Cứu trợ quốc gia để an sinh xã hội

Nguyên Khánh 29/03/2020 08:00

Với thời điểm hiện nay, chúng ta cần suy nghĩ về một gói cứu trợ quốc gia an sinh xã hội thiết thực với người lao động. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 diễn ra tuần qua.

Cứu trợ quốc gia để an sinh xã hội

Hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong dịch Covid-19.

Người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh

Trên thực tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan như hiện nay là thách thức lớn đối với xã hội khi mà kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, ngành dệt may và da giày nhập khẩu 60,91% vải, 57,39% xơ sợi, 43,67% nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ Trung Quốc năm 2019, và đa số các doanh nghiệp (DN) này chỉ dự trữ nguyên liệu tới đầu tháng 3/2020, một số có thể đến đầu tháng 4/2020. Tương tự, ngành chế biến gỗ, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 60-70% tổng lượng dăm của Việt Nam xuất khẩu đi, 67% tổng số giấy xuất khẩu. Do đó, khả năng các DN này tạm ngừng sản xuất là rất lớn, có thể ảnh hưởng đến nhiều triệu lao động, chứ không chỉ riêng thiệt hại của DN.

Xét trên một nhóm đặc thù là nhóm giáo dục, theo Kiến nghị thư của tập thể giáo dục ngoài công lập thì “nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, bảo vệ, lao công sẽ mất việc. Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thì sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỉ đồng tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn. Đấy là chưa kể sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc. Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ vô cùng lớn. Như vậy, những tác động xấu đến xã hội do dịch bệnh Covid-19 gây ra cũng không kém so với tác động về mặt kinh tế.

Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động mùa dịch

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Chỉ thị giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020 về tình hình lao động, việc làm trong các DN. Đồng thời có biện pháp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và các giải pháp để động viên tinh thần của người lao động, có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, Bộ cũng đã chủ động để triển khai hướng dẫn việc tạm dừng đóng BHXH, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí và tử tuất, áp dụng với những DN có trên 50% người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và DN bị giảm thu 50% do ảnh hưởng của dịch.

Bên cạnh đó, Bộ đã và đang trình Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó có thể nâng cao mức hỗ trợ và mở rộng hơn đối tượng, bao gồm tất cả những doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch thì đều được tạm dừng đóng BHXH. Tất cả những DN chỉ 10% người lao động bị ảnh hưởng cũng được tạm dừng đóng BHXH.

“Với quy mô trong đề xuất này, chúng ta hoàn toàn có thể hỗ trợ được từ 1,5-3 triệu người lao động và từ 100.000-200.000 DN, với số tiền tương ứng từ 25.000 - 49.000 tỷ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Về bảo hiểm thất nghiệp, theo ông Đào Ngọc Dung, sẽ tạm dừng đóng từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020. Đồng thời, miễn đóng tất cả những người mất việc, ngừng việc và không có việc do ảnh hưởng của Covid-19. Cùng với đó, hỗ trợ trở lại cho DN để đào tạo nghề, chuyển đổi công việc và coi đây là một giải pháp để giữ chân người lao động. Việc hỗ trợ thông qua việc tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí tử tuất và bảo hiểm thất nghiệp sẽ tương đương với số tiền 150.000 tỷ đồng.

“Chúng tôi tin rằng với 150.000 tỷ đồng này và cách thức tác động như vậy chúng ta sẽ tạo ra sự ổn định rất lớn cho xã hội, đó là điều quan trọng nhất”- Bộ trưởng cho biết. Cùng với đó, việc hỗ trợ sẽ tạo điều kiện người lao động có khả năng thích ứng trong giai đoạn đầu, nhất là chuyển đổi công việc, giải quyết vấn đề tạm ngưng việc lúc ban đầu. Đồng thời hỗ trợ cho DN vượt qua những khó khăn để tái tạo lại sản xuất kinh doanh.

Đầu tư thực hiện chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển

“Không thể nói chỉ phát triển kinh tế mà không phát triển xã hội, phải phát triển song hành, hài hòa giữa kinh tế và xã hội”-Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm con người là trung tâm của quá trình phát triển, bảo đảm chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa với phát triển kinh tế. Bởi đầu tư thực hiện chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển.

Theo đó, chính sách xã hội phải bảo đảm phát triển bao trùm, toàn diện, đặc biệt nâng cao chất lượng phát triển con người, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho mọi người, nhất là trong tình hình dịch bệnh. Phải xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm, tập trung giải quyết nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc. An sinh xã hội phải phát triển toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân.

Phải lo an sinh cho xã hội, nhất là những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bằng việc trợ giúp các doanh nghiệp, người lao động thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng nói, “với thời điểm hiện nay, chúng ta cần suy nghĩ về một gói cứu trợ quốc gia về an sinh xã hội, có tính thiết thực với người lao động”, bởi đây là giai đoạn có nhiều khó khăn, nếu không làm tốt khâu này bằng chính sách tài khóa và chính sách khác thì sẽ vấp phải sai lầm.

Tất nhiên, không chỉ đến thời điểm này khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh chúng ta mới nghĩ đến các gói cứu trợ, bởi phát triển kinh tế luôn đi song hành với an sinh xã hội. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục chăm lo cho tất cả mọi người, nhất là người có công, người nghèo, người yếu thế để không bỏ lại ai ở lại phía sau.

Cứu trợ quốc gia để an sinh xã hội - 1

Ông Bùi Sỹ Lợi.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Cứu trợ kịp thời cho người lao động

Không chỉ đến khi chúng ta bị ảnh hưởng bởi Covid-19 Chính phủ mởi nghĩ đến một gói an sinh xã hội. Mà từ trước đến nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô luôn đi kèm với đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì vậy, trong điều kiện người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cần càng nhiều giải pháp cứu trợ kịp thời. Do đó, với những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid khiến tăng trưởng không đạt thì phải kích cầu ở những khu vực đó để họ tăng trưởng và khôi phục sản xuất. Còn những DN không bị dịch tác động, không bị ảnh hưởng thì cũng phải có biện pháp thúc đẩy tăng nhanh lên để bù cho DN không đạt được kế hoạch. Đây là chiến lược hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhân lực của đất nước do đó Chính phủ và cơ quan phải định hình chính sách, chương trình kế hoạch bài bản để giúp cho các DN phát triển.

Đối với các DN có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phải có biện pháp để xử lý ngay thất nghiệp cho người lao động bằng cách cho họ được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp để có lương, để đảm bảo cuộc sống. Nếu DN nào có điều kiện thì cho phép để đào tạo lại lao động đó, hoặc lao động đó không nhận tiền thất nghiệp mà nhận tiền để được đào tạo lại thì dùng tiền đó để đào tạo nghề cho người lao động tìm việc làm mới để khắc phục tồn tại- theo ông Lợi.

Sau dịch Covid 19 nhiều nhà hàng, khách sạn sẽ không thu hút được lao động. Vì vậy những lao động này phải có biện pháp để giải quyết thất nghiệp và cố gắng đào tạo lại. Bởi có đào tạo lại nguồn lao động này thì mới có nguồn nhân lực để phát triển kinh tế xã hội, tránh tình trạng người lao động rơi vào tình cảnh không có việc làm và khó khăn, giải quyết cả vấn đề kinh tế và giải quyết cả vấn đề xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứu trợ quốc gia để an sinh xã hội