Lãi suất huy động USD 0%: Doanh nghiệp kêu khó

H.Hương 28/05/2016 11:07

Đưa lãi suất huy động USD về 0%, siết lại đối tượng doanh nghiệp vay ngoại tệ là hai trong nhiều giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhằm chống đôla hóa nền kinh tế, đồng thời giảm một phần áp lực tỷ giá nếu có. Thế nhưng, tác dụng phụ của chính sách này đang gây trở ngại cho doanh nghiệp, gián tiếp làm tăng tình trạng đôla hóa.

Lãi suất huy động USD 0%: Doanh nghiệp kêu khó

Ảnh minh họa.

Lãi suất thấp, giá hàng hóa tăng cao

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, trong một kiến nghị gửi lên Thủ tướng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tập hợp đã thẳng thắn cho rằng: Quý II/2016 này, nếu dừng chính sách cho vay ngoại tệ đối với DN xuất khẩu thì DN không thể cạnh tranh được, DN mất thị trường. Lý do được đưa ra, DN không được vay vốn bằng USD, mà chuyển sang vay vốn bằng VNĐ, trong khi lãi VNĐ gấp đôi lãi USD, đẩy chi phí hàng hóa tăng lên, hàng khó bán do giá cao. Do vậy, rủi ro khối DN xuất khẩu là dễ thấy, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng và đóng cửa sẽ đẩy người lao động ra ngoài, tìm việc mới.

Cộng đồng DN tỉnh Sóc Trăng dẫn chứng, lãi cho vay VNĐ hiện nay là 7% cho DN xuất khẩu, và 9% - 10,5% đối với vay trung dài hạn trong khi vay ngoại tệ bằng USD vốn ngắn hạn từ 2,5% - 5%. Thậm chí bây giờ còn không được vay vốn ngoại tệ nữa.

Từ đó, Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng tha thiết đề nghị Chính phủ và NHNN xem xét lại cho hợp tình hợp lý đảm bảo duy trì hoạt động, tránh giải thể phá sản hàng loạt DN xuất khẩu như trước đây. Theo đó, DN xuất khẩu vay ngoại tệ thì ngoại tệ đó lại bán ngay cho tổ chức tín dụng và cam kết đảm bảo cho vay khi có dòng tiền. Đối với những DN lợi dụng vay USD, đổi ra VNĐ, để gửi VNĐ trục lợi thì tổ chức tín dụng cho vay phải kiểm soát dòng vốn của DN đó. Không nên vì trường hợp số ít mà bỏ luôn một chính sách tốt sẽ làm ảnh hưởng giảm năng lực cạnh tranh của DN.

Thực ra, việc NHNN hạn chế cho DN xuất khẩu vay ngoại tệ là để nhằm giảm tín dụng ngoại tệ. Bởi theo lý thuyết nếu tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ, thì việc đôla hóa nền kinh tế tiếp tục gia tăng, đồng nghĩa với việc về lâu dài DN sẽ chịu nhiều rủi ro tỷ giá. Bằng một số giải pháp, NHNN đã chính thức siết lại vốn ngoại tệ tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN. Và khi triển khai trong thực tế nhiều nhóm DN bị ảnh hưởng. Trong đó nhiều nhất là có lẽ là các DN xuất khẩu nông - lâm - thủy sản. Giữa bối cảnh xuất khẩu nông lâm thủy sản ngày một khó hơn, thì việc siết lại vốn ngoại tệ cũng cần được cân nhắc lại.

TS Nguyễn Đức Hưởng- đại diện Ngân hàng LienViet Postbank cũng cho rằng tại thời điểm này, với thực trạng khó khăn chung của các DN, nhất là trong hoạt động xuất khẩu, yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay là cần thiết, việc mở lại tín dụng ngoại tệ sẽ “chia lửa” cho lãi suất VND.

Lãnh đạo một DN xuất khẩu trong lĩnh vực mây tre đan ở Thường Tín, Hà Nội thẳng thắn nói với PV Đại Đoàn Kết rằng, nếu NHNN chấm dứt cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với DN xuất khẩu, thì các DN buộc phải tìm đến ngoại tệ trên thị trường. Như vậy, càng gia tăng đôla hóa. Còn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho rằng, hiện nay Nhà nước đã và đang có chủ trương khuyến khích các DN sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, gia tăng xuất khẩu. DN không còn được vay ngoại tệ với lãi suất từ 2-2,5%/năm mà quay trở lại chủ yếu vay vốn bằng VNĐ với lãi suất cao hơn từ 6,0-6,5%/năm. Điều này, không chỉ làm giảm đi sức cạnh tranh của các DN mà đồng thời tạo khoảng cách xa hơn trong lợi thế cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI khi họ có được các khoản vay hoặc nguồn vốn bằng ngoại tệ.

Lãi suất thấp đi cùng thách thức mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu

Cũng nằm trong nỗ lực chống đôla hóa, NHNN đã áp dụng trần lãi suất huy động USD bằng 0%/năm với tổ chức từ tháng 9-2015 và với cá nhân từ tháng 12-2015. Ghi nhận trên thị trường ngoại tệ cho thấy, tỷ giá đến nay có phần ổn định, nhưng đồng thời cũng xuất hiện nhiều diễn biến đáng chú ý.

Cập nhật thông tin ngày 27-5 cho biết, tại các ngân hàng thương mại, giá USD niêm yết ở mức 22.340 - 22.410 VND/USD (mua vào - bán ra). Tại ngân hàng BIDV giá USD tại ngân hàng này thời điểm 8 giờ 35 phút cũng được niêm yết ở mức 22.330 - 22.400 VND/USD (mua vào - bán ra). Thế nhưng, điều này cũng không dẫn đến những cảm xúc vội mừng, mà ẩn sau đó là nhiều thách thức mới.

TS Trương Văn Phước- Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chỉ ra một vấn đề rất đáng lo về thanh khoản ngoại tệ, đó là kỳ hạn. Trước đây, khi còn được ngân hàng trả lãi, người dân thường gửi USD với kỳ hạn ít nhất 1 - 3 tháng. Tuy nhiên, từ khi NHNN áp dụng lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0%, hầu hết các khoản tiền gửi tiết kiệm đều chuyển về lãi suất qua đêm. Như vậy, hàng triệu USD được gửi trong hệ thống ngân hàng có thể được rút ra bất cứ lúc nào. Điều này gây ra áp lực thanh khoản ngoại tệ.

Một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (Vepr) từng cho rằng, khi lãi suất USD 0%/năm đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ và gây ra hiện tượng chảy máu ngoại tệ, cụ thể là tiền gửi nước ngoài gia tăng đột biến (7,3 tỷ USD). Điều này vô cùng bất cập trong bối cảnh nhiều ngân hàng trong nước phải vay ngoại tệ từ nước ngoài với lãi suất cao.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, mục tiêu của NHNN là chống đôla hóa, hướng người dân tăng niềm tin vào VNĐ, người dân sẽ bán ngoại tệ để lấy tiền đồng để gửi vào ngân hàng và đây là cơ hội để giảm lãi suất huy động. Thế nhưng, mục tiêu nào cũng có khó khăn và tác dụng phụ.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), lộ trình chống đôla hóa vừa qua là “hơi nhanh” và nên cân nhắc lại một số giải pháp, trong đó có giải pháp đưa lãi suất tiết kiệm về 0%/năm với USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãi suất huy động USD 0%: Doanh nghiệp kêu khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO