Khi doanh nghiệp làm 'phép cộng'

H.Vũ (thực hiện) 09/12/2019 07:00

Vừa qua, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) đã sáp nhập để thành lập một tập đoàn hàng tiêu dùng bán lẻ lớn; kỳ vọng cú bắt tay giữa các “ông lớn” sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong bối cảnh nhiều chuỗi phân phối hàng tiêu dùng bán lẻ đang rơi vào tay các tập đoàn của nước ngoài. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trong tương lai cần có những chính sách hợp lý để hỗ trợ cho những “phép cộng” lan tỏa mạnh hơn.

Khi doanh nghiệp làm 'phép cộng'

Ông Vũ Vinh Phú.

PV: Thưa ông, Vingroup và Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Là chuyên gia kinh tế, cá nhân ông đánh giá như thế nào về “cái bắt tay lịch sử này?

Ông Vũ Vinh Phú: Cái “bắt tay lịch sử” trong những ngày cuối năm 2019 giữa VinCommerce và VinEco với Tập đoàn Masan là một phép cộng đẹp giữa các doanh nghiệp Việt với nhau. Vingroup là một tập đoàn mạnh về bất động sản, công nghiệp và bán lẻ, trong đó nhiều năm gần đây riêng mảng bán lẻ đã phát triển nhanh chóng bao gồm 2.600 siêu thị và cửa hàng tự chọn trên thị trường Việt Nam. Mặt khác Vingroup còn tập trung cho VinEco sản xuất rau quả sạch để cung cấp cho chuỗi bán lẻ của mình. Tập đoàn này gần đây đã công bố việc chuyển hướng để trở thành một tập đoàn công nghiệp, công nghệ thương mại dịch vụ với định hướng trên thì họ đã nhường mặt trận bán lẻ và sản xuất nông nghiệp sạch cho Masan cũng là dễ hiểu. Đó là cách để Vingroup tránh đầu tư dàn trải, tập trung vào những mặt trận cốt lõi của mình trong những năm tới.

Còn đối với Masan với tư cách là một tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn, hiện nay lại đầu tư mạnh mẽ thêm vào lĩnh vực chăn nuôi sạch như Meat Deli thì việc tiếp thu mạng lưới rộng lớn của Vingroup sẽ “chắp thêm cánh” cho họ bay cao hơn. Họ sẽ tạo thế vững chắc cho việc sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Sự cộng tác giữa các DN Việt với nhau là một điều rất đáng khích lệ bởi trong hoàn cảnh hiện nay các DN Việt đang yếu về nhiều mặt, rất cần sự liên kết hợp tác để tạo thành sức mạnh tổng hợp nâng cao năng lực cạnh tranh với các DN FDI.

Nhưng cái mà người tiêu dùng quan tâm chính là việc được hưởng lợi gì từ việc sáp nhập. Vậy theo ông việc “bắt tay” này người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi gì?

-Phép cộng này nếu hợp tác làm ăn hiệu quả sẽ đem lại nhiều cái lợi trước hết cho các DN Việt. Đồng thời Việt Nam sẽ có thêm những tập đoàn phân phối mạnh để xây dựng một nền công nghiệp bán lẻ Việt Nam trong tương lai, các tập đoàn này sẽ đủ sức để dẫn dắt thị trường bán lẻ. Bởi nếu không có tập đoàn Việt mạnh mẽ và các DN Việt lần lượt bị thôn tính sáp nhập thì tương lai bán lẻ Việt sẽ đi về đâu? Chúng ta biết rằng để mất thị trường phân phối bán lẻ sẽ mất cả sản xuất, khả năng đi làm thuê cho các DN nước ngoài là một điều tất yếu. “Phép cộng” sẽ đem lại những hàng hóa Việt do người Việt Nam sản xuất có thương hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm để phân phối rộng khắp các mạng lưới mà chúng ta chiếm lĩnh để phục vụ cho người tiêu dùng, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Từ việc sáp nhập trên, theo ông, về lâu dài Nhà nước cần có những chính sách nào để khuyến khích cũng như tạo thuận lợi cho việc hình thành các tập đoàn bán lẻ mạnh trong phân phối, qua đó giúp hàng trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo?

-Sáp nhập giữa hai đơn vị quả là một cuộc trưởng thành khó khăn, song để giữ vững sự hợp tác lâu dài giữa 2 tập đoàn có thể còn khó khăn gấp bội. Nó đòi hỏi lãnh đạo 2 đơn vị và các công ty thành viên ở dưới cần phải chung sức, chung lòng bồi đắp cho sự phát triển, cho “phép cộng” ngày càng tươi sáng hơn, hiệu quả hơn. Tôi thiết nghĩ Nhà nước cần có những chính sách hợp lý, tất nhiên là không vi phạm những cam kết quốc tế về thương mại, để hỗ trợ cho những “phép cộng” lan tỏa mạnh hơn trên đất nước Việt Nam. Những “phép cộng” này sẽ tạo ra một cộng đồng sản xuất và DN Việt ngày càng đoàn kết hơn, mạnh mẽ hơn góp phần vào sự nghiệp xây dựng một nền công nghiệp bán lẻ Việt Nam đủ sức cạnh tranh ngay ở thị trường nội địa, từng bước vươn ra thị trường thế giới.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi doanh nghiệp làm 'phép cộng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO