Đồng bằng sông Cửu Long: Vui, buồn nông dân

Quốc Trung – Hồng Diễm 26/03/2020 08:00

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối diện với thiên tai kép, đời sống của người dân theo đó cũng có những trạng thái khác nhau. Trong khi nhiều nông dân trồng lúa vui mừng vì lúa được mùa, được giá thì nhiều người nuôi trồng thuỷ sản lại đang “khóc ròng”…

Đồng bằng sông Cửu Long: Vui, buồn nông dân

Giá cá tra giảm, người dân chồng chất khó khăn.

Vụ đông xuân giá lúa cao nhất từ trước tới nay

Đây là giai đoạn cuối thu hoạch vụ lúa đông xuân ở khu vực ĐBSCL. Ghi nhận thực tế các cánh đồng lúa ở các tỉnh như Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, những nơi nằm trong khu vực đê bao của địa phương năm nay trúng mùa, giá lúa cao hơn năm trước từ 600 đến 900 đồng/1kg.

Ở TP Cần Thơ, ghi nhận tại huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, những ngày qua lúa tươi Jasmine 85 và Đài Thơm 8 được thương lái thu mua tại ruộng ở mức khá cao từ 5.200 đến 5.500 đồng/kg, trong khi đó so với cùng kỳ năm ngoái giá chỉ ở mức 4.800 đến 4.900 đồng/kg. Không chỉ giá lúa chất lượng tăng mà giá lúa trung bình như lúa tươi IR50404 và các loại lúa OM như OM 5451, OM 9577, OM 9582… hiện được thương lái thu gom tại ruộng cũng với mức giá khá cao từ 5.000 đến 5.300đồng/kg, với giá này tăng từ 600 đến 900 đồng/kg so với cùng kỳ.

Ông Trương Văn Tặng, ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết vụ đông xuân này gia đình ông trồng 1,5 ha lúa IR 50404, năng suất đạt 12 tấn/ha. Khi vừa thu hoạch xong là có thương lái đến tận ruộng mua với giá 5.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 34 triệu đồng/ha, cao nhất từ trước đến nay.

Còn anh Nguyễn Minh Hải, ngụ tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang phấn khởi nói: “Gia đình tôi đang thu hoạch 1,6ha lúa, giống OM 5451 năng suất đạt 1 tấn/công, lúa bán được 5.000 đồng/kg. Tính ra vụ này lãi trên 20 triệu đồng… “.

Vụ lúa đông xuân 2019-2020, toàn vùng ĐBSCL xuống giống khoảng 1,6 triệu ha, năng suất đạt từ 8 đến 12 tấn/ha, cao hơn 1 đến 2,5 tấn/ha so với các vụ đông xuân trước đây.

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu được hơn 900 ngàn tấn gạo, đạt trên 430 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ.

Giá cá tra giảm mạnh

Trong khi người trồng lúa vui mừng vì vụ đông xuân được mùa, được giá thì những người nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là cá tra lại đang gặp rất nhiều khó khăn vì hạn mặn và dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thủy sản Gò Đàng, Tiền Giang, cho biết, mặn năm nay về sớm, kéo dài và duy trì mức cao. Nhiều sông ở Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang có độ mặn từ 4 đến 25‰ khiến cá tra bị tuột nhớt, bỏ ăn, nổ mắt… chết khá nhiều. Người nuôi dù biết nhưng rất khó phòng tránh.

Báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre cho thấy nước mặn tấn công làm 22ha nuôi cá tra ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, bị thiệt hại 3 đến 4%; ngoài ra, còn có 214ha cá tra ở huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm bị ảnh hưởng.

Ghi nhận các địa phương có truyền thống nuôi cá tra, giai đoạn này ngành cá tra đang phải đối mặt với khó khăn kép, hạn mặn khiến nguồn nước kém chất lượng làm thiệt hại về sản lượng, mặt khác dịch bệnh Covid-19 khiến tình trạng xuất khẩu bị đình trệ khiến giá cá tra tuột dốc.

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc thông tin, tháng 1/2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang một số thị trường lớn giảm mạnh cụ thể xuất sang Trung Quốc chưa được 17 triệu USD, chỉ chiếm 16% tổng giá trị và giảm hơn 55% so cùng kỳ. Cũng trong tháng 1-2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU giảm gần 51%; ASEAN giảm 42,8%; Brazil giảm 44%; Nhật Bản giảm 45%... Gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Âu, châu Á… làm tăng thêm khó khăn cho đầu ra của cá tra.

Đại diện một doanh nghiệp cá tra ở An Giang - Công ty CP Nam Việt nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang bị giảm sản lượng 30 đến 40%, từ đó khiến việc tồn kho rất nhiều, tốn kém thêm chi phí bảo quản, chôn dòng vốn hoạt động, kinh doanh không hiệu quả… Khó khăn nhiều phía đang bủa vây các doanh nghiệp cá tra.

Trước những khó khăn của ngành cá tra, mới đây, trong chuyến khảo sát thực tế về tình hình tiêu thụ lúa và cá tra trên địa bàn, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, cho biết, đây là dịp để tỉnh cơ cấu lại sản xuất theo hướng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Nông dân, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về những gì mình sản xuất ra, sản phẩm làm ra phải đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự “giải cứu” của Nhà nước, hướng tới sự chủ động trong khâu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nhất là 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh là lúa và cá tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Vui, buồn nông dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO