Bất động sản hưởng lợi gì từ TPP?

Thanh Giang 09/10/2015 10:21

Ngày 8/10, trao đổi với Đại Đoàn kết, đại diện các công ty nghiên cứu, tư vấn thị trường bất động sản tại Việt Nam nhận định, cùng với sự khởi sắc của nhà ở thương mại, phân khúc bán lẻ, thuê văn phòng và bất động sản công nghiệp sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.  

Bất động sản hưởng lợi gì từ TPP?

Ảnh:Hoàng Long.

Báo cáo tình hình thị trường BĐS quý 3 năm 2015 Công ty TNHH Savills Việt Nam cho hay, phân khúc bán lẻ và văn phòng tiếp tục được đánh giá cao khi vốn đầu tư nước ngoài liên tục đổ vào Việt Nam. Hàng loạt các trung tâm thương mại “trình làng” đánh dấu sự gia tăng mạnh.

Đơn cử, trong tháng 9 Vingroup khai trương các trung tâm thương mại ở Gò Vấp, SC VivoCity tại quận 7… Như vậy, trong quý 3 công suất trung bình đạt 92%. Về phân khúc văn phòng, tổng nguồn cung văn phòng trong quý là 1.500.000m2 từ 225 dự án, tăng 4% theo quý và 5% theo năm. Công suất thuê trung bình đạt 94%, tăng 1 điểm phần trăm theo quý và 3 điểm phần trăm theo năm. Trong đó, công suất của hạng A ở mức 96% - xếp vị trí quán quân của phân khúc này.

Lý giải về sự tăng trưởng mạnh của hai phân khúc văn phòng Savills Việt Nam cho rằng, vốn đầu tư FDI và GDP ở TP HCM ảnh hưởng đến nhu cầu văn phòng. Bởi vì theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2015 tổng nguồn vốn FDI đăng ký đạt 3 tỷ USD, tăng gần 130% theo năm. GDP đạt 30 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng là 9% theo năm. Tốc độ tăng trưởng này được cho là cao nhất cùng kỳ trong 3 năm gần đây.

Liên quan đến phân khúc bán lẻ, văn phòng Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho rằng, nhu cầu tìm kiếm mặt bằng bán lẻ tăng. Bên cạnh đó, một quý trôi qua từ khi luật kinh doanh BĐS sửa đổi có hiệu lực các công ty nước ngoài liên tục tìm kiếm các diện tích lớn để thuê dài hạn và cho thuê lại. Thậm chí, các công ty nước ngoài còn tìm mua các tòa nhà để sử dụng.

Thực tế nhiều giao dịch thành công được ghi nhận. Dự báo về tình hình thị trường bán lẻ trong thời gian tới đại diện CBRE khẳng định, tương lai gần TP. HCM có thể có những loại hình bán lẻ mới, tạm gọi là loại hình bán lẻ trong khu đô thị (quán bar, thời trang, nghệ thuật…) sau thành công của Hà Nội với 3 trung tâm The Yard, Creative City, X98. Riêng về phân khúc văn phòng, làn sóng mới sẽ đi vào hoạt động trong thời gian từ 2017 – 2020 và tập trung chủ yếu vào văn phòng hạng A.

Bất động sản hưởng lợi gì từ TPP? - 1

Thị trường BĐS hứa hẹn phát triển mạnh. Ảnh: S. Xanh.

Nhìn vào thị trường BĐS trong thời gian tới với những cơ hội mới các công ty nghiên cứu thị trường cũng như DN thông tin, không chỉ phân khúc bán lẻ, văn phòng phát triển mà nhiều phân khúc khác cũng có cơ hội “phất lên” trước tác động của TPP.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Bộ phận tư vấn Savills Việt Nam nhận định, tương lại gần thì chưa rõ song về lâu dài thị trường BĐS Việt Nam sẽ phát triển tốt thông qua sự tác động của TPP. Ông Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Định giá Công ty TNHH Cushman & Wakefield Việt Nam tỏ ra lạc quan với viễn cảnh mới, lợi ích từ TPP sẽ tiếp tục được nhắc đến trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quỹ đạo đi lên.

“Dự báo, ngày càng có nhiều khách thuê công nghiệp sẽ đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP cùng với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia nên bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng”, ông Jonathan Tizzard phân tích.

Cũng theo ông Jonathan Tizzard, khi kinh tế có sự tác động từ TPP thì nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng vì các Tập đoàn công nghiệp tìm kiếm không gian văn phòng tại trung tâm thành phố. Tốc độ đô thị hoá tại các thành phố lớn và nhỏ sẽ tiếp tục khiến người lao động nông nghiệp tìm đến các khu công nghiệp để làm việc. Điều này đồng nghĩa, số lượng người dân có khả năng mua nhà đắt tiền sẽ tăng lên. Đó là chưa kể đến nhu cầu mua sắm và các hạng mục liên quan khác mà các chuyên gia nước ngoài và người dân quan tâm.

Bàn về cơ hội cho thị trường BĐS Việt Nam trước thềm TPP, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM - ông Lê Hoàng Châu nêu ý kiến, TPP sẽ mở ra một thị trường khá đa dạng và phong phú khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư công nghiệp đến Việt Nam đầu tư, do đó nhu cầu về BĐS công nghiệp, khu chế xuất sẽ tiếp tục gia tăng. Nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng mạnh khi các công ty đa quốc gia đặt cơ sở kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu mua nhà ở sẽ tăng lên, từ nhà trung bình đến cao cấp, nghỉ dưỡng vì số lượng chuyên gia, đội ngũ lao động rất đông đảo.

Theo các chuyên gia nước ngoài, dư địa của thị trường BĐS Việt Nam còn cực kỳ lớn, giá trị gia tăng cao. Chính vì lẽ đó mà 30 đến 50 năm nữa thì BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng khẳng định, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Thách thức lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản là mục tiêu công bằng xã hội, trong đó lợi ích cho người dân phải được quan tâm hàng đầu. Thách thức thứ hai là mục tiêu hiện đại hóa đất nước phải đi kèm với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Song song đó, DN phải có kế hoạch phát triển phù hợp với tình hình, đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất nhằm tăng tính chuyên nghiệp và gia tăng sự cạnh tranh để dành thế chủ động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất động sản hưởng lợi gì từ TPP?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO