Đầu tư ra nước ngoài: 'Ngây thơ' sẽ thiệt thòi

Minh Phương (thực hiện) 26/02/2017 09:15

Trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp (DN) Việt ngày càng mong muốn được vươn ra đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn. Đây cũng là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, với những hạn chế về vốn, đặc biệt là sự am hiểu thông tin pháp luật của nước sở tại đã khiến nhiều DN Việt bị thiệt hại nặng nề. Làm sao để thành công khi “đem chuông đi đánh xứ người”, câu trả lời được ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ với Đại Đoàn Kết

Tính đến tháng 1/2017, Việt Nam hiện có 1.188 dự án đầu tư ra nước ngoài.

PV:Nhiều DN mặc dù rất muốn đầu tư ra nước ngoài nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề bỡ ngỡ, theo ông, đâu là vấn đề khiến DN Việt còn e ngại?

Ông Đậu Anh Tuấn: Hội nhập buộc các DN phải bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu, đó là một xu hướng tất yếu. Nhiều DN nước ngoài đã đến đầu tư ở Việt Nam, tại sao chúng ta lại không đầu tư ra nước ngoài?

Chúng ta có nhiều thế mạnh về cây công nghiệp, chế biến sữa hay viễn thông. Ở các nước, đặc biệt là Lào và Campuchia…. đều đang có rất nhiều cơ hội cho các DN Việt tham gia vào đầu tư tại các thị trường này. Các DN đầu tư ra nước ngoài cũng là sự khẳng định sức mạnh của mỗi DN, họ không còn chỉ quanh quẩn trong ao nhỏ mà đã vươn ra biển lớn.

Tuy nhiên, so với việc nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam thì chúng ta đến đầu tư ở các nước khác vẫn chỉ dừng ở một con số rất khiêm tốn một phần vì DN của chúng ta chiếm đa số là DN nhỏ, vốn ít, mặt khác, còn vì chúng ta ít thông tin. Nhưng tôi cho rằng, tất cả các nhược điểm đó đều có thể khắc phục được bằng cách các DN Việt phải liên kết với nhau, phối hợp, nhiều DN nhỏ sẽ thành lớn, như vậy sẽ thành công.

Thế mạnh và thách thức của các DN Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài là gì thưa ông?

- Các DN Việt đã bắt đầu bước ra thế giới, tham gia nhiều thị trường, nhưng nơi chúng ta đến nhiều nhất là Tiểu vùng Mê Kông và tập trung chủ yếu ở Lào và Campuchia.

Việt Nam, Lào, Campuchia là những quốc gia có quan hệ truyền thống hơn ai hết, các DN Việt rất am hiểu về phong tục tập quán văn hóa và gắn bó bền vững và lâu dài với các nước ASEAN.

Chúng tôi cho rằng, thế mạnh của Việt Nam là am hiểu văn hóa địa phương. Và DN Việt Nam cũng mạnh về nông nghiệp so với các nước trong khu vực.

Chính vì vậy, với thế mạnh của mình, sự am hiểu của mình, DN Việt Nam chắc chắn mang những giá trị quan trọng trong quá trình đầu tư tại các nước, đặc biệt là các quốc gia thuộc Tiểu vùng Mê Kông.

Bằng chứng là nhiều DN Việt đầu tư sang các nước, đã rất thành công trong việc phát triển kinh doanh của mình, đóng góp kinh tế tại địa phương và khẳng định uy tính của mình tại các quốc gia.

Song bên cạnh đó, vẫn còn có những trở ngại. Thách thức của DN Việt Nam khi đầu tư tại các nước, trước hết là Lào và Campuchia là khả năng nắm bắt thông tin. Có Nhiều DN khi đầu tư không lường hết được những khó khăn. Các bạn biết đấy, hình ảnh của các DN Việt Nam khi đầu tư ở nước ngoài sẽ tác động đến hình ảnh của Việt Nam, hình ảnh của nền kinh tế Việt Nam và hàng hóa Việt Nam.

Vì vậy, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hay các tổ chức xúc tiến thương mại khác cũng muốn các DN tiên phong chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà đầu tư.

Nếu DN không đáp ứng những yêu cầu về môi trường, an sinh xã hội thì rất dễ dẫn đến những tranh chấp như vụ Global Witness từ những năm 2013, 2014. Khi họ dùng những giá trị đó ép vào giá đường hay cao su của chúng ta thì DN sẽ chịu thiệt hại.

Ngoài ra, các nông sản Việt Nam như đường hay cao su khi bán tại các thị trường quốc tế cũng bị áp đặt theo các tiêu chuẩn khác. Chính vì vậy, DN phải chú trọng đến các giá trị bền vững hơn để không chỉ là những giá trị xã hội cũng như lợi ích của DN được đảm bảo mà hàng hóa Việt Nam cũng không bị mang tiếng xấu.

Ông Đậu Anh Tuấn.

Thời gian qua, nguồn tin từ các Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam ở các nước cho biết, không ít DN Việt đã sang nước ngoài đầu tư một cách “âm thầm” và đã bị “cò” lừa bằng những dự án ảo. Theo ông, DN Việt cần phải làm gì để tránh rơi vào bẫy những dự án “ma” khi đầu tư ra nước ngoài?

- Đúng là có thực trạng như vậy. Một số DN Việt khi sang làm ăn ở nước ngoài, do không tìm hiểu kỹ đã bị sập bẫy những dự án “có mà không có” hoặc những dự án có nhưng lại là tên một chủ khác…

Một phần của thực trạng này là lỗi ở DN chúng ta. Bởi vậy, các DN Việt Nam đừng quá ngây thơ về pháp luật các nước. Không phải cứ được một người gật đầu đồng ý là dự án đó có thể được vận hành ngay.

Kể cả khi đã có hẳn quyết định giao đất, những chưa chắc đã triển khai được vì tính chất sở hữu đất đai của các nước khác nhau, quy định pháp luật cũng khác nhau, sự tuân thủ pháp luật của các nước cũng khác với mình...

Chính vì vậy tôi muốn nhấn mạnh, DN Việt phải hơn ai hết phải am hiểu rất rõ phong tục tập quán, thông lệ các nước, đó là những yếu tố rất quan trọng giúp DN nắm bắt tường tận về dự án mà mình nhắm đến.

Nhiều DN Việt Nam đã bị thiệt hại rất lớn chỉ vì không nắm được những những yếu tố căn bản trên và để lại những bài học lớn cho các DN khi sang đầu tư ở nước ngoài.

Ngoài ra, các DN Việt khi sang đầu tư nước ngoài cần lưu ý chủ động thông báo với cơ quan quản lý, các Tham tán thương mại Việt Nam ở các nước sở tại để nếu có rủi ro thì đây chính là nơi có thể giúp các DN giải quyết được các rủi ro đó.

Theo ông, đâu là ngành, lĩnh vực nào các DN Việt có thể đầu tư hiệu quả nhất khi vươn ra quốc tế, đặc biệt là trong khối ASEAN?

- Thời gian qua, tình hình đầu tư của các DN Việt không thực sự thuận lợi như mong muốn. Hiện các DN Việt đang đầu tư vào một số lĩnh vực như đường, cao su, đang gặp khó khăn. Song tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, về lâu dài, đây là những lĩnh vực giàu tiềm năng đối với các DN Việt, vì nông nghiệp vẫn luôn là lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư ra nước ngoài: 'Ngây thơ' sẽ thiệt thòi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO