EVFTA và IPA chính thức được ký kết: Chân trời mới cho sự phát triển

Minh Phương 01/07/2019 07:30

Chiều 30/6, tại Trụ sở Chính phủ, Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cùng dự buổi lễ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Về phía Liên minh châu Âu, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom; Bộ trưởng Phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp của Romania (là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU) Stefan-Radu Oprea dự lễ ký.

EVFTA và IPA chính thức được ký kết: Chân trời mới  cho sự phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Hiệp định EVFTA như hai tuyến cao tốc nối Việt Nam và EU

Tại lễ ký kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 tại Nhật ngày 29/6. "Tôi đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Khi đó ngài đã nhấn mạnh ngày 30/6 là ngày đặc biệt mang ý nghĩa lịch sử quan hệ Việt Nam - EU. Hiệp định mở ra chân trời mới cho sự phát triển của hai bên"- Thủ tướng nói.

Thủ tướng gửi lời cảm ơn các đối tác EU và đánh giá các bộ, ban ngành, các cơ quan của Chính phủ đã phối hợp với các đối tác EU trong quá trình đàm phán dẫn đến ký kết. Đây là là mốc son từ quá trình bắt đầu đàm phán và hoàn tất các thủ tục nhiều năm qua.

"EU với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam là đối tác, là quốc gia giàu tiềm năng, đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á. Việt Nam rất vui mừng hợp tác với EU, ở một nền văn minh tiên tiến, khối kinh tế phát triển, mở rộng hợp tác với 28 thành viên của EU"-Thủ tướng nhấn mạnh. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam ví hai hiệp định EVFTA và IPA như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối liền EU và Việt Nam, để hai bên tiếp cận thị trường của nhau tạo động lực để nền kinh tế hai khu vực phát triển.

Theo Thủ tướng Chính phủ, việc ký hiệp định mới chỉ là bước đầu. Việt Nam sẽ ban hành chương trình hành động quốc gia để thực thi hai hiệp định, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo, hướng đến mục tiêu xây dựng Việt Nam lớn mạnh, hùng cường.

Tăng cường quan hệ song phương

Được khởi động từ tháng 6/2012, đến cuối năm 2015, Việt Nam và EU đã kết thúc quá trình đàm phán và tích cực thực hiện công tác rà soát pháp lý nhằm tiến tới sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Đến tháng 9/2017, EU chính thức đưa ra một định dạng mới cho Hiệp định sẽ ký kết với Việt Nam. EU đã đề xuất tách FTA thành hai hiệp định độc lập là EVFTA và IPA.

Như vậy, sau 10 năm đàm phán, Việt Nam và EU đã chính thức đi đến quyết định ký kết Hiệp định tự do thương mại và bảo hộ đầu tư. Dự kiến, gần 100 dòng thuế của EU sẽ được miễn đối với hàng hóa Việt Nam.

EVFTA và IPA chính thức được ký kết: Chân trời mới  cho sự phát triển - 1

Trao đổi biên bản ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc ký kết hiệp định làm tăng cường quan hệ song phương, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế tương mại, cùng mang lại lơi ích cho cả 2 bên.

Theo Bộ trưởng Công thương, 15 năm trước, Việt Nam mới chập chững bước vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 26 tỷ USD. Việt Nam vẫn là một đối tác thương mại nhỏ, cần sự hỗ trợ của EU. 15 năm sau, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 10 lần. Và ở thời điểm này, Việt Nam cùng EU chuẩn bị một giai đoạn mới, giai đoạn của quan hệ lâu dài, cùng bình đẳng, xây dựng trên quy tắc minh bạch, thông thoáng, của một hiệp định tự do thế hệ mới.

Theo ông Trần Tuấn Anh, việc phải làm sắp tới là phê chuẩn cả hai hiệp định FTA và IPA cũng như để chuẩn bị các bước triển khai hiệu quả cho cả người dân và doanh nghiệp hai bên. “Chặng đường tới đòi hỏi nỗ lực của Liên minh châu Âu, hy vọng các cơ quan liên quan của EU sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn để hai hiệp định EVFTA và IPA có hiệu lực”- Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh.

Hiện thực hóa những cơ hội

Cũng đánh giá cao những lợi ích và cơ hội khi EVFTA và IPA có hiệu lực, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến một số thách thức còn ở phía trước đó là thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam... Do vậy, để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các hiệp định này, cùng với những những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và toàn nền kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh.

Theo đó Chính phủ sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và một số Luật về thuế... nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò, tiềm năng của các nhà đầu tư EU về vốn, công nghệ, trình độ quản lý... Do vậy, Chính phủ Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng, việc ký kết IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU. Ngoài ra, IPA giúp tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới. “Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

EVFTA và IPA chính thức được ký kết: Chân trời mới  cho sự phát triển - 2

Nêu lên quan điểm của mình khi EVFTA được thực thi, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom nhắc đến câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”- một câu tục ngữ của Việt Nam nhằm gửi lời cảm ơn mọi đối tác Việt Nam đã tham gia đàm phán từ những ngày đầu để giúp EVFTA đi đến hoàn thiện. “Mọi người tiêu dùng, người lao động và doanh nghiệp hai bên đều sẽ hưởng lợi”- bà Cecilia Malmstrom nói.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020. Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên 42,7% và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu. Cụ thể, nhập khẩu hàng hóa từ EU sẽ tăng khoảng 15,28% vào năm 2020. Đến năm 2025 sẽ tăng thêm 33,06% và năm 2030 tăng 36,7%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    EVFTA và IPA chính thức được ký kết: Chân trời mới cho sự phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO