các cuộc đàm phán G20 vào tháng 4/2021 nhờ việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine và các gói hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, “cũng cần phải nhìn nhận sự mong manh của sự phục hồi đó khi thế giới phải đối mặt với các biến thể như Delta lây lan nhanh”.

Thông cáo của các Bộ trưởng Tài chính G20 viết: “Đặc trưng của sự phục hồi này là sự khác biệt lớn giữa và ở bên trong các quốc gia và vẫn có nguy cơ suy thoái tiềm ẩn, đặc biệt là sự lây lan của các biến thể mới của virus Covid-19 và các giai đoạn tiêm chủng khác nhau”.

Đáng chú ý, trong khi nhấn mạnh sự ủng hộ đối với việc “chia sẻ vaccine công bằng trên toàn cầu” nhưng G20 đã không đề xuất các biện pháp cụ thể, mà chỉ ghi nhận khuyến nghị lập quỹ mới tài trợ cho vaccine trị giá 50 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Về việc không công bằng vaccine, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gọi sự khác biệt đó là một “sự phẫn nộ về mặt đạo đức”, làm suy yếu những nỗ lực lớn hơn để hạn chế sự lây lan của virus. Trong khi một số quốc gia giàu nhất hiện đã tiêm cho hơn 2/3 công dân của họ ít nhất một mũi vaccine, thì con số này giảm xuống dưới 5% ở nhiều quốc gia châu Phi.

Theo Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại nếu tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 không được đẩy nhanh. Ảnh: AFP.

Điều gì kìm hãm phục hồi kinh tế toàn cầu?

Tiêm chủng cho người dân trên toàn thế giới là giải pháp hữu hiệu nhất để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn. Đây là đánh giá được Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra.

Bà Georgieva nhấn mạnh rằng, thế giới sẽ chỉ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra một khi dịch bệnh nguy hiểm này bị đẩy lùi hoàn toàn. Các quốc gia có năng lực tài chính mạnh và tốc độ tiêm chủng nhanh sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhanh hơn.

Tuy nhiên, phần đông các quốc gia còn lại vẫn sẽ rất khó khăn, vì thế sự phục hồi của các nền kinh tế sẽ không đồng đều, cho dù mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 ở mức 6% (dự báo đưa ra ngày 23/7).

“Điều đó nguy hiểm cho tất cả mọi người vì điều đó sẽ kìm hãm sự phục hồi toàn cầu”, Tổng Giám đốc IMF nói.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass, muốn để thế giới “không bị mong manh trước đại dịch Covid-19 và hồi phục kinh tế bền vững” thì ưu tiên trước mắt là các nước đã có đủ nguồn cung vaccine cần nhanh chóng chia sẻ những chế phẩm này cho các nước đang triển khai chương trình tiêm chủng.

“Điều quan trọng là chúng ta phải đẩy nhanh chuỗi cung ứng. Chúng ta cần rút ngắn thời gian từ thời điểm vaccine được sản xuất cho đến khi được tiêm cho người dân”, Chủ tịch WB nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, nêu lên 4 điểm “nghẽn” chính trong sản xuất và cung ứng vaccine toàn cầu: gồm hạn chế về năng lực sản xuất, nguồn cung cấp nguyên liệu, kỹ năng chuyên môn trong sản xuất vaccine và tình trạng chậm chạp ở một số quốc gia.

Để đảm bảo có đủ vaccine cho người dân trên thế giới, bà Iweala kêu gọi các nước nỗ lực tăng sản lượng vaccine lên mức 10 tỷ đến 15 tỷ liều, tức gấp 2 - 3 lần so với mức 5 tỷ liều mà thế giới hiện có thể sản xuất.

Còn theo giới chuyên gia tài chính, cho dù những nỗ lực vaccine được đẩy nhanh hơn thì hồi phục kinh tế trong năm 2021 trên phạm vi toàn cầu vẫn sẽ không thể đồng đều. Nhiều quốc gia sẽ vẫn lún sâu vào nợ nần, trong khi một số “ông lớn” sẽ vượt lên rất mạnh mẽ.

Cụ thể, dự báo kinh tế Mỹ năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức trên dưới 6%. Thấp hơn một chút là Nhật Bản và Hàn Quốc. Châu Âu dự báo tăng trưởng trên 4%. Đáng chú ý, nhiều định chế tài chính quốc tế cho rằng năm 2021 này GDP của Trung Quốc có thể tăng tới 8,1%.

“Chúng ta sẽ vẫn phải chật vật để vượt qua năm 2021”, Michelle Gordofar, chuyên gia tài chính Mỹ nhìn nhận bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2021, tuy rằng nền kinh tế ấy cũng đã khác xa năm 2020.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, kinh tế thế giới sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 5,6% trong năm nay và đạt 4,0% vào năm tới. Dự báo này lạc quan hơn so với dự báo hồi tháng 12 năm ngoái, tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 4,2% trong năm nay và 3,7% trong năm tới.

So với năm 2020, tại thời điểm tháng 7/2021, tăng trưởng kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc nhưng “sắc màu sáng” không đồng đều trong bức tranh chung. Khác với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính năm 2008, sự phục hồi của kinh tế thế giới lần này không đồng đều, một phần là vì sự khác biệt trong tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 và những hỗ trợ tài chính giữa các nước. Sự chênh lệch trong hồi phục kinh tế giữa các nước có thể là yếu tố cản trở kinh tế thế giới nói chung sớm đạt được các mức như thời kỳ trước đại dịch. Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng JPMorgan Chase & Co. Bruce Kasman, nói rằng ông chưa từng thấy một sự chênh lệch nào lớn đến vậy trong 20-25 năm qua giữa các nước phát triển khác và các thị trường mới nổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế toàn cầu chật vật hồi phục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO