Liên kết để bứt phá

Duy Khang (ghi) 15/06/2017 08:35

Chính phủ đang rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng DN Việt. Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, thay đổi môi trường kinh doanh, thể chế kinh doanh theo cơ chế thị trường cũng như thay đổi cung cách quản lý theo yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế sẽ là những yếu tố quyết định để thúc đẩy nâng cao năng lực cho cộng đồng DN.

PGS.TS Phạm Tất Thắng.

PGS.TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương: Nhiều điểm nghẽn cần giải tỏa

Thời gian qua, môi trường kinh doanh thật sự đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Nghị quyết 35 và 19 của Chính phủ đã giúp gỡ bỏ được khá nhiều rào cản về thủ tục hành chính, giảm thiểu những bức bối, khó khăn cho cộng đồng DN. Tuy nhiên, tôi cho rằng, những chuyển biến về thực chất chưa nhiều. Vẫn có những sự việc chỉ khi có ý kiến Thủ tướng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, đơn cử như vụ Cà phê Xin chào, phải đích thân Thủ tướng Chính phủ trực tiếp xuống tận nơi, mọi khúc mắc mới được giải tỏa…

Đây là vấn đề đáng lưu tâm, cần phải điều chỉnh, tức là các cơ quan chức năng cần căn cứ vào chức năng, quyền hạn của mình đã được quy định trong luật pháp để chủ động giải quyết những khúc mắc trong môi trường kinh doanh ở địa phương và hướng về DN để làm thế nào tạo ra cơ hội thuận lợi cho DN làm theo pháp luật.

Trên thực tế, cần phải thừa nhận các bộ, ngành đã rất nỗ lực trong việc gỡ bỏ các thủ tục hành chính, những quy định khắt khe là gánh nặng cho hoạt động của DN, đơn cử như việc Bộ Công thương gỡ bỏ Thông tư 37 về dệt may, hay giảm bớt nhiều quy định về kinh doanh khí gas... Song nhiều DN vẫn rất khổ tâm khi cho rằng, họ vẫn phải đón rất nhiều đoàn kiểm tra trong một năm, hay những chi phí bôi trơn, chi phí ngầm vẫn đang hành DN. Rõ ràng, đây vẫn là những nút thắt trong môi trường kinh doanh hiện nay. Tôi cho rằng, dư luận xã hội cần tiếng nói của DN nhiều hơn, cần những phản ứng mạnh mẽ hơn để làm sao loại bỏ được hết những điểm nghẽn đó trong môi trường kinh doanh.
Một năm qua, cộng đồng DN cũng đã rất phấn khởi vì được Chính phủ quan tâm hơn, trực tiếp giải quyết một số những hiện tượng “ăn hiếp” của một số cán bộ quản lý đối với DN, hoặc động thái hình sự hóa một số hoạt động kinh tế, đây là những động thái cho thấy, cộng đồng DN nhỏ và vừa, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng hơn. Song, cá nhân tôi thấy những sự việc đó còn mang tính chất nhỏ lẻ. Đã đến lúc cần phải thay đổi môi trường kinh doanh, thể chế kinh doanh theo cơ chế thị trường cũng như thay đổi cung cách quản lý theo yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ: Nhiều liên kết nhỏ sẽ thành sản xuất lớn

Trong năm 2016, chúng ta đã chứng kiến số lượng DN thành lập mới gia tăng ở một con số kỷ lục: trên 100 ngàn DN. Số lượng DN khởi nghiệp cũng tăng lên mạnh mẽ, cho thấy cộng đồng DN, doanh nhân rất nỗ lực, rất hứng khởi. Tôi đánh giá cao động lực của cộng đồng DN trong việc hăng hái tham gia thương trường, kể cả sự nỗ lực của các DN tìm cách gượng dậy, phục hồi sản xuất kinh doanh, đó thực sự là tinh thần “thép”. Động lực của DN không cần phải bàn, ở đây tôi muốn nói đến động lực của quản lý, thể chế. Chúng ta đã đưa ra nhiều quy định, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho DN đấy, song đưa vào cuộc sống còn chậm.

Thứ hai, sự khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước dù trên lý thuyết là có nhiều song thực hiện chưa được nhiều. Nhiều DN, hiệp hội cho biết họ không tiếp cận được hỗ trợ gì từ phía nhà quản lý, hầu như phải “tự bơi”. Như vậy, rõ ràng, chúng ta cần phải tạo động lực sản xuất kinh doanh cho DN bằng thể chế và bằng cách tổ chức thực hiện. Chúng ta hay nhắc nhiều đến việc liên kết và sản xuất theo chuỗi, nhưng phải có “chất xúc tác”.

Tại sao Bộ Công thương phải có Cục Xúc tiến thương mại, Bộ NN&PTNT cũng sắp sửa hình thành một Cục Xúc tiến nông sản, ở đây vai trò môi giới trung gian rất quan trọng. Ở Đài Loan người ta không có nhiều tập đoàn lớn nhưng họ lại có hiệu quả sản xuất rất cao vì họ liên kết được các DN nhỏ và vừa với nhau, nhiều DN nhỏ liên kết lại thành sản xuất lớn và họ điều phối được sự liên kết đó. Còn chúng ta, vẫn chưa tạo được sự liên kết này.

Ở chiều ngược lại, các DN Việt cũng cần phải thay đổi phương thức hoạt động sản xuất. Các DN không nên chỉ tư duy nhìn trong ngắn hạn, đạt lấy lợi ích trước mắt. Nhiều DN hiện nay chỉ làm ăn theo kiểu “chộp giật” nên dễ dàng đánh mất chữ tín, và mau chóng bị rơi vào lãng quên, ngã ngựa. Tôi lấy một ví dụ về cách giữ thương hiệu của các DN Việt Nam hiện nay rất kém. Đó là câu chuyện của “bún chả Obama”. Nếu biết cách xây dựng gìn giữ thương hiệu thì chắc chắn cửa hàng đó sẽ rất phát triển nhờ sự kiện đó, nhưng ngược lại, sau một thời gian ngắn bùng lên khi ông Obama vào quán ăn, thì giờ đây người ta không mấy nhắc đến nữa. Ở đây, câu chuyện xây dựng thương hiệu, gìn giữ chữ tín có vai trò tối quan trọng để giúp các DN đứng vững và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Ông Tô Hoài Nam.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân nhỏ và vừa Việt Nam: Kỳ vọng những tác động mạnh mẽ của Luật mới

Chính phủ đang rất quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân và ngày càng đề cao vai trò của kinh tế tư nhân. Trên thế giới, kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế và Việt Nam cũng đang nhìn nhận rõ hơn về điều đó. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản để thúc đẩy khu vực kinh tế này. Tôi muốn nhấn mạnh đến 6 nội dung tồn tại dai dẳng khiến DN khó có thể bứt phá, đó chính là vấn đề về mặt bằng, tín dụng, công nghệ, nhân lực, thị trường và khả năng tuân thủ các quy định.

Tôi lấy ví dụ, DN có công nghệ rồi, nhân lực rồi nhưng không tiếp cận được vốn và mặt bằng thì họ không thể thể nào tổ chức triển khai, phát triển sản xuất hay mở rộng quy mô... Bởi vậy, chúng tôi rất kỳ vọng vào Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ tạo đà để DN được thắp thêm lửa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Đặc biệt là mục tiêu hướng đến 1 triệu DN vào năm 2020, Luật sẽ đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy hướng đến mục tiêu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết để bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO