Doanh nghiệp lơ là đăng ký sở hữu trí tuệ

Thanh Giang 11/10/2019 08:00

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa hiện nay, thị trường Việt Nam dần trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, DN Việt Nam cũng gia tăng tìm hiểu, tiếp cận thị trường trong khu vực cũng như trên thế giới. Do đó, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trở thành một yêu cầu cần thiết.

Doanh nghiệp lơ là đăng ký sở hữu trí tuệ

Các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến việc đăng kí sở hữu trí tuệ. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong 6 tháng đầu năm, Cục tiếp nhận 55.047 đơn các loại, trong đó có 34.047 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018). Mặc dù số đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có tăng nhưng chưa nhiều. Thực tế cho thấy DN Việt chưa thật sự chú ý đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. Rõ ràng, tình trạng chậm chạp đăng ký kiểu dáng công nghiệp gây ra hệ lụy không tốt trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Không ít DN phải cố gắng đấu tranh trong nhiều năm nhằm giành lại “đứa con thai nghén”. Đơn cử là cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc,… Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN lơ là đăng ký sở hữu trí tuệ. Cụ thể, DN không để ý đến tầm quan trọng của việc đăng ký kiểu dáng sản phẩm, tuổi thọ kiểu dáng được cấp rất ngắn trong khi nộp hồ sơ đăng ký mất nhiều thời gian.

Vừa lơ là trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước, DN Việt vừa chậm chạp đăng ký bảo hộ ở nước ngoài mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao trong những năm gần đây. Tại Nhật Bản, từ năm 2015 tỉ lệ nộp đơn xin đăng ký kiểu dáng tăng lên theo Thỏa ước LaHay về đăng ký quốc tế đối với kiểu dáng công nghiệp, do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý. 50% đơn nộp tại Nhật là của công ty nước ngoài. Điều đó cho thấy Thỏa ước LaHay đã thu hút doanh nghiệp nước ngoài tham gia cấp bằng sáng chế. Việt Nam cũng tham gia Thỏa ước này nhưng ghi nhận tại thị trường Nhật thì đơn xin đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm của Việt Nam chưa nhiều.

Trước đó, thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ cũng chỉ rõ, số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của DN Việt Nam ở nước ngoài chiếm tỷ lệ rất ít. Ví dụ, tại Hoa Kỳ có 10 kiểu dáng được đăng ký, Liên minh châu Âu 166 kiểu dáng. Trong đó, các hồ sơ nộp đăng ký sở hữu trí tuệ chủ yếu là xe cộ, máy móc, thiết bị điện và điện tử, chai lọ, chén bát.

Ông Manabu Niki – Trưởng phòng Bộ phận Hợp tác quốc tế, Cơ quan sáng chế Nhật Bản cho rằng, ý tưởng là tài sản vô hình tạo nên sản phẩm. DN phải đăng ký sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ thành quả sáng tạo. Theo đại diện Nhật Bản, hoạt động bảo hộ trước đây chỉ tập trung vào từ ngữ. Hiện nay công tác này chuyển dần sang bảo hộ âm thanh, hình ảnh, màu sắc.

Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định: “Công nghiệp 4.0 làm cho thế giới phẳng hơn, nhỏ hơn, quan hệ với nhau mật thiết hơn. Đây chính là cơ hội để DN đổi mới sáng tạo từ đó đưa kinh tế cả nước đi lên. Tuy nhiên, muốn ổn định và phát triển bền vững doanh nghiệp nên chủ động đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm”.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, các đơn sáng chế thuộc lĩnh vực công nghệ thông minh, trong đó phần lớn thuộc về cách mạng công nghệ lần thứ 4 sẽ tăng lên nhanh chóng. Năm 2016 có hơn 5.000 đơn sáng chế liên quan đến internet vạn vật được nộp tại Cơ quan sáng chế châu Âu, đạt tốc độ tăng trưởng 54% chỉ trong 3 năm 2014 - 2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp lơ là đăng ký sở hữu trí tuệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO