Điểm đến cuối tuần: Lặng lẽ đảo Hải Tặc

Minh Duy 15/10/2017 07:00

Gây tò mò ngay từ tên gọi, quần đảo Hải Tặc (Kiên Giang) giữ nguyên vẻ hoang sơ, người dân hiền hòa và trở thành điểm đến yêu thích của người ưa mạo hiểm.

Từ thời Pháp thuộc, quần đảo này khét tiếng với nhiều câu chuyện liên quan đến nạn cướp biển. Nơi đây từng là hang ổ của các toán cướp biển chuyên phục kích, thực hiện đánh cướp tàu thuyền qua lại, gây nên nỗi sợ hãi cho nhiều ngư dân. Từ đó, hòn đảo này mang tên Hải Tặc.

Chưa được đầu tư phát triển du lịch, quần đảo Hải Tặc không nổi tiếng như các điểm đến Bình Ba, Bình Hưng, Lý Sơn, Nam Du hay Cù lao Chàm, nhưng tới đây du khách lại có được cảm giác yên ả, một mình một cõi. Người dân nơi đây cho hay, tên gọi của quần đảo do nơi đây từng là căn cứ của cướp biển vào khoảng cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18.

Hồi đó trên đảo này có đảng cướp “Cánh Buồm Đen”. Bọn cướp chủ yếu “đánh” những tàu buôn đi ngang vịnh Hà Tiên - Rạch Giá. Trên cột buồm của tàu “Hải Tặc” thường treo cây chổi có ý quét sạch tàu qua lại. “Cánh Buồm Đen” hoạt động trên một vùng biển rộng lớn của vịnh Thái Lan… Đến bây giờ, người ta vẫn đồn râm ran về một kho báu được bọn cướp biển chôn giấu đâu đó trên quần đảo.

Người Pháp cũng đã từng đến đây truy tìm kho báu. Quần đảo gồm nhiều hòn lớn, nhỏ như hòn Đốc, Kèo Ngựa, Kiến Vàng, Tre Lớn, Tre Vinh, Gùi, hòn Ụ, hòn Giang, Chơ Rơ, Đước Non, Bô Dập, Đồi Mồi. Trong đó, hòn Đốc (đảo Hải Tặc) là hòn lớn nhất và cũng là nơi cập cảng cho du khách.

Muốn đến quần đảo Hải Tặc, bạn có thể đi tàu cao tốc Greenlines A1 từ thị xã Hà Tiên mất 30 phút, hoặc tàu thường như Hương Xưa, Minh Nga và Bảo Thiên mất 75 phút. Theo quy định, người nước ngoài không được phép ra quần đảo Hải Tặc. Vào những ngày biển động sẽ không có tàu ra đảo. Nếu lỡ chuyến tàu cao tốc, bạn có thể đi tàu thường thời gian chừng 2 tiếng. Vừa ngồi trên tàu vừa ngắm cảnh và tìm hiểu những nét sinh hoạt của ngư dân trên biển cũng là một trải nghiệm thật thú vị.

Khi tàu cập cảng, bạn có thể đi một vòng quanh đảo bằng xe máy với giá 50.000 đồng một giờ hoặc 150.000 đồng/buổi. Cung đường ven biển đi ngang một số bãi tắm của người dân địa phương, nước cạn và trong. Đi xa chừng hơn 10 m mà nước mới tới thắt lưng. Nhiều đoạn đường vắng, cỏ lau mọc ngang vai, hoa dại nở bên đường, nhiều tán cây khô nhô ra biển tạo nên nhiều khung cảnh thật ấn tượng.

Ra đảo Hải Tặc không thể không ghé thăm tấm bia chủ quyền quần đảo được xây vào năm 1958. Gần đó là một bãi tắm nước khá nông. Từ bờ bên này của đảo có thể lội nước sang hòn Tre Vinh. Dọc đường quanh đảo, nhiều chỗ xây chòi lá cho khách tắm biển xong nghỉ dưỡng, chờ thưởng thức hải sản hay thức ăn mang theo. Ngoài ra, có một đoạn dốc dẫn lên doanh trại quân đội trên đảo. Từ đây có thể phóng mắt nhìn xa ra cảnh biển.

Có thể hỏi thăm người dân địa phương để cùng đi chọc cua, câu mực, bắt nhum. Hay thuê thuyền ra các hòn lân cận thử làm Robinson trên hoang đảo. Trên đảo có hệ thống cây sứ rừng với dây leo và bộ rễ rất đẹp, ngoài ra còn có các loại động vật như thỏ, bồ câu...

Trong hành trình khám phá quần đảo Hải Tặc, du khách sẽ được thả mình trên những bãi biển hoang sơ và thơ mộng. Bãi tắm ở đây được cho là sạch nhất khu vực Hà Tiên, nước biển luôn trong xanh như ngọc.

Cũng không khó để nhận ra cái nhìn khác lạ của người dân nơi đây bởi có vẻ chẳng mấy khi đảo đón khách lạ phương xa. Đứng từ cảng dõi mắt ra xa, các đảo nằm rải rác nhau, gần đến mức tưởng chỉ cần bơi là đến. Một vài đảo có nhà, một vài đảo như đang chờ người mang đến hơi thở.

Đi trên đảo, du khách như bị lạc giữa một thế giới khác, một thế giới yên bình và nhỏ bé, lặng lẽ giữa bốn bề biển quây quanh. Hỏi thăm một vài người dân trên đảo, nghe những câu chuyện dân gian về thời cướp biển, về kho báu đang nằm đâu đó, về những ký ức của thời khai mở, dễ nhận thấy rằng người dân thật hiền hòa, thân thiện.

Quần đảo Hải Tặc có cầu cảng, một khu chợ, trường tiểu học, trạm y tế, và các tiệm tạp hóa. Điều thú vị khi dạo quanh đảo mà khó có nơi du lịch nào khác có thể giữ được đó là nét hoang sơ. Ở đây rất khó có thể tìm ra một quán phục vụ cho khách du lịch một cách đúng nghĩa.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có thể lặn bắt nhum biển chỉ cách bờ chừng 5 đến 10 mét, hay có thể ngắm những chú cá với đầy đủ sắc màu ẩn mình trong những rặng san hô xanh mướt. Hoặc cũng có thể bạn sẽ thích thú khi được người dân dẫn lên các nhà bè nuôi các loại ốc tô và hải sản, dạo một vòng trên biển để câu mực đêm và nướng ăn trực tiếp ngay khi vừa câu lên. Đảo hiện chưa có nhà nghỉ, khách sạn.

Tại đây người dân xây phòng trọ cho khách nghỉ qua đêm với giá 50.000 đồng một người (loại phòng 2-4 người). Đối với phòng ngủ tập thể 10 người có giá rẻ hơn. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn đem lều để tự cắm trại trên bãi biển.

Lưu ý, trên đảo nước ngọt và điện thiếu thốn. Người dân dùng máy phát điện không liên tục, chỉ tới 9h tối là tắt toàn bộ. Nếu muốn trải nghiệm cuộc sống ngư dân trên đảo thì có thể xin ngủ lại nhà dân.

Nét nhẹ nhàng, hiền hòa mang lại cảm giác sống chậm mà không kém phần thi vị khi du khách được trải nghiệm sự gần gũi với thiên nhiên tại đảo Hải Tặc.

Từ TPHCM đi Hà Tiên khoảng 350 km, thời gian di chuyển mất 7-8 giờ
Xe khách: Du khách có thể tới các văn phòng nhà xe chạy tuyến TPHCM - Hà Tiên hoặc bến xe miền Tây để đón xe, điểm dừng là bến xe Hà Tiên. Các hãng có thể tham khảo là: Phương Trang, Kumho, Nguyên Dũng.... Giá vé khoảng 170.000 - 200.000 đồng, tùy loại ghế ngồi hay giường nằm.
Phương tiện cá nhân: Nếu di chuyển bằng ô tô riêng hay xe máy có thể đi theo hai cung đường sau:
Cung 1: Từ TPHCM chạy quốc lộ 1 về miền Tây, qua cầu Mỹ Thuận rẽ phải theo quốc lộ 80 hướng đi Sa Đéc. Tiếp đó qua phà Vàm Cống sang Long Xuyên, An Giang, rồi chạy xe theo quốc lộ 91 để về Châu Đốc. Từ đây đi dọc theo kênh Vĩnh Tế để về Hà Tiên.
Cung 2: Từ TPHCM đi theo quốc lộ 1, đến địa phận Long An rẽ phải theo quốc lộ 62 (hướng đi cửa khẩu Bình Hiệp, Mộc Hóa). Sau đó, chạy dọc đường sát biên giới Việt Nam - Campuchia để đi Hồng Ngự, Tân Châu, Châu Đốc, Hà Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm đến cuối tuần: Lặng lẽ đảo Hải Tặc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO