Mù mờ quy định 'Made in Vietnam': Người tiêu dùng thiệt nhất

Minh Phương 28/06/2019 08:00

Sự việc của Asanzo đang khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn: Liệu còn bao nhiêu doanh nghiệp (DN) đang làm ăn một cách mập mờ, trà trộn hàng kém chất lượng gắn mác “hàng Việt Nam” để đánh lừa người tiêu dùng? Theo giới chuyên gia, bản thân các chính sách, quy định hiện nay vẫn chưa phân định rõ về các sản phẩm “made in Việt Nam”... nên mới dẫn đến tình trạng DN “lập lờ” đánh tráo khái niệm. Và cuối cùng, thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng.

Mù mờ quy định 'Made in Vietnam': Người tiêu dùng thiệt nhất

Những vụ việc như của Asanzo vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của người tiêu dùng với hàng Việt.

Từ lỗ hổng chính sách

Liên quan đến sự việc của Asanzo – một nhãn hàng từng được Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao bình chọn là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao song lại đang nằm trong “nghi án” nhập nguyên liệu Trung Quốc để dán nhãn xuất xứ Việt Nam – nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách làm ăn không minh bạch của nhiều DN hiện nay. Theo đó, rất nhiều DN đang đánh lừa người tiêu dùng theo kiểu làm ăn “treo đầu dê bán thịt chó” , bằng cách nhập linh kiện về lắp ráp tại Việt Nam rồi dán mác “hàng Việt Nam”, “xuất xứ tại Việt Nam”, “made in Việt Nam”, thậm chí sản phẩm như vậy còn được dán nhãn “hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Người Việt đang ngày càng tin dùng hàng Việt, nên có thể đánh vào tâm lý này, nhiều DN đã thực hiện hành vi trà trộn hàng hóa kém chất lượng vào dán nhãn hàng Việt để đánh lừa người tiêu dùng. Tuy nhiên, để xảy ra thực trạng này, một phần còn do những lỗ hổng từ chính phía nhà quản lý. Trao đổi về vấn đề này, một luật sư nêu ra quan điểm: Lỗ hổng lớn nhất hiện này là không phân biệt, định nghĩa được rõ ràng giữa sản xuất và lắp ráp (lắp ráp bao nhiêu phần trăm, lắp ráp mức độ thế nào), xuất xứ (từ một nước hay nhiều nơi). Quy định, khái niệm về phần trăm nguyên liệu để một sản phẩm được coi là sản phẩm “made in Vietnam” cũng rất mù mờ.

Liên quan đến việc ghi nhãn mác trên các sản phẩm hàng hóa, cơ quan quản lý cũng thừa nhận chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước hoàn toàn không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “made in Vietnam”. Cụ thể, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa đã nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết”. Cũng theo Nghị định này, cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định là ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.

Quyền lợi người tiêu dùng phải được bảo vệ

Liên quan đến những diễn biến xung quanh sự việc của Asanzo, hiện Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. Tuy nhiên, dù chưa ngã ngũ Asanzo có sai phạm hay không, vì còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra, song một lần nữa cho thấy, kẽ hở pháp lý đang gây ra những thiệt thòi lớn đối với người tiêu dùng. Rõ ràng, việc DN sản xuất thiếu minh bạch, nhập nhèm đánh tráo khái niệm hàng Việt Nam, hàng Việt Nam chất lượng cao để chiếm dụng lòng tin của người tiêu dùng đang gây ra những tổn hại lớn đến niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng Việt.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Đây là một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng. Lựa chọn tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là một trong những nghĩa vụ của người tiêu dùng, bởi vậy có thể nói, bất cứ tổ chức cá nhân kinh doanh nào không chấp hành những quy định trên đều vi phạm pháp luật.

Có ý kiến cho rằng, nhiều DN, đối tượng đã lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để dành lấy niềm tin, sự ưu ái của người tiêu dùng, từ đó tuồn hàng giả đội lốt hàng Việt ra thị trường, chia sẻ về điều này, ông Hùng nêu quan điểm, từ hàng loạt những sự vụ như Khải silk hay câu chuyện của Asanzo, nhà quản lý cần làm rõ khái niệm thế nào là hàng Việt Nam để giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn đúng đắn.

Theo quy định hiện hành, xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. Tỷ lệ phần trăm giá trị là hàm lượng giá trị có được để coi là có xuất xứ tại một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi diễn ra công đoạn sản xuất, gia công chế biến cuối cùng – được xác định là phần giá trị gia tăng tính trên tổng giá trị của hàng hóa được sản xuất tại một nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ sau khi trừ đi giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu không thuộc nhóm nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ đó. “Bởi vậy, nhà quản lý cần đưa ra những quy định rõ ràng, cụ thể khi ghi cụm từ “xuất xứ Việt Nam”, “hàng Việt Nam”, “made in Việt Nam”… trên sản phẩm, hàng hóa hay nói cách khác, các sản phẩm hàng hóa cần phải đáp ứng tiêu chí như thế nào mới được dán nhãn “made in Việt Nam” chứ không thể để DN tự ý ghi” – ông Hùng nhấn mạnh.

Trước sự việc của Asanzo, ông Hùng cho biết, Hội kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra làm rõ, nếu DN có hành vi vi phạm thì cần xử lý nghiêm theo pháp luật để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng về việc được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mù mờ quy định 'Made in Vietnam': Người tiêu dùng thiệt nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO