20 ngành nghề cấm tư nhân: Không tăng thêm lĩnh vực độc quyền

Minh Phương 16/02/2017 07:15

Trước những phản ứng khá gay gắt của dư luận về dự thảo Nghị định về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại, Bộ Công thương mới đây đã chính thức phản hồi ý kiến. Bộ Công thương khẳng định: Không mở rộng và cũng không tăng thêm các lĩnh vực độc quyền Nhà nước ngoài các lĩnh vực đã được quy định.

Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng là một trong 20 ngành nghề dự thảo Nghị định quy định nhà nước độc quyền.

Bộ khẳng định: 20 ngành nghề là cần thiết

Theo đó, dẫn Khoản 4 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 quy định “Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia”, đồng thời giao “Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước”, Bộ Công thương nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định độc quyền 20 ngành nghề do Nhà nước nắm giữ là cần thiết.

Theo Bộ Công thương, danh mục, một khi được ban hành, sẽ góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng nêu tại các Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X và Kết luận 50/KL-TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Việc ban hành Danh mục sẽ giúp hệ thống hóa và minh bạch hóa tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại phù hợp với cam kết quốc tế, các chính sách và quy định hiện hành, đồng thời là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ thể khác trong xã hội thực hiện chức năng giám sát công khai việc thực hiện độc quyền nhà nước trong các lĩnh vực được liệt kê.

“Việc ban hành Danh mục còn giúp tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc bảo lưu quyền của Việt Nam trong các cuộc đàm phán quốc tế về mở cửa thị trường, qua đó tăng cường tính minh bạch cũng như tính hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế” – Bộ Công thương nhận định.

Liên quan đến quan điểm chủ đạo và xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Công thương khẳng định, dự thảo Nghị định và Danh mục được xây dựng với quan điểm chủ đạo là không mở rộng và không tăng thêm các lĩnh vực độc quyền Nhà nước đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế hiện hành của Việt Nam.

Trên tinh thần đó, Bộ Công thương đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để xác định các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ được quy định tại Danh mục, trong đó có Luật An ninh, Luật Quốc phòng, Luật Điện lực, Luật Bưu chính, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Đường sắt, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nghị định số 30/2007 về kinh doanh xổ số, Nghị định 67/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ...

Theo Bộ Công thương, tại thời điểm trình Chính phủ vào tháng 12-2015, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, Danh mục dự kiến bao gồm 19 loại hàng hóa, dịch vụ và chi tiết hoạt động thương mại cần áp dụng độc quyền nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Danh mục đã được bổ sung thêm mặt hàng vàng nguyên liệu, với hoạt động thương mại độc quyền tương ứng là “xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng”, nâng tổng số hàng hóa, dịch vụ tại Danh mục lên thành 20 lĩnh vực.

Bộ Công thương khẳng định: “Toàn bộ các loại hàng hóa, dịch vụ được liệt kê tại Danh mục đều là các loại hàng hóa, dịch vụ hiện đang áp dụng độc quyền nhà nước, phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị định là giới hạn phạm vi thực hiện độc quyền nhà nước chỉ trong các lĩnh vực, địa bàn thiết yếu mà Nhà nước cần phải giữ độc quyền liên quan đến an ninh - quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc các thành phần kinh tế khác không muốn hay không có khả năng tham gia”.

Giới hạn quyền của tư nhân?

Bộ Công thương cũng làm rõ thêm, độc quyền Nhà nước đối với các loại hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Danh mục không phải được thực hiện đối với tất cả các hoạt động thương mại có liên quan tới hàng hóa, dịch vụ đó mà chỉ giới hạn trong một hoặc một số hoạt động thương mại cụ thể, phù hợp với chủ trương giới hạn phạm vi độc quyền nhà nước và các quy định của pháp luật hiện hành.

“Danh mục ban hành kèm theo dự thảo Nghị định có thể được điều chỉnh giảm khi Luật và Pháp lệnh có liên quan cho phép bãi bỏ lĩnh vực độc quyền nhà nước.

Ngoài ra, theo trình tự luật định, Danh mục ban hành kèm theo dự thảo Nghị định cũng có thể được điều chỉnh giảm khi có đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh hoặc khi có đề nghị bằng văn bản thể hiện nhu cầu và khả năng tham gia của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào các lĩnh vực độc quyền nhà nước quy định Danh mục”, Bộ Công thương cho biết.

Trước đó, bản dự thảo Nghị định về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại với 20 lĩnh vực kinh doanh cấm tư nhân tham gia đã nhận được những phản ứng trái chiều từ phía dư luận xã hội và giới chuyên gia kinh tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc đưa tới 20 lĩnh vực kinh doanh vào danh mục cấm tư nhân là đi ngược với xu thế chung của thế giới. Một số lĩnh vực như vàng, xổ số…

Nhà nước cũng muốn độc quyền là phi thị trường, ngược lại với xu thế cải cách. Trả lời Đại Đoàn Kết, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, trong số 20 lĩnh vực mà Bộ Công thương đưa vào diện cấm tư nhân, có không ít lĩnh vực mà nếu có sự tham gia của kinh tế tư nhân sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, có lợi hơn nhiều khi để Nhà nước độc quyền.

Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, trong khi Chính phủ đang hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh, đề cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân thì việc cấm DN tư nhân tham gia vào 20 lĩnh vực kinh doanh, thương mại này lại đi ngược với mục tiêu nói trên của Chính phủ, khi trực tiếp giảm bớt quyền của khu vực tư nhân, và như vậy, thị trường cũng trở nên kém minh bạch hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    20 ngành nghề cấm tư nhân: Không tăng thêm lĩnh vực độc quyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO