Doanh nghiệp giải thể tăng

H.Hương 29/03/2016 08:15

Số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động trong quý đầu năm 2016 tăng 23% so với cùng kỳ, cho thấy những chỉ số “sức khỏe” nền kinh tế có phần lo ngại. Đó là con số được Tổng cục Thống kê đưa ra mới đây.

Doanh nghiệp giải thể tăng

Ảnh minh họa.

Trong 3 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc khó khăn tạm ngừng hoạt động lại tăng mạnh, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 20.044 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2016 của cả nước là 2.919 doanh nghiệp, tăng 16,5% so với quý IV-2015 và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 20.044 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, việc doanh nghiệp rút lui, hay gia nhập thị trường là điều bình thường, đó là đặc điểm tự nhiên của nền kinh tế. Cơ quan quản lý cũng nhận định, trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì việc doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả và phải giải thể là khó tránh khỏi. Khi nhiều doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, đồng thời, một lượng lớn doanh nghiệp khác phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, từ đây cho thấy thị trường có sự sàng lọc khắc nghiệt. Những doanh nghiệp nào vượt qua được giai đoạn khó khăn này sẽ trụ vững và phát triển, khai thác được cơ hội đang rộng mở.

Tuy nhiên, nhìn vào số lượng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể mỗi năm một tăng đặt ra nhiều quan ngại về mức độ hội nhập của doanh nghiệp. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Trần Đình Thiên chia sẻ, số lượng doanh nghiệp đóng cửa là một chỉ số quan trọng. Doanh nghiệp đăng ký thành lập chỉ mang tính khai báo, “đăng ký” nhưng chưa hẳn đã thành lập. Còn doanh nghiệp khai tử mới là con số thực tế.
Như vậy, số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn ngày càng tăng theo thời gian. Năm 2015, số doanh nghiệp đóng cửa vẫn tăng 22,4% so với 2014. 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp khó khăn còn tăng mạnh. “Thách thức khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đang dần hiện rõ” – ông Thiên bình luận.

Trái ngược với cái khó của doanh nghiệp nội, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phát huy. Trong 3 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,03 tỷ USD, tăng 119% so với cùng kỳ 2015. Riêng vốn cấp mới đạt 2,7 tỷ USD, tăng 125%. Tổng số dự án được cấp chứng nhận và tăng vốn là 676, tăng mạnh so với gần 370 cùng kỳ.

Ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia bày tỏ lo ngại khi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, mức độ tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI, trong khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm.

“Nền kinh tế chúng ta có độ mở cực kỳ cao nhưng FDI chiếm 60 - 70% trong kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy những chính sách vĩ mô hiện nay chưa thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp trong nước để tác động đến việc thay đổi kinh tế. Doanh nghiệp của ta ngày càng nhỏ đi về tầm vóc, quy mô. “Ra trận” mà lại càng nhỏ đi trong khi đòi hỏi quy mô cần phải lớn hơn thì chúng ta chiến đấu như thế nào? Việc tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế thời gian qua vẫn chưa rõ và Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ hì hục tháo gỡ những khó khăn mang tính ngắn hạn”, TS Trần Đình Thiên nhìn nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp giải thể tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO