Kinh tế TP Hồ Chí Minh: Những dấu hiệu khởi sắc

PV 07/06/2023 06:20

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, tín dụng trên địa bàn thành phố 5 tháng đầu năm 2023 ước tăng khoảng 2,43% so với cuối năm 2022 (so với khoảng 3,17% của cả nước). Đây là tín hiệu cho thấy kinh tế TP HCM đã có dấu hiệu phục hồi, khởi sắc.

Doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đang có dấu hiệu hồi phục.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng, tín dụng VND tăng 2,39%, tín dụng ngoại tệ tăng 9,35% là dấu hiệu tích cực. “Phân tích cơ cấu tín dụng theo thời hạn nợ, loại tiền và khối ngân hàng, cũng như nhóm ngành lĩnh vực (sản xuất kinh doanh, bất động sản, chứng khoán, tiêu dung), tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế” - ông Lệnh cho biết.

Cũng theo ông Lệnh, so với 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và năm 2021, nhưng cao hơn năm 2020 (5 tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng 8,8%; năm 2021 tăng 4,76% và năm 2020 tăng 1,75%).

"Sự ổn định kinh tế vĩ mô và những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế sẽ là những yếu tố tác động tích cực đến xu hướng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong thời gian tới” - ông Lệnh nói.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), khó khăn của các thị trường là những yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn TPHCM. Hiện đã xuất hiện nhiều yếu tố tác động tích cực đến xu hướng tăng trưởng tín dụng thời gian tới. Trong đó, phải kể đến yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (bình quân 5 tháng đầu năm CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022). Đây cũng là cơ sở, nền tảng để các chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả.

Mặt khác, những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế nói chung và kinh tế TPHCM nói riêng trong quý 2/2023. Từ đó, tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngược lại tăng trưởng kinh tế là môi trường, là điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng trưởng tín dụng.

Trong khi đó, báo cáo của Cục Thống kê TPHCM cho thấy tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố trong quý II/2023 ước tăng trưởng 5,87% so với cùng kỳ, đứng thứ 2 trong số các thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cụ thể: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,16%; Công nghiệp, xây dựng tăng 4,77%; Dịch vụ tăng 7,16%. Trong đó, ước tính ngành dịch vụ đóng góp cao nhất với 64,8 % trong tổng mức GRDP của TPHCM.

Theo ông Trần Phước Tường - Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, trong quý I sản xuất công nghiệp, xây dựng ở mức âm thì trong tháng 4 và tháng 5 đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Môi trường kinh doanh trên địa bàn cũng dần được cải thiện. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, TPHCM có 25.089 DN tham gia vào thị trường (so với 18.243 DN rút khỏi thị trường). Nghĩa là cứ 10 DN tham gia vào thị trường thì tương ứng có 7 DN rút khỏi thị trường (tỷ lệ này của tháng 1 là 15).

Cùng đó, dự án FDI đăng ký cấp mới vào TPHCM tăng đáng kể. 5 tháng đầu năm 2023 có 374 dự án FDI cấp mới, tăng 60,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ có 233 dự án). Giải ngân vốn đầu tư công cũng đã khởi sắc. Ước tính giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 đạt 12,9% theo kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ; cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ của năm 2022 (5 tháng năm 2022 đạt 9,4%).

Tuy nhiên, theo Cục Thống kê TPHCM, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn còn không ít những khó khăn, đặc biệt là xuất nhập khẩu.

"Tốc độ tăng trưởng đã tăng lên 5,87% nhưng, tình hình xuất khẩu của thành phố vẫn gặp khó khăn do thị trường Âu - Mỹ vẫn chưa phục hồi mặc dù tiêu dùng trong nước đã dần đi vào ổn định” - Đại diện Cục Thống kê TPHCM cho biết. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước 5 tháng đầu năm là 16,5 tỷ USD; giảm 19,7% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa là 21,9 tỷ USD; giảm 22,7% so với cùng kỳ.

Để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế, TPHCM đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, gồm 14 thành viên, do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ công tác. Tổ công tác có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn do các sở, ban, ngành của thành phố đang thụ lý hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian. Bên cạnh đó, rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh để có hướng xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế TP Hồ Chí Minh: Những dấu hiệu khởi sắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO