Dự án BT và 'tảng băng chìm' - Bài cuối: Không để phát sinh tiêu cực ở BT

Duy Phương (thực  hiện) 29/09/2017 09:50

Những góc khuất của các dự án BT đã được Thanh tra Chính phủ phanh phui, trên thực tế, nếu minh bạch trong đầu tư, thì sẽ khó có chuyện xảy ra tiêu cực. Làm sao để các dự án BT phát huy hiệu quả, không trở thành mảnh đất màu mỡ của tiêu cực, của lợi ích nhóm, Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam xoay quanh nội dung này.

Ông Bùi Danh Liên.

PV:Dư luận đang ồn ào và bức xúc về các dự án BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao) nhưng dường như ít ai để ý rằng, hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) cũng có những góc khuất, thậm chí còn kinh khủng hơn rất nhiều so với BOT. Ông đánh giá thế nào về các dự án BT đang xây dựng hiện nay?

Ông Bùi Danh Liên: Một thời gian BT có vẻ “chìm đi” do rơi vào thời điểm bất động sản trầm lắng, thì hiện nay lại xuất hiện rất nhiều dự án được đề xuất, đặc biệt tại Hà Nội, nhiều dự án đang xin cơ chế đặc thù để xây dựng theo hình thức này. Bao giờ cũng vậy, đối với các nhà đầu tư, lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu, do đó, sẽ khó tránh được thực trạng nhà đầu tư thấy có lợi nhuận lớn mà dễ dàng bỏ qua.

BT về thực chất là một phương thức đầu tư mang lại lợi ích lớn cho xã hội, thế nhưng do các văn bản quy định của nhà nước thiếu chặt chẽ, có nhiều kẽ hở khiến cho nhà đầu tư, DN dễ dàng lợi dụng và từ đó, đầu tư BT bị biến tướng, những dự án BT bỗng dưng trở thành “mảnh đất màu mỡ” của các nhà đầu tư.

Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để các dự án BT đạt hiệu quả cao, không bị lợi ích nhóm chi phối thì trước hết, các văn bản của CP, các quy định của cơ quan Nhà nước phải hết sức minh bạch, cụ thể, chi tiết để giám định, giám sát được suất đầu tư. Nếu suất đầu tư mà không giám sát được, nhà đầu tư cứ đề xuất lên là được phê duyệt thì sẽ không tránh khỏi những rủi ro, xảy ra lợi ích nhóm, từ đó gây ra những đổ vỡ, thất vọng.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, dự án BT cũng có những lợi ích nhất định cho quốc gia?

- Đúng như vậy! Tôi đồng ý, BT nếu làm một cách minh bạch sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho xã hội. Mà điều chúng ta thấy rõ nhất là trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nguồn ngân sách hạn hẹp thì BT chính là cách huy động vốn của nhà đầu tư để xây dựng các cơ sở hạ tầng, tạo ra những công trình phục vụ dân sinh.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tính minh bạch. Cần phải minh bạch trong suất đầu tư. Còn lâu nay, vẫn xảy ra tình trạng đất đai thu hồi thì giá rẻ như bèo nhưng thu hồi xong DN lại lại chuyển tay cho người khác, thành ra lãi mẹ đẻ lãi con, cuối cùng người dân thì mất đất, công trình lại không được xây dựng.

Theo ông, hình thức BT nên được triển khai như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên?

- Tôi nghĩ trước hết các quy định của pháp luật về đầu tư BT phải hết sức minh bạch, phải lấy ý kiến của các chuyên gia, tổ chức, nhà khoa học để xây dựng bằng được các quy chuẩn về đầu tư BT. Thứ hai, cơ quan Nhà nước phải giám sát hết sức chặt chẽ, minh bạch giá thành các công trình đó, nếu không sẽ xảy ra tình trạng “tay không bắt giặc”, lợi ích nhóm, nảy sinh những tiêu cực.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng “BT là mảnh đất màu mỡ của tiêu cực”, tôi cho không có gì là oan uổng. Chúng ta đã chứng kiến hàng loạt sai phạm ở các dự án BOT thì giờ đây, cần phải ngăn chặn đến mức thấp nhất những tiêu cực nảy sinh ở BT. Nếu còn buông lỏng, những hệ lụy sẽ rất lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt là niềm tin của dân đối với Chính phủ sẽ giảm sút.

BT ẩn chứa nhiều rủi ro, tiêu cực như vậy, tại sao bao năm qua không có một đề xuất nào cho Quốc hội để ban hành một đạo luật nhằm kiểm soát lĩnh vực này, thưa ông?

- Như chúng ta đã biết, các dự án BT không dừng lại ở đầu tư giao thông mà liên quan đến nhiều ngành như sân bay, cảng biển, các trung tâm hành chính công… Có một thực tế là, hiện nay Chính phủ chưa hoàn thiện được các văn bản quy phạm pháp luật bởi những nó có nhiều cái mới, nó liên quan đến nhiều ngành nhiều cấp nên chưa có cơ quan trình Chính phủ những cơ chế quản lý vấn đề này.

Tôi cho rằng, cần coi các dự án BOT là bài học đắt giá để chúng ta phải thức tỉnh, các cơ quan nhà nước cần chuẩn bị tốt các văn bản quy phạm pháp luật để làm sao giám sát chặt hơn các dự án BT, để BT thực sự phát huy hiệu quả của nó, để các chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ không bị nhà đầu tư làm cho méo mó, gây mất niềm tin nơi người dân, xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án BT và 'tảng băng chìm' - Bài cuối: Không để phát sinh tiêu cực ở BT

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO